Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Cuộc tàn sát vũ trường Thanh Đạm (Kỳ 7)

18/12/2021 15:05

Theo dõi trên

Năm 1953, để thi ụy với chính quyền Bảo Đại do Pháp lập và cũng để đòi hỏi Pháp cung cấp nhiều tiền cho lực lượng "Nghĩa sỹ cách mạng", Ba Cụt lệnh cho Bảy Đởm thực hiện một trận đánh kinh hoàng mà báo chí thời đó gọi là "cuộc thảm sát tại vũ trường Thanh Đạm".

Vũ trường Thanh Đạm do một bà đầm Tây (người việt lấy chồng Pháp) đầu tư, xây dựng cách tỉnh lỵ Châu Đốc 2 km, trên đường vào núi Sam (nay là đường Thoại Ngọc Hầu). Thời đó, đoạn đường này rất vẳng vẻ, thưa thớt nhà cửa. Mỗi tối, hầu hết các quan chức và sỹ quan quân đội, cảnh sát của chính phủ Bảo Đại, các nhà đại phú hào thường vào vũ trường Thanh Đạm uống bia và kiếm gái.

Ở vũ trường Thanh Đạm, ngoài các cô me Tây (cave người Việt) còn có gái mang quốc tịch Pháp phục vụ khách làng chơi. Vũ trường này còn là nơi bán ma túy công khai của chính quyền.

01-1639373236.jpg
Di tích trụ sở của quân đội Ba Cụt tại Thới Long, Ô Môn, Cần Thơ

Một đêm, khi mọi người đang ngã ngớn trong tiếng nhạc, bất ngờ xuất hiện một chiếc xe du lịch hiệu Traction đỗ xích trước cửa vũ trường. Từ chiếc xe du lịch bước xuống một toán người mặc đồ đen, bịt khăn đen, tay cầm súng rulo và dao quắm. Nhân viên gác dan là một người Ấn kiều chưa kịp hiểu chuyện gì đã bị 1 người trong toán áo đen dùng dao quắm cắt đứt cổ họng nằm giảy đành đạch trong vũng máu.

Toán người áo đen xông vào vũ trường bắn chỉ thiên 1 loạt súng khiến mọi người có mặt khiếp vía. Chúng chỉa súng dồn mọi người vào góc vũ trường. Trong đó có một người mặc sắc phục sỹ quan bộ binh của chính quyền Bảo Đại, cấp hàm Thiếu úy. Những cô gái cave được chúng trói giật cánh khuỷu rồi đưa ra xe. 32 người còn lại - trong đó có một số người là viên chức của chính quyền - bị chúng xả súng bắn chết hết. Bắn xong, chúng kéo xác các nạn nhân ra sân vũ trường nhằm mục đích thị uy rồi rút đi.

Suốt 1 tháng sau đó, người ta lần lượt tìm thấy thi thể 16 cô gái đã bị chúng bắt đi ở nhiều địa chỉ khác nhau trong địa bàn Châu Đốc. Hầu hết các thi thể đều có biểu hiện bị cưỡng hiếp tập thể và bị cắt rời từng bộ phận thân thể cho đến chết. Ám ảnh kinh hoàng, người dân địa phương đã tự lập 1 ngôi miếu để hương khói cho các vong hồn bị chết oan tại vũ trường Thanh Đạm. Vì vậy, ngôi miếu được người dân gọi là miếu cô hồn Thanh Đạm.

Sau khi thực hiện xong phi vụ tàn sát đó, Ba Cụt "bắn tiếng" cho chính quyền Bảo Đại biết "chiến công" đó là của Bảy Đởm - Thuộc hạ của ông ta.

Để trả thù, chủ tỉnh Châu Đốc lệnh cho 1 tiểu đoàn hỗn hợp tấn công vào núi Cấm truy lùng quân của Bảy Đởm.

Hôm đó, Bảy Đởm cùng các thuộc hạ mổ bò ăn mừng tại Vồ Bồ Hong. Tất cả đều say mềm, ngủ quặt quại, la liệt trong các hốc đá. Có dư luận cho rằng, mật thám đã cử 1 người giả dạng làm dân thường vờ lên núi Cấm hành hương để cho quân của Bảy Đởm bắt.

Người này vừa gặp Bảy Đởm đã quỳ lạy, ca ngợi: "Con nghe tiếng ông Bảy oanh liệt từ rất lâu. Con rất ngưỡng mộ tài thao lược của ông Bảy. Giờ mới gặp. Gia đình con cũng thuộc hạng khá giả trong vùng. Ông Bảy cho phép con gọi người nhà đem biếu ông Bảy 1 con bò và vài thùng rượu tây để khao quân".

Nghe sướng tai, Bảy Đởm đồng ý thả viên mật thám đóng vai người hành hương. Hôm sau, "người hành hương" đưa lên núi Cấm 1 con bò và mấy thùng rượu tây. Bảy Đởm cùng đám thuộc hạ hý hửng mổ bò làm món nhậu. Chúng không biết những chai rượu tây đã pha một liều lượng thuốc ngủ.

Chờ cho bọn Bảy Đởm ngấm thuốc ngủ, "người hành hương" trở xuống chân núi báo cho quân Bảo Đại tấn công.

May cho Bảy Đởm, cuộc nhậu đó vắng mặt Sâm "chó đẻ".

02-1639373296.jpg
Lực lượng quân sự ô hợp của Bảy Đởm và Ba Cụt

Thời điểm đó ông ta xuống núi tìm gái bắt cóc để hãm hiếp. Khi Sâm "chó đẻ" trở lại căn cứ trên núi Cấm thì thầy đồng bọn đang ngủ say như chết. Đúng lúc đó, quân Bảo Đại tấn công lên. Sâm "chó đẻ" cõng Bảy Đởm giấu vào một hốc đá rồi một mình chiến đấu với cả đại đội Bảo Đại suốt 1 buổi chiều. Do địa hình lởm chởm đá nên quân Bảo Đại bị ghìm chân.

Nửa đêm, Bảy Đởm và đồng bọn mới tỉnh dậy và tiếp sức với Sâm "chó đẻ" đẩy quân Bảo Đại khỏi núi Cấm.

Cũng có dư luận kể rằng, Bảy Đởm đã biết người hành hương là mật thám. Chờ ông ta đưa bò và rượu tây lên dâng, Bảy Đởm trói thúc ké rồi lần lược xẻo từng miếng thịt cho đến chết. Vì vậy, khi quân Bảo Đại kéo lên núi đã rơi vào trận địa bày sẳn của Bảy Đởm. Từ trên núi, quân Bảy Đởm lăn đá xuống khiến quân của Bảo Đại bị thương vong rất nhiều. Sau 3 ngày nỗ lực tấn công lên núi, quân của Bảo Đại đành rút lui.

Sau khi được Bảo Đại cho làm thủ tướng, vào năm 1955, Ngô Đình Diệm xua quân thực hiện chiến dịch mang tên Hoàng Diệu nhằm triệt tiêu các lực lượng quân đội Hòa Hảo. Trước khi tấn công bằng quân sự, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện "chương 1" trong chiến dịch Hoàng Diệu là tuyên truyền. Để tuyên truyền, ông ta cho tổ chức 1 cuộc thi chạy bộ ma ra tông xuyên qua các địa danh có quân của Năm Lửa, Ba Cụt và Hai Ngoán trú đóng: Châu Đốc, Long Xuyên, Lấp Vò, Sa Đéc, Nha Mân và Vĩnh Long.

Trong số những nhân viên làm công tác tổ chức, bảo vệ đoàn thể thao có rất đông các mật thám. Những mật thám này núp trong đoàn thể thao để dọ thám địch tình các lực lượng quân đội Hòa Hảo. Ngoài ra, các ký giả cũng được mời theo đoàn thể thao để viết bài lăng xê.

Cuộc chạy thi được khai mạc tại Châu Đốc. Trước ngày khai mạc, các ký giả được xe hơi của Tư lệnh chiến dịch Hoàng Diệu là Đại tá Lâm Văn Phát đưa từ Sài Gòn về Châu Đốc để viết bài tường thuật.

Ngay khi các ký giả vừa đặt chân xuống Châu Đốc đã bị ban tổ chức lùa vào phòng họp để đưa ra khuyến cáo: "Không được rời khỏi khu vực chỉ huy của ban tổ chức nếu muốn an toàn tính mạng". Không ai hiểu vì sao ban tổ chức lại đưa ra khuyến cáo nghiêm trọng như vậy. Trong bữa tiệc chiêu đại đầu tiên, một vài ký giả xúm nhau phục rượu một quan chức địa phương. Khi ông này bắt đầu xỉn, họ hỏi khéo. Đã có "thần men" nhập hồn, tay quan chức nọ lè nhè bảo: "Ở xứ Châu Đốc này, chính quyền chỉ sợ 2 người. Người thứ nhất đáng sợ là ông Trời. Người thứ 2 là ông Bảy Đởm". Dù đã có thần men trợ giúp, vị quan chức nọ vừa nhắc đến tên Bảy Đởm đã tỉnh rượu, không dám nói tiếp nữa.

Các ký giả vẫn chưa biết Bảy Đởm là ai. Vì tò mò, sáng sớm hôm sau, họ lân la ra chợ gặp dân tiểu thương hỏi thăm. Được dịp "tám", các bà tiểu thương thỏa sức kể cường điệu về hung thần Bảy Đởm. Qua lời "tám" của các bà tiểu thương, các ký giả Sài Gòn hình dung Bảy Đởm như một quái vật kinh dị Dù rất háo hức, muốn tìn gặp Bảy Đởm nhưng tất cả các tiểu thương đều cản ngăn: "Mấy ông mà gặp ông Bảy thì kể như tiêu đời. Hễ gặp người lạ là ông Bảy làm thịt". Thế là không ai còn ý định tìm gặp Bảy Đởm nữa.

chan-dung-ba-cut-1639373342.jpg
Chân dung Ba Cụt

Kết thúc cuộc đua, các ký giả trở về Sài Gòn. Thay vì tán đương giới thiệu về cuộc đua, hầu hết các báo đều đăng bài viết về Bảy Đởm. Có báo giật tít "Tướng cưới dao dâu, phó ông trời vùng Thất Sơn". Có báo viết tường tận như thể ký giả được Bảy Đởm mời vào doanh trại ăn ở suốt cả tuần. Thậm chí có báo còn ca ngợi Bảy Đởm như một anh hùng hảo hán của Lương Sơn Bạc trong truyện Tàu: "Ông Bảy luyện được phép mình đồng da sắt, dao chém không đứt, súng bắn không thủng. Mỗi đêm, ông Bảy bỏ dầu chai vào chảo đun sôi lên rồi vào ngồi luyện cho da cứng cáp. Trong trận đánh lên núi Cấm, lính chính phủ bao vây dầy đặc dưới chân núi. Ông Bảy dọa hù lính chính phủ bằng cách tàng hình rồi đứng trước mặt từng người quẹt lọ nghẹ vô mũi chơi cho vui. Ông Bảy ăn gan người để luyện phép thần thông. Ông Bảy căm thù người của chính phủ…".

Kể như cuộc đua nhằm cổ xúy cho việc thanh trừng quân đội Hòa Hảo - Trong đó có lực lượng của Bảy Đởm - không chỉ bị phá sản mà còn có tác dụng ngược. Trước kia, dân Sài Gòn không biết Bảy Đởm là ai. Nhờ cuộc đua, tiếng tăm Bảy Đởm vang khắp miền Nam./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Cuộc tàn sát vũ trường Thanh Đạm (Kỳ 7)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.