Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Giai thoại về chiếc nanh heo lục chiếc (Kỳ 6)

17/12/2021 01:12

Theo dõi trên

Ba Cụt cũng cần những người như Bảy Đởm để lực lương thêm mạnh. Ba Cụt thu nhận. Số lâu la của Bảy Đởm biến thành 1 đại đội "nghĩa sỹ cách mạng".

01-1639372203.jpg
Chùa Năm Thuyền trên đỉnh núi Tà Lơn - Nơi Bảy Đởm khoe từng học bùa chú

Được hậu thuẫn của Pháp, lực lượng quân đội do Trần Văn Soái chỉ huy cải hoán thành lực lượng Vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực. Dù vậy, người dân vẫn cứ quen mồm gọi đó là lực lượng quân đội Hòa Hảo. Về danh nghĩa, lực lượng ô hợp của Ba Cụt trực thuộc Vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực. Tuy nhiên, Ba Cụt không chịu sự chỉ huy của Trần Văn Soái. Ba Cụt hoạt động tự do.

Giai đoạn này, không ai biết Ba Cụt chỉ huy đội quân này phục vụ cho ai. Miệng thì hô hào đánh Pháp lấy lại độc lập cho dân Việt nhưng Ba Cụt lại nhận cấp hàm Thiếu tá do quân Pháp cấp và đánh Việt Minh. Nhận hàm của Pháp nhưng Ba Cụt lại đánh luôn quân của Trần Văn Soái.

Ngày 18/5/1947, Trần Văn Soái ký kết một hiệp định liên kết với đại tá Cluzet - Tư lệnh Phân khu Tây Nam Bộ của Pháp. Từ hiệp định đó, quân của Trần Văn Soái - một lực lượng kháng Pháp, trở thành Lực lượng Dự bị (Suppletif Forces) của quân đội Pháp.

Căn cứ vào chuyện đó, Ba Cụt tuyên bố ly khai với Trần Văn Soái, đặt tên mới cho lực lượng quân sự của mình là "Nghĩa quân Cách mạng". Không ai biết lực lượng "nghĩa quân" của Ba Cụt hoạt động với mục đích gì, bởi ông ta chống lại tất cả mọi lực lượng quân sự khác, từ quân đội Hòa Hảo, Pháp, kể cả Việt Minh…

Ba Cụt đóng bản doanh tại Bằng Tăng (Ô Môn, Cần Thơ) cát cứ một cõi theo kiểu thổ phỉ và trở thành nỗi khiếp hãi của nhân dân địa phương. Quen thói côn đồ chợ, Ba Cụt đối xử với binh lính và quần chúng rất tàn nhẫn, ác độc. Cho đến tận bây giờ, nhiều vị kỳ lão địa phương vẫn rùng mình khi nhớ về giai đoạn "sống chung với quân Ba Cụt".

Để có tiền nuôi quân, Ba Cụt lệnh cho nhân dân trong vùng phải đóng thuế. Ai nộp thuế chậm, Ba Cụt cho quân bắt trói thúc ké nằm phơi nắng lăn lóc dưới sân suốt ngày đến khi nào người thân đem tiền đến nộp mới thả. Đối với những người bị tình nghi là phe địch (Mật thám Pháp, mật thám của Trần Văn Soái và Việt Minh) bị bắt, Ba Cụt thường dùng cây đinh dài 10 cm đóng vào 2 lỗ tai rồi thả. Nạn nhân được thả chạy sảng quanh một lúc lâu mới lăn ra co giật rồi chết.

Có lần tình cờ đi ngang nhà hai vợ chồng nọ đang gây gổ nhau. Thấy người phụ nữ mắng chồng leo lẻo, Ba Cụt lệnh cho thuộc hạ xông vào bắt trói. Đích thân ông ta dùng dao rạch miệng người phụ nữ đến mang tai, mặc cho ông chồng quỳ lạy van xin. Mấy hôm sau nạn nhân chết, ông chồng tự tử theo.

Năm 1945, Bảy Đởm vẫn còn đóng trại cướp trên lưng chừng núi Bà Đội Om và vẫn thu tiền mãi lộ những ai đi ngang qua đoạn đường này. Theo lệnh của Pháp, một hôm Ba Cụt cho một tiểu đội lính tuyển mai phục bắt trọn ổ nhóm cướp Bảy Đởm trói gô lại chở  về "Tổng hành dinh" ở Bằng Tăng.

Cuộc gặp gỡ này đã nâng cấp cuộc đời tướng cướp Bảy Đởm.

Gặp Ba Cụt, tướng cướp Bảy Đởm quỳ sụp xuống vừa lạy như tế sao vừa ca ngợi Ba Cụt như một vị tướng trời. Bảy Đởm nhắc về giai đoạn cùng chung băng nhóm Nghĩa sỹ đảng ở Chắc Cà Đao và thề sống chết, nếu Ba Cụt tha mạng, sẽ trung thành phò tá suốt đời. Tất nhiên Bảy Đởm không quên nhắc những ngày cùng nhau thọ giáo võ sư Hoành Chắc Cà Đao.

Ba Cụt cũng cần những người như Bảy Đởm để lực lương thêm mạnh. Ba Cụt thu nhận. Số lâu la của Bảy Đởm biến thành 1 đại đội "nghĩa sỹ cách mạng". Ba Cụt giao cho Bảy Đởm và đại đội này đóng chốt tại núi Cấm. Từ một thảo khấu cướp đêm, chớp mắt Bảy Đởm trở thành thảo khấu cướp ngày công khai, núp dưới danh nghĩa "kháng chiến quân".

02-1639372253.jpg
Trần Văn Soái - Chỉ huy lực lượng quân dự bị của Pháp

Từ khi mang danh nghĩa kháng chiến, Bảy Đởm thường khề khà nói với thuộc hạ: "Vùng này, anh Ba (tức Ba Cụt) là ông trời, còn tao là phó ông trời". Được trao quyền sinh sát, Bảy Đởm thỏa sức thể hiện bản chất độc ác của một tên đồ tể. Hắn dùng việc tra tấn, giết chóc, cướp bóc, ức hiếp dân lành làm thú vui.

Để lấy uy trấn áp đám thuộc hạ - hầu hết là lưu manh, côn đồ - Bảy Đởm thường khoe mình được cha truyền thụ võ bùa gồng Trà Kha đến mức thượng thừa. Bảy Đởm xâm lên người hàng chục chữ Phạn.  Mỗi khi ngà ngà rượu, Bảy Đởm giả vờ như bị thần nhập, múa võ loạn xị, nhào lộn tưng bừng. Trên cổ, Bảy Đởm đeo một đống các loại dây cà tha, niệc. Đặc biệt trong số đó có 1 chiếc nanh heo lục chiếc dài hơn 1 gang tay, cong thành 1 vòng tròn. Bảy Đởm cho rằng, đó là chiếc nanh heo có công năng xua đuổi làn đạn ra khỏi thân thế.

Bảy Đởm thường kể rằng, hồi còn thiếu niên ông ta đã từng sang hòn núi linh thiêng Tà Lơn (Kampot, Campuchia) học đạo. Để lên được đỉnh ngọn núi huyền bí đó, ông ta phải đi xuyên cánh rừng rậm hoang vu suốt hàng tháng trời. Một hôm, khi đang nằm nghỉ chân bên một cây đại thụ, ông ta mệt mõi ngủ thiếp đi. Trong mơ, một ông lão già nua xấu xí có lỗ mũi to chiếm nửa gương mặt hiện ra tự giới thiệu là một con heo lục chiếc sống hơn 200 năm trên núi đã tu luyện thành thần. Sau khi thành chánh quả, heo tìm đến gốc cây đại thụ này thoát xác để về trời. Nhưng còn nghiệp quả ở dương thế nên các đấng bề trên chưa cho vào cõi trời. Vì vậy, thần heo trở lại dương thế để trả quả bằng cách tìm người phù trợ làm đế vương. Thần heo bảo Bảy Đởm mò tìm xung quanh gốc cây sẽ gặp 1 cặp nanh của xác heo rũ. Linh hồn thần heo nằm trong cặp nanh heo đó. Bảy đởm đeo cặp nanh heo đó trên người để thần heo theo sát bên mình.

Thức giấc, Bảy Đởm mò trong đám lá mục thì tìm thấy cặp nanh heo. Bảy Đởm đeo cặp nanh heo vào cổ rồi tiếp tục lên núi tìm thầy học đạo.

Bảy Đởm đã tìm gặp được một vị cao tăng người Kh'mer đã hóa thánh sống trên đỉnh Tà Lơn. Vị thánh sống này nhận Bảy Đởm là đệ tử và truyền thụ phép thuật. Thế nhưng học hoài không vô nỗi 1 bài. Lấy làm lạ, sư phụ đưa tay bấm quẻ thì phát hiện Bảy Đởm đeo cặp nanh heo nghiệp chướng trên người. Thì ra, bao nhiêu bài học sư phụ truyền thụ, thần heo lĩnh hội hết nên Bảy Đơm học không vô. Bị thầy quở phạt, tức giận, Bảy Đởm ném cặp nanh heo xuống sườn núi.

Không ngờ, không còn nanh heo, Bảy Đởm học cũng không vô. Sư phụ lại bấm quẻ. Quẻ lần này cho biết, kiếp trước Bảy Đởm là … Võ Tòng trong truyện Thủy Hử bên Tàu. Võ Tòng giỏi võ nhưng dốt chữ nên chỉ có thể làm tướng chứ không làm vua được. Kiếp này, Bảy Đởm cũng sẽ không bao giờ thuộc nỗi mặt chữ. Bảy Đởm muốn giỏi phải có quân sư kế cạnh. Sực nhớ đến linh thần heo trong cặp nanh, sư phụ khuyên cứ để thần heo học thay thế Bảy Đởm.

Bảy Đởm vội xuống thung lũng tìm cặp nanh heo. Quần thảo hàng tháng trời dưới khe núi, Bảy Đởm cũng chỉ tìm được 1 chiếc.

Từ đó, Bảy Đởm vẫn học đạo nhưng chiếc nanh heo tiếp thu kiến thức. Vì chỉ còn 1 chiếc nanh nên thần heo cũng chỉ tiếp thu được phân nửa những kiến thức của sư phụ truyền dạy. Nếu không mất 1 chiếc nanh, có lẽ Bảy Đởm đã thành tướng!?! Chuyện vô lý như vậy, Bảy Đởm cũng nghĩ ra.

nghia-trang-linh-dan-xa-dang-1639372289.jpg
Nghĩa trang lính Dân Xã Đảng

Có lần, Bảy Đởm đi ngang đám thuộc hạ, bất thần quả lựu đạn đeo bên hông sút kíp an toàn rơi lông lốc dưới đất. Trong khi đám thuộc hạ hoảng vía nằm bẹp xuống đất thì Bảy Đởm đưa tay bắt ấn quyết, miệng hô lớn thần chú. Quả lựu đạn không nổ. Thật ra, quả lựu đạn đã bị Bảy Đởm cắt bỏ kíp nổ từ trước. Từ 2 chiêu "bùa" đó, đám thuộc hạ truyền tai nhau rằng: "Thân thể ông Bảy bất khả xâm phạm bởi súng đạn, dao, búa".

Bắt chước Bảy Đởm, đám thuộc hạ đều lùng tìm nanh heo đeo lũng lẳng trên cổ. Vì vậy, một số người dân địa phương còn gọi đám binh lính của Bảy Đởm là "lính nanh heo" hoặc "lính lục chiếc".

Để tăng thêm sự can đảm cho thuộc hạ, Bảy Đởm dùng lụa vàng vẽ chữ bùa bằng mực tàu gọi là bùa "đạn né" rồi phân phát khắp đại đội. Ai đã có bùa hộ mạng mà vẫn bị trúng đạn, Bảy Đởm đổ thừa nạn nhân không thành tâm với "phó ông trời” nên bị nạn./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Giai thoại về chiếc nanh heo lục chiếc (Kỳ 6)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.