Năm Ất Dậu 1885, Phan Đình Phùng thay mặt vua Hàm Nghi (1872 – 1943) phát động chiếu Cần Vương, thì lúc đó Hoàng Hoa Thám đã lập chiến khu ở vùng Yên Thế (thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay) và nghiễm nhiên là vị Đề lĩnh kiệt hiệt trong phong trào Cần Vương, nên thường được gọi là Đề Thám với danh tiếng là Hùm Thiêng Yên Thế.
Nhân vật nổi tiếng thời nhà Nguyễn
02/11/2017 09:02
Năm Mậu Thân 1908, Đề Thám cho người lập mưu đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, sự kiện trên đã gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, lúc đó thực dân Pháp đang rất mạnh, chúng ráo riết lập đồn bốt, mở đường để chuẩn bị đánh đòn quyết định vào căn cứ của cuộc khởi nghĩa, và cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã mất dần lợi thế.
Hoàng Hoa Thám sinh năm Mậu Ngọ 1858, tự là Trương Văn Thám, thân sinh là Trương Văn Sinh, than mẫu là Lương Thị Ninh, quê ở làng Dị Chiến, huyện Tiễn Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Năm Ất Dậu 1885, Phan Đình Phùng thay mặt vua Hàm Nghi (1872 – 1943) phát động chiếu Cần Vương, thì lúc đó Hoàng Hoa Thám đã lập chiến khu ở vùng Yên Thế (thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay) và nghiễm nhiên là vị Đề lĩnh kiệt hiệt trong phong trào Cần Vương, nên thường được gọi là Đề Thám với danh tiếng là Hùm Thiêng Yên Thế.
Phong trào nông dân Yên Thế (1883 – 1913) là sự kiện quan trọng nhất của phong trào nông dân khởi nghĩa thời cận đại, cuộc khởi ngĩa này kéo dài trong vòng 30 năm, trải dài từ thời Cần Vương qua những năm đầu thế kỷ XX .
Thực ra Đề Thám không phải là thủ lĩnh đầu tiên của phong trào này, người đầu tiên có công xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở vùng Yên Thế và vùng lân cận là Đề Nắm (Lương Văn Nắm). Từ năm 1886, Đề Thám đã trở thành lãnh tụ chính của phong trào nông dân Yên Thế. Năm Nhâm Thân 1892, khi đề Nắm mất, Đề Thám đã trở thành lãnh tụ chính của phong trào nông dân Yên Thế với chiến khu và địa bàn hoạt động quanh vùng Bắc Giang – Thái Nguyên – Hưng Hóa (Tuyên Quang) khiến giặc Pháp kinh hoàng.
Dưới sự lãnh đạo của Đề Thám, càng ngày Yên Thế càng thu hút anh hùng hào kiệt các nơi tập trung về, từ Đội Văn, Lãnh Giới, Lãnh Thiêt… sau khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại đã tìm đến Yên Thế theo Đề Thám, và Thống Luận từ Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng theo về, đến Cai Thanh từ Thanh Hóa cũng theo ra vào năm 1893…
Đại bản doanh Phồn Xương của Đề Thám còn thu hút sự chú ý của Phan Bội Châu, năm 1905, Phan Bội Châu cũng lên Yên Thế gặp Đề Thám, và Phan Châu Trinh vào năm 1906 cũng lên Yên Thế gặp Đề Thám và quan sát cuộc chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế, và cả Tôn Trung Sơn (1866 – 1925) của Trung Quốc khi ông ghé vào sứ Bắc Kỳ năm 1907 cũng đã tìm hiểu tình hình và từng đến Yên Thế để gặp Đề Thám.
Năm Mậu Thân 1908, Đề Thám cho người lập mưu đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, sự kiện trên đã gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Tuy nhiên lúc đó thực dân Pháp đang rất mạnh, chúng ráo riết lập đồn bốt, mở đường để chuẩn bị đánh đòn quyết định vào căn cứ của cuộc khởi nghĩa, và cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã mất dần lợi thế.
Tháng hai năm Kỷ Dậu 1909, trong một trận đánh bất ngờ, bà Ba Cẩn (tự Đặng Thị Nho) vợ ba Đề Thám và con gái là Hoàng Thị Thế bị thực dân Pháp bắt sống, chúng hạ lệnh đưa mẹ con bà Ba Cẩn cùng một số nghĩa quân đày sang đảo Guyam, khi tàu cập bến Algen, bà Ba Cẩn đã nhảy xuống sông tự tử. Hình ảnh oanh liệt của bà Ba Cẩn gắn liền với người anh hùng Đề Thám, và nó đã tạo nên một thiên tình sử đẹp giữa Đề Thám và bà Ba Cẩn. Tuy nhiên việc mất đi bà Ba Cẩn, nghĩa quân Yên Thế đã mất đi một tướng lĩnh quan trọng (bà Ba Cẩn được liệt vào hàng ngũ tướng chỉ huy tối cao của nghĩa quân, bà đã sát cánh cùng với Đề Thám từ năm 1893 đến đầu năm 1909, và giúp Đề Thám nhiều mưu lược đánh giặc).
Thế cùng lực kiệt, cuối cùng Đề Thám lại quay trở lại Yên Thế, nhưng thực dân Pháp cũng chỉ sát hại được Đề Thám nhờ sự phản bội của Lương Tam Kỳ. Ngày 9/2/năm Quý Sửu 1913, đệ tử của Lương Tam Kỳ là ba tên thổ phỉ Tsan Tac Ky, Lương Song Wa và Tsan Fong San đã giết hại Đề Thám, nhưng đây cũng chỉ là một nghi vấn của lịch sử, chỉ biết rằng, sau khi Đề Thám chết thì Lương Tam Kỳ đã nhận tiền thưởng của thực dân Pháp là 25.000 đồng, và con nuôi của Lương Tam Kỳ là Lương Tam Phúc được thăng tri phủ Quảng Oai. Đề Thám chết, hưởng thọ 55 tuổi. Sau khi giết được Đề Thám, thực dân Pháp đã trả thù hèn mạt bằng cho bêu đầu người anh hùng Yên Thế ở Nhã Nam.
Nhìn chung cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã bộc lộ khả năng to lớn của nông dân Việt Nam, đặc biệt là tài chí của người anh hùng Đề Thám – người có khả năng quân sự kiệt xuất, khả năng khai thác sức chiến đấu, lòng yêu nước thiết tha của người nông dân nghèo. Cuộc kháng chiến bền bỉ của nông dân Yên Thế và hình ảnh của Đề Thám mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta.
Vương Quốc Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Nhân vật nổi tiếng thời nhà Nguyễn" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.