Lê Phụng Hiểu (982 – ?), quê làng Băng Sơn, Châu Ái (ngày nay thuộc xã Dương Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Nhân vật nổi tiếng thời nhà Lý
12/10/2017 16:19
Vua Lý Thái Tông ưng thuận, Lê Phụng Hiểu liền về quê, lên núi ném đao xa hơn 10 dặm, rơi xuống thôn Đa Mi, chiểu theo chỗ ngọn đao ông ném xuống, nhà vua cấp cho ông hơn 1000 mẫu ruộng đất để biểu dương công trạng, và hơn 1000 mẫu ruộng được vua ban trên của Lê Phụng Hiểu được nhà vua cho miễn không phải đóng thuế. Vì vậy người dân Châu Ái gọi ruộng được thưởng ấy là “Ruộng ném đao”.
Lê Phụng Hiểu (982 – ?), quê làng Băng Sơn, Châu Ái (ngày nay thuộc xã Dương Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Thuở hàn vi Lê Phụng Hiểu nổi tiếng là người khỏe mạnh, ông say mê đấu vật, đấu quyền, quăng đao, múa kiếm. Nhờ danh tiếng khỏe mạnh và giỏi võ nghệ, ông được vua Lý Thái Tổ 9974 – 1028) cho mời vào triều trọng dụng, ông được phong làm Võ vệ tướng quân, và cho ở trong phủ của Thái tử Lý Phật Mã.
Năm Mậu Thìn 1028, vua Lý Thái Tổ mất, triều đình lúc bấy giờ xảy ra loạn Tam vương là các hoàng tử Đông Chính Vương, Dực Thánh Vương và Võ Đức Vương âm mưu đem quân bao vây Hoàng thành giết Thái tử Lý Phật Mã để cướp ngôi báu. Đứng trước tình hình nguy cấp trên, may mà có Lê Phụng Hiểu cùng các tướng như Dương Bình, Quách Thịnh và Lý Huyền Sư có công lớn trong việc dẹp loạn.
Chính Lê Phụng Hiểu là người đã chém chết Võ Đức Vương ngay trong kinh thành, còn Đông Chính Vương và Dực Thánh Vương bỏ chạy khỏi kinh thành. Lê Phụng Hiể cùng triều thần liền lập Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi, hiệu là Lý Thái Tông, đặt niên hiệu là Thiên Thành.
Sau khi lên làm vua, Lý Thái Tông quan tâm mở mang bờ cõi, xây dựng lực lượng để bảo về đất nước, đoàn kết với các dân tộc ít người, và đặc biệt là nhà vua không quên ơn những người đã giúp đỡ mình lên ngôi báu, trong đó công lớn nhất thuộc về Lê Phụng Hiểu, nên nhà vua phong cho Lê Phụng Hiểu chức Đô thống Thượng tướng quân tước hầu.
Dưới thời vua Lý Thái Tông, vào năm Nhâm Ngọ 1042, nhà vua ra lệnh cho một nhóm triều thần biên soạn bộ Hình Thư – Đây là bộ luật đầu tiên của nước ta (về sau này trong lịch sử nước ta còn có Luật Hồng Đức dưới thời vua Lê Thánh Tông; Quốc triều hình luật dưới thời vua Gia Long). Bộ Hình Thư làm nền tảng pháp luật, định rõ các bậc hình phạt, đối với tội nhẹ người già, trẻ nhỏ và người ốm yếu được cho lấy tiền chuộc tội. Nhân dân ai gặp điều gì oan ức được phép đến lầu chuông đặt cạnh điện Quang Vũ đánh chuông kêu oan.
Năm Quý Mùi 1043, quân Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, Lê Phụng Hiểu hộ giá vua Lý Thái Tông đi đánh giặc và lập được nhiều công lớn. Năm Giáp Thân 1044, sau khi thắng trận trở về, vua Lý Thái Tông luận công phong thưởng cho Lê Phụng Hiểu, ông thưa rằng: “Thần không muốn quan tước, chỉ xin cho về ở núi Băng Sơn, ném đao lớn đi xa, rơi xuống chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp”.
Vua Lý Thái Tông ưng thuận, Lê Phụng Hiểu liền về quê, lên núi ném đao xa hơn 10 dặm, rơi xuống thôn Đa Mi, chiểu theo chỗ ngọn đao ông ném xuống, nhà vua cấp cho ông hơn 1000 mẫu ruộng đất để biểu dương công trạng, và hơn 1000 mẫu ruộng được vua ban trên của Lê Phụng Hiểu được nhà vua cho miễn không phải đóng thuế. Vì vậy người dân Châu Ái gọi ruộng được thưởng ấy là “Ruộng ném đao”.
Lê Phụng Hiểu chia ruộng đất ấy cho con cháu và dân làng Băng Sơn, sau khi Lê Phụng Hiểu mất, vua Lý Thánh Tông phong cho ông làm Phúc thần, còn dân làng Băng Sơn thì lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của Lê Phụng Hiểu đã cho họ đất đai để cày ruộng gây dụng cơ nghiệp.
Vương Quốc Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Nhân vật nổi tiếng thời nhà Lý" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.