Đang theo cánh quân tình nguyên Quân khu 7 đưa tin giải phóng thị xã Krochê (miền Đông Campuchia), chưa được nghỉ ngơi, chúng tôi lại được Ban lãnh đạo cơ quan thông qua Cơ quan thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh điện khẩn về ngay trong đêm khuya ngày 7/1/1979 giao nhiệm vụ mới phải nhanh chóng vào Phnom Penh vừa làm phóng viên TTXVN thường trú, vừa làm chuyên gia cho SPK. Sáng sớm 8/1/1979, vẫn chiếc xe Jeep Mỹ cao gầm biển kiểm soát BKS 50B - 7280 do Bùi Lương Duyên lái lại đưa chúng tôi ngược Quốc lộ 22 lên Tây Ninh rồi qua cửa khẩu Mộc Bài hướng tới bến phà Niếc Lương để về Phnom Penh.
Từng chứng kiến ngay từ những ngày đầu, lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở vùng biên giới Tây Ninh đã vô cùng gian khổ, vất vả, thường trực chiến đấu ngăn chặn sự gây hấn và xâm lấn của lính Pol Pot, khi vượt qua cửa khẩu Mộc Bài đặt chân sang đất bạn, trong lòng mỗi chúng tôi đều hồi hộp khó tả. Phóng viên ảnh Hoàng Văn Sắc - người từng gắn bó với chiến trường Khu IV và đường Trường Sơn trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ để chi viện cho chiến trường miền Nam - là tác giả của những bức ảnh nổi tiếng như 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) trước lúc hy sinh và “Vượt Trường Sơn” với những đoàn ô tô hành quân như cua bò trên đường mòn Hồ Chí Minh khói lửa..., đã yêu cầu chúng tôi dừng xe chụp ảnh kỷ niệm tại dấu mốc biên giới Mộc Bài.
Vì chính tại nơi đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương và giữ cho cuộc sống của nhân dân ta ở phía sau, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh sôi động hưởng cuộc sống bình yên.
Campuchia dưới thời diệt chủng Khmer đỏ do Pol Pot cầm đầu là một xã hội trại lính, đóng kín, xa lánh với thế giới bên ngoài. Thị trấn Chi Phu (huyện Bavet) cách cửa khẩu Mộc Bài gần 20 km thuộc tỉnh Xvây Riêng và “cánh đồng chết” hiện ra trước mắt. Đất đai nơi đây phì nhiêu nhưng đã bị bỏ hoang hóa. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những chiếc sọ người như bình vôi vương vãi khắp nơi, là những nạn nhân bị bọn đao phủ Pol Pot hành quyết không được chôn cất. Cái tên “cánh đồng chết” là bằng chứng về tội ác man rợ của chế độ diệt chủng Pol Pot. Những ngày đầu giải phóng, dân thị trấn Chi Phu đã bị Pol Pot xua đuổi, không một bóng người. Nhiều cây thốt nốt - biểu tượng của Campuchia - đã mấy năm không có người khai thác mật cũng trở nên xác xơ, tiêu điều. Chi Phu là tuyến phòng thủ đầu tiên của Pol Pot. Chúng rêu rao tại đây có các Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 203 phòng thủ... nhưng sự chống trả của chúng rất yếu ớt. Hướng tấn công này do Binh đoàn Cửu Long đảm nhiệm. Sau vài loạt đạn đầu, lính Pol Pot đã bỏ chạy. Lớp vỏ cứng bên ngoài đã bị bóc, Binh đoàn Cửu Long cứ thế hành tiến về giải phóng Phnom Penh ngay trong ngày 7/1/1979. Quốc lộ 1 trên đất Campuchia từ cửa khẩu Mộc Bài về bến phà Niếc Lương có nhiều đoạn bị lính Pol Pot đào phá cắt ngang, dựng chướng ngại vật hòng ngăn cản quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam tiến về giải phóng Phnom Penh. Đường rất xấu, tốc độ xe Jeep của chúng tôi không vượt quá 15 km/giờ.
Xe chúng tôi lại hành quân từ thị trấn Chi Phu đi được hơn 30 km đến thị xã Xvây Riêng. Nơi đây cũng điêu tàn, vắng bóng người, dân thị xã Xvây Riêng cũng bị bè lũ Pol Pot xua đuổi đi hết chưa kịp trở về, thỉnh thoảng mới thấy một số bộ đội cách mạng Campuchia được phân công ở lại làm nhiệm vụ quân quản quản lý thị xã. Chúng tôi dừng lại ít phút chụp ảnh, lấy tư liệu chuẩn bị cho bài viết trên đường về Phnom Penh trong những ngày đầu giải phóng. Từ thị xã Xvây Riêng, chúng tôi đi tiếp hơn 50 km nữa là đến bến phà Niếc Lương, đoạn đường này có nhiều người qua lại hơn.
Kia rồi! Phà Niếc Lương vượt sông Mê Công đông kín người. Xe ô tô chờ đợi đông đặc ở hai đầu bến phà. Người dân Campuchia ở các đô thị bị Khmer đỏ xua đuổi về các làng quê hẻo lánh sinh sống biết tin Phnom Penh giải phóng, chế độ diệt chủng bị lật đổ, bắt đầu dò tin tức tự động trở về quê cũ. Hai phà dân sự và một phà quân sự do Quân khu 9 chi viện ngược dòng sông Mê Công đã kịp thời có mặt tại Niếc Lương từ trưa 7/1/1979 hối hả hoạt động. Hơn 12 giờ trưa ngày 8/1/1979, chiếc xe Jeep đưa chúng tôi mới tới bờ bắc phà Niếc Lương. Các chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long biết chúng tôi là phóng viên Thông tấn xã SPK đã ưu tiên cho xe Jeep xuống phà vượt sông Mê Công ngay, không phải xếp hàng. Tuy mới ra đời nhưng thương hiệu SPK đã được nhiều người biết đến. Chúng tôi thấy tự hào vì đã góp phần giúp bạn xây dựng Thông tấn xã SPK ngay từ những ngày đầu thành lập. Như vậy, từ cửa khẩu Mộc Bài đến bến phà Niếc Lương thuộc địa phận tỉnh Xvây Riêng dài hơn 100 km mới được gần 2/3 chặng đường tiến về Thủ đô Phnom Penh, đi xe Jeep phải mất gần 6 giờ liền.
Từ bờ nam bến phà Niếc Lương thuộc tỉnh Conđan, đường tốt hơn đoạn đã qua, xe Jeep chạy với tốc độ 20 km/h. Quan sát dọc hai bên đường, nhà cửa tiêu điều đều không có người ở, dân bị xua đuổi đi hết. Đến gần 16 giờ ngày 8/1/1979, chúng tôi đến đầu phía bắc cầu Chbompư bắc qua sông Tông Lê Sáp, là cửa ngỏ phía đông Thủ đô Phnom Penh. Cầu này còn có tên gọi là cầu Mônivông, nhưng Việt kiều ở Campuchia gọi là “cầu Sài Gòn”, vì cầu này nằm trên đường chính đi về Sài Gòn và nơi đây những năm 50, 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước từng bán nhiều hàng hóa do Sài Gòn sản xuất. Phía bắc đầu cầu này là một trong những khu Việt kiều đông đúc cũng đã bị bè lũ Pol Pot sau khi chiếm được Phnom Penh xua đuổi hết trở thành thành phố chết, hoang tàn.
Phnom Penh những ngày đầu giải phóng là “thành phố chết” vắng tanh. Thủ đô Phnom Penh khi đó ước có khoảng 1,2 triệu người đã bị bọn Pol Pot xua đuổi ra khỏi nhà về các làng quê ngay sau khi chúng tiếp quản từ 17/4/1975. Trời đã về chiều, đường phố vắng lặng, chúng tôi không dám vượt qua cầu Mônivông bắc qua sông Tông Lê Sáp mà bà con Việt kiều gọi là “cầu Sài Gòn”, vì vẫn phải đề phòng lính Pol Pot còn sót lại bất ngờ phục kích bắn lén.
Chúng tôi đi tìm Cục Chính trị tiền phương Quân đoàn 4 Quân tình nguyện Việt Nam để nắm tình hình, đề nghị được bảo vệ và bố trí nơi ăn nghỉ tạm. Cục Chính trị tiền phương Quân đoàn 4 lúc đó cũng chưa vào nội thành Phnom Penh mà ở ngoại ô phía bắc “cầu Sài Gòn”. Biết chúng tôi là phóng viên TTXVN, đồng thời là chuyên gia giúp SPK, từng quen biết, gắn bó với nhau ngay từ những ngày đầu bảo vệ biên giới Tây Nam, các đồng chí Quân đoàn 4 tay bắt mặt mừng, bố trí cho chúng tôi ở một nhà bên cạnh để tiện bảo vệ. Đây là một nhà dân bị Pol Pot xua đuổi bỏ hoang mấy năm nay vẫn chưa thấy trở về.
Máu nghề nghiệp nổi lên, chúng tôi đề nghị Cục Chính trị tiền phương Quân đoàn 4 và được chấp thuận cử ngay vệ binh cùng ngồi trên xe Jeep để bảo vệ, tranh thủ vượt qua “cầu Sài Gòn” đi vào nội thành quan sát quang cảnh Phnom Penh ngay cuối buổi chiều ngày 8/1/1979. Phía nam đầu “cầu Sài Gòn” vẫn còn 2 xác lính Pol Pot mặc quần áo vải màu đen chưa kịp chôn, chứng tỏ nơi đây vừa xảy ra trận đánh mà quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam phối hợp tiêu diệt ổ đề kháng cuối cùng để vào giải phóng, tiếp quản Thủ đô Phnom Penh. Xe ô tô tiếp tục đưa chúng tôi lướt qua một số đường phố chính. Phía trước nhà ga tàu hỏa Phnom Penh nằm trên đường Mônivông còn sót lại một vài lính Khmer đỏ bị thương không đi được, khai rằng “Ăngca” Khmer đỏ (Tổ chức của chính thể Khmer đỏ) đưa họ ra đây để lên tàu hỏa hòng rút về hướng biên giới Thái Lan nhưng không kịp đã bỏ chúng lại ga. Chúng tôi đã báo cho các chiến sĩ quân quản Thủ đô Phnom Penh khu vực gần đó quan tâm chạy chữa, khai thác thông tin “nóng” từ tàn quân Khmer đỏ này...
Phnom Penh những ngày đầu giải phóng vắng lặng không một bóng người dân - đây là hậu quả do chính sách diệt chủng của bè lũ Pol Pot - xua dân ra khỏi Thủ đô và tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn lớn, nhỏ trong cả nước phải rời bỏ để cải tạo lao động mà dư luận quốc tế từng lên án, bây giờ chúng tôi mới “mục sở thị”. Trên các đường phố chính như Mônivông, Mao Trạch Đông, Liên bang Xô Viết (nay gọi là đường Liên Bang Xô Viết (Nga) - Xahathiep - Russi), Nôrôđôm đi ra đài Vimien Ekkareak (đài Độc Lập)... thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy những con lợn, con gà chạy ngang qua đường phố. Đó là những con lợn, con gà do lính Pol Pot nuôi khi rút chạy không còn người chăm sóc trở thành những con vật hoang đi tìm kiếm thức ăn giữa lòng “thành phố chết”. Dưới chính thể Pol pot cầm quyền gần 4 năm, Campuchia đã biến thành địa ngục. Đất nước Chùa Tháp từng huy hoàng một thời nay trở nên điêu tàn, không tiêu tiền, không có chợ búa, trường học... Đây là lần thứ hai trong đời tôi lại sống trong cảnh không tiêu tiền. Mùa Thu năm 1972, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chúng tôi được tuyển làm phóng viên TTXVN để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng (Giải phóng xã). Đến đầu năm 1973, sau khi được học lớp nghiệp vụ phóng viên Khóa 10 (GP10) và sau những ngày tập luyện leo núi tại Lương Sơn (Hòa Bình), chúng tôi hành quân vượt Trường Sơn vào Trung ương Cục miền Nam (hay còn gọi là R - tại chiến khu D ở Tây Ninh trong rừng giáp biên giới Campuchia), nơi đóng trụ sở Thông tấn xã Giải phóng cũng không tiêu tiền mà theo chế độ cấp phát hiện vật. Sống trong chiến khu phải xa cách dân, mọi thiếu thốn, chịu đựng, hy sinh được xác định là lẽ đương nhiên. Nhưng đối với bè lũ Khmer đỏ không hiểu căn cứ vào học thuyết, ý tưởng điên rồ nào mà sau khi tiếp quản Thủ đô Phnom Penh (17/4/1975), chúng lại không sử dụng tiền tệ để giao dịch, tự hủy hoại cả một đất nước từng làm nên kỳ tích Angkor Thom, Angkor Wat...
Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy có những phố đầy rẫy xe máy, xe đạp, đầu máy khâu, đồng hồ treo tường... Hỏi ra mới biết, sau khi xua dân ra khỏi Phnom Penh, Pol Pot đã bắt lính gom lại những đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt toàn thành phố về một số tuyến phố để quản lý.
Thể theo yêu cầu, vệ binh Quân đoàn 4 đã đưa chúng tôi đến trụ sở Quân quản Thủ đô Phnom Penh. Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thủ đô Phnom Penh khi đó là Khang Xa Rin. Dáng người ông cao to trông rất uy nghiêm, điềm đạm, thân tình: “Các anh là nhà báo đầu tiên đến thăm Ủy ban Quân quản Phnom Penh”. Chúng tôi liền “bắt mạch” ngay:
- Trên đường tiến quân vào giải phóng Phnom Penh, các anh có gặp sự kháng cự nào không?
- Có nhưng không đáng kể. Chỉ tay lên tấm bản đồ treo trên tường ngay ở phòng tiếp khách, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Phnom Penh giới thiệu: Phía nam đầu “cầu Sài Gòn” có một ổ kháng cự, chống trả yếu ớt, bị tiêu diệt ngay trưa ngày 7/1/1979. Với sức tiến công như vũ bão, bè lũ Pol Pot không kịp trở tay, nhưng thực ra chúng đã tháo chạy trước khi quân đội cách mạng Campuchia được sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh. Chính vì vậy, Thủ đô Phnom Penh còn nguyên vẹn. Bè lũ Pol Pot, kể cả đoàn ngoại giao gồm đại sứ của một số nước “chí cốt” với chúng, đã rút chạy khỏi Phnom Penh bằng đường sắt và đường bộ về hướng biên giới Thái Lan ngày 4 và 5/1/1979. Duy nhất chỉ còn lại 3 người của Đại sứ quán Lào bị bỏ lại ở Phnom Penh. Họ chỉ còn gạo và cá khô để ăn vài ngày nữa. Đại sứ quán Lào tại Phnom Penh đã bị cắt điện, nước, điện thoại ngay từ đầu tháng 1/1979. Quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam đã tìm gặp người của Đại sứ quán Lào để tiếp tế lương thực, thực phẩm và thông báo Phnom Penh được giải phóng. Ba cán bộ Đại sứ quán Lào bày tỏ mừng vui khôn xiết vì bị chúng bỏ rơi, sống trong cảnh thiếu thốn, tăm tối, không có điện và không có liên lạc được với thế giới bên ngoài gần một tháng rồi.
Chủ tịch Ủy ban quân quản Thủ đô Phnom Penh Khang Xa Rin cho biết tiếp: Ngay từ giờ phút đầu tiên tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh, lực lượng quân quản đã chiếm lĩnh bảo đảm an toàn các mục tiêu quan trọng như Hoàng Cung, các nhà máy điện, nước, Trung tâm bưu điện, Đài phát thanh... Phnom Penh những ngày đầu giải phóng không có dân, thực sự là “thành phố chết”, hạ tầng cơ sở bị phá hủy hoặc bị bỏ hoang phế. Trong những ngày tới, biết được Phnom Penh giải phóng, dân bị bè lũ Pol Pot xua đuổi ra khỏi thành phố sẽ lũ lượt kéo về... Biết bao nhiêu vấn đề đặt ra với chính quyền cách mạng non trẻ...
Sau hơn một giờ nghe giới thiệu vài nét khái quát những ngày đầu tiếp quản một Thủ đô hoang phế, chúng tôi tạm chia tay Chủ tịch Ủy ban Quân quản Phnom Penh để về nơi tạm trú tại Cục Chính trị tiền phương Quân đoàn 4. Thấy trời sắp tối, lo đi không an toàn, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thủ đô Phnom Penh đã cho một xe ô tô dẫn đường, bảo vệ đưa chúng tôi về nơi đóng quân ở ngoại ô thành phố.
Rời trụ sở Ủy ban Quân quản, tôi trầm ngâm suy nghĩ và theo thói quen nghề nghiệp đã hình thành ngay trong tư duy bài viết “Phnom Penh - thành phố chết bắt đầu hồi sinh”. Tuy bụng đói nhưng nghĩ đến trách nhiệm và biết SPK cũng như Tổng xã TTXVN ngoài Hà Nội đang rất cần tin, bài về Phnom Penh trong những ngày đầu giải phóng, tôi bắt tay vào viết ngay. Dưới ánh đèn điện máy nổ Honda 2KW, những gì vừa quan sát được và những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Khang Xa Rin về khẩn trương khôi phục Thủ đô Phnom Penh từ con số không và từ hai bàn tay trắng đã được tôi thể hiện trên hai trang giấy khổ A4. Bài viết nhanh chóng được điện báo viên dùng máy liên lạc vô tuyến 15W chuyển mã bằng tín hiệu “tích tè” về cho SPK và Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh để chuyển tiếp ra Tổng xã tại Hà Nội cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng chuyển tải đến công chúng.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, kết thúc ngày đầu tiên vào Phnom Penh đã có bài viết kịp thời, xứng đáng với niềm tin của cơ quan gửi gắm vào những phóng viên mũi nhọn mỗi khi có sự kiện đột xuất khẩn trương, nhất là trong những lúc thử thách cam go “vào sinh ra tử”. Nhớ lại những ngày “đánh cho ngụy nhào”, làm phóng viên mặt trận mới chỉ trước đó vài ba năm, hoàn toàn phải hành quân bộ đi theo các cánh quân giải phóng miền Nam, viết tin, bài xong phải phụ quay ragono phát điện giúp điện báo viên chuyển mã bằng tín hiệu “tích tè” về Tổng xã thì nay đánh bọn diệt chủng Pol Pot, hành quân bằng ô tô, có máy nổ phát điện thay cho sức người để điện báo viên điện bài về, là một bước tiến đáng kể. Từ đó, nỗi lo độc lập tác chiến của chúng tôi được giải tỏa vì đã bám sát được Bộ chỉ huy tiền phương Quân đoàn 4, đồng thời đã liên hệ được với Ủy ban Quân quản Thủ đô Phnom Penh. Đây là hai đầu mối thông tin quan trọng nhất phải tiếp tục bám sát, phát huy.
Nhờ đó, những ngày tiếp theo, chúng tôi đều có tin, bài đều đặn về khôi phục sân bay quốc tế Pôchentông, các nhà máy điện, nước, bệnh viện, đài phát thanh... trong đó đáng nhớ nhất là tin “Điện lại bừng sáng tại Thủ đô Phnom Penh”... được bạn đọc và dư luận xã hội rất quan tâm đến sự hồi sinh của Campuchia..
Sau 45 năm Phnom Pênh được giải phóng, mặc dù tôi đã nghỉ hưu bước sang năm thứ 14 nhưng vẫn vấn vương một trong những ký ức sâu sắc nhất trong đời làm phóng viên chiến trường, sau chiến thắng vang dội 30/4/1975 giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, lại tiếp tục đưa tin đất nước trong những ngày sôi động, quyết liệt, một lần nữa hành quân ra trận bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia nổi dậy lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me đỏ để cả hai nước có cơ đồ ngày hôm nay. Hy vọng một ngày nào đó, tôi sẽ có dịp trở lại đất nước Campuchia để chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ sau những năm tháng thoát khỏi họa diệt chủng, xứng danh với truyền thống vẻ vang của đất nước Chùa Tháp với sự quyến rũ của Angkor Thom, Angkor Wat.