Nguyễn Thị Thanh Long - Người đàn bà thơ “cô đơn” với nhiều nỗi niềm trắc ẩn

05/04/2022 08:32

Theo dõi trên

Ngay từ tập thơ đầu tay - Một milimet (Nhà xuất bản Văn học, 2011), tiếng thơ Nguyễn Thị Thanh Long đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc.

Càng về sau thơ chị càng được nhiều người yêu thích bởi cảm xúc tinh tế, hồn hậu, nhẹ nhàng, trong trẻo với nhiều chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở về cuộc sống. Nửa vòng tay (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013) đến Những ký âm ngân (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2016), Nguyễn Thị Thanh Long đã tạo dựng được nét riêng của một hồn thơ cô đơn, khắc khoải và sâu lắng. Tiếng lòng và tiếng thơ hòa tấu thành giọng thơ da diết, phơi trải tận cùng cái tôi đầy khao khát, lắm gian truân, nhiều khổ đau trên mỗi chặng đường mà chị đã đi qua. Những trang thơ của Nguyễn Thị Thanh Long cũng chính là những trang đời, thể hiện rõ nét tính cách, tâm hồn của chị.

anh-nha-tho-nguyen-thi-thanh-long-1649077646-1649122301.jpg
Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long.

Trong hành trình thơ Nguyễn Thị Thanh Long, người đọc nhận ra tình yêu là chủ đề xuyên suốt và được chị ưu tiên nhất. Tình yêu với nhiều sắc màu, cung bậc, trạng thái. Tình yêu và cả những khát vọng thành thật nhưng bất thành. Ở đó có bóng dáng hình ảnh một người mẹ, người vợ, người con, người đàn bà trĩu nặng những tâm tư, chiêm cảm. Tôi vội vàng gom nhặt những ký âm, chất đầy lên đẩy thành nguồn nhiêu liệu để tự phóng mình khỏi đời sống thực: của cải, danh vọng, hạnh phúc vờ./ Những ký âm lội ngược dòng. Miền tuổi thơ sông Hồng tưới mát cánh đồng con gái. Những ô cọ xòe nâng cánh ước mơ tôi./ Những ký âm kết thành tia bình minh cuối chân trời. Tôi nắm, vịn, trật trèo lái con thuyền vượt trùng trùng giông bão./ Những ký âm tành hàng thẳng lối có điệu có vần./ Tôi cộng sinh những ký âm./ Thoát xác (Cộng sinh).

Trái tim dịu dàng và chân thực thì làm sao giấu được những giông bão của cuộc đời. Khi nỗi buồn đặc quánh, nhà thơ mới thấu được tận đáy sâu của bể đời. Chị sâu sắc nhận ra bao nỗi buồn - vui, thật - giả, niềm tin - sự giả dối... đang hiện hữu và len lỏi vào trong mọi ngõ ngách đời sống. Nổi/ chìm/ cùng những câu thơ/ mới hay/ chữ nghĩa/ ỡm ờ/ trả/ vay/ Đỏ bao nhiêu ớt thì cay/ Vàng bao nhiêu lá thì đầy mùa thu? (Hóa thân).

Đó là tình cảm thành thật nhất của một người đàn bà đã đi qua những năm tháng không mấy bình yên. Chị đã “chạy trốn nỗi buồn với một trái tim đau”. Hoang tàn và hy vọng nhưng lại nhủ mình phải tỉnh không say. Người đàn bà chạy trốn nỗi buồn với một trái tim đau. Nấp vào trang thơ, thơ bùng thành lửa. Thời gian đi qua như một tiếng thở dài. Có một người ở ven đường tê tái. Đêm đêm làm thơ không gửi (Tự vấn).

Nguyễn Thị Thanh Long là một người phụ nữ rất sắc sảo trong cách thể hiện những phức cảm của mình khi viết về tình yêu. Những kỷ niệm về tình yêu luôn làm cho chị trăn trở và thao thức. Có những kỷ niệm đã ăn sâu trong tâm khảm nhưng chị sẽ chẳng bao giờ dám quay về nơi đã chất chứa nó. Bởi nếu trở lại chốn cũ, lòng sẽ đau đớn hơn gấp bội phần. Thôi cái gì của ngày xưa thì cứ gửi trọn và gói ghém ở nơi ấy.

Em chưa một lần về con đường xưa cũ/ Sợ heo may/ cuốn kỷ niệm đi rồi/ Vầng trăng muộn/ còn chờ mỗi tối/ Hương bưởi nhạt nhòa sao thơm trọn tháng Ba// Con đường ấy từ ngày em đi xa/ Ong bướm hẹn hò/ biết mùa xuân không về nữa/ Hạt sương ngủ nướng trên nhành gai xấu hổ/ Lời hẹn ước thuở nào mái tóc cài hoa// Con đường ấy từ ngày em đi xa/ Trong quán cũ bên ly cà phê đặc quánh/ Mắt môi nào bát chè xanh chát mặn/ Em chẳng thể về đâu/ Kỷ niệm một con đường! (Chẳng thể...).

Ngôn từ trong thơ Nguyễn Thị Thanh Long có một sức sống và sự ám ảnh riêng bởi chị đã rất khéo trong cách dùng từ để gọi tên, biểu đạt sự vật, hiện tượng và nhất là tâm lý tình cảm.

Người phụ nữ trong thơ Nguyễn Thị Thanh Long dám sống hết mình vì tình yêu, sẵn sàng nhận về mình niềm đau, đánh đổi nụ cười và sự bình yên bằng những giọt nước mắt.Vì thế, nhà thơ rất trân trọng những giây phút bên nhau hạnh phúc. Bởi chị có linh cảm bình yên có chăng chỉ là thoáng chốc rồi sẽ đón nhận lấy những trắc trở, bão giông.

Những thăng trầm và bao biến cố của bản thân được Nguyễn Thị Thanh Long trải lòng bằng cảm xúc chân thành nhất qua bài thơ văn xuôi trữ tình da diết:

Tôi được sinh ra ở vùng trung du sỏi đá. Có cái tên vốn chẳng bình yên. Bao thăng trầm cuộc đời tôi dấn thân như núi đồi nối tiếp nhau cái sau lại cao hơn cái trước.

Hạnh phúc ư? Như liều thuốc an thần, uống rồi chỉ ngủ được tấm thân. Còn phần hồn như thoát ra khỏi xác.

Có một loại thuốc nhiệm mầu. Đó là ngàn ngàn những ký âm nhảy múa giữa mông lung vô hạn ký thác vào tâm hồn tôi. Một thế giới huyền ảo hiện ra.

Thơ Nguyễn Thị Thanh Long thể hiện rõ nét tính chất trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ bắt nguồn từ cảm xúc tâm trạng nào đó. Chị vốn là người nhạy cảm và trầm tính, cái đã qua luôn hằn sâu trong tâm thức nên trong thơ chị luôn nhắc về nó, “sống” lại với những ký ức xa xôi ấy. Tuy vậy càng nhắc nhớ thì lòng chị lại càng cảm thấy có điều gì đó giăng mắc, giày vò thêm.

Tứ thơ của Nguyễn Thị Thanh Long thường được xây dựng trên cơ sở những phạm trù đối lập. Vì thế, bạn đọc dễ nhận ra tiếng nói của nhân vật trữ tình em – người đàn bàphần nhiều chịu nhiều thua thiệt, tổn thương chỉ mình em mang, mình em dằn vặt... Nhà thơ đã tự đối thoại với chính mình trong tâm thế tự bạch, giãi bày tất cả nỗi niềm sâu kín của hồn mình, lòng mình với khát vọng được khẳng định cá tính.

Người đàn bà làm thơ/ trái tim máu tướp/ đắng cay hạnh phúc chắt thành lời// Người đàn bà làm thơ/ ẩn sâu trong nụ cười/ dòng sông không phẳng lặng// Người đàn bà làm thơ/ đôi mắt buồn sâu thẳm/ đêm dài/ lằn vết chân chim// Người đàn bà làm thơ/ không cưỡng nổi con tim/ tự giam mình vào ngục thất// Người đàn bà làm thơ/ không ham quyền lực/ được mất hơn thua// Người đàn bà làm thơ/ khao khát một cuộc đời/ bình thường giản dị/ như bao người đàn bà khác// Người đàn bà làm thơ/ Bàn tay gầy gieo hạt (Bàn tay gầy gieo hạt). Chị đã yêu bằng cả trái tim chân thành, không tính toan vụ lợi và cả nỗi đau “tự giam mình vào ngục thất” với bao khoảng lặng cô đơn. Tuy vậy, người đàn bà làm thơ ấy vẫn còn niềm tin, sự khát khao chỉ cần làm một người đàn bà bình thường, giản dị như bao người đàn bà khác...

Có những lúc người thi sĩ thốt lên bằng lời thơ nghẹn ngào, nỗi đau quặn thắt: Phận đàn bà mong manh chiếc lá/ Mướt mát xuân sang - vàng úa lúc thu về (Tắm bình minh).

Hành trình cuộc đời của người đàn bà thơ Nguyễn Thị Thanh Long vui ít, buồn nhiều, chị đã trải qua bao nỗi đau nhưng vẫn còn niềm tin về tương lai phía trước với khát vọng được giao hòa. Có điều, sự giao hòa của chị ở trong chừng mực có thể, bởi chị muốn phần đời còn lại bình yên hơn, phẳng lặng hơn.

Đằng sau những câu chữ là sự cô đơn, là những nỗi đau âm ỉ mà chủ thể trữ tình đành ngậm ngùi, xót xa, chịu đựng. Nhà thơ đã rất có dụng ý khi dùng dày đặc các hệ từ chỉ sự cô đơn, bất trắc, bất thành trong tình yêu. Hầu như bài thơ nào cũng có lớp từ ngữ ấy. Đó cũng là điều làm nên nét riêng trong thơ Nguyễn Thị Thanh Long.

Hợp pháp là bài thơ đã nói thật những chát đắng của cuộc sống chồng vợ khi tình yêu đã không còn. Mọi cái chỉ là hình thức bề ngoài, chỉ là “vai diễn” trước bạn bè, trước đám đông. Thực tế thì tình yêu, hạnh phúc đã giá băng mọi nẻo. Bữa nay/ nhà có khách// người vợ/ lộng lẫy/ một bà hoàng// lớp phấn/ hồng lên ngày cũ// trang điểm nụ cười/ son không có lỗi/ người chồng/ khua chân múa tay/ mẫu người đàn ông thành đạt// tiếng vỗ tay ràn rạt/ tiếng cụng ly chan chát/ tràn ly/ tràn ly// tiệc tan/ khách tàn/ lạnh những cái bắt tay// còn lại ngôi nhà/ và vợ chồng/ hợp pháp.

Khi tình yêu đã không còn, cách tốt nhất là tự “giải phóng” cho nhau. Tuy vậy, người trong cuộc không khỏi giày vò, nhất là trái tim người đàn bà nghẹn thắt.

Ký đơn ly hôn đúng ngày cưới/ nước mắt... không rơi/ thật - giả/ người// Hết ràng buộc/ hết đợi chờ/ mỗi tối// Tận cùng đêm/ bình minh/ cười (Bình minh cười).

Song hành và đối lập là anh và em. Em đã dồn hết tuổi thanh xuân, tình yêu, sự tận tâm chung thủy với anh. Đổi lại, emnhận về là những hụt hẫng, tái tê, nhói buốt.  Anh có biết? Có hay? Có cảm thông? Có sẻ chia?... với em không?Mọi ê chề, tổn thương chỉ mình em mang, bao thiệt thòi chỉ mình em gánh.

Đôi lúc, nhân vật trữ tình muốn buông xuôi, bỏ mặc bởi những thua thiệt, hoạn nạn, khốn khó của bản thân với lời khẩn cầu: Đừng đem nắng đổ vào chiều/ Giấc mơ em úa vá nhiều nỗi đau (Đừng).Nhưng rồi người đàn bà trong thơ chị đã bình tĩnh để vượt qua sự yếu mềm ấy với khao khát mãnh liệt hơn.

Dường như sự cô đơn và nỗi buồn luôn song hành và tồn tại trong thơ chị. Đó phải chăng là gia tài lớn trong hành trình thơ của người đàn bà Nguyễn Thị Thanh Long.

Lấy hết sức bình sinh để tuôn trào/ sự sống/ nở hết mình/ để rồi/ ngốc nghếch buông mình theo cơn gió lướt qua/ cánh cửa thời gian/ vô tình/ thúc từng nhát thô bạo vào vạn vật/ những cánh hoa vô thường/ rụng/ rơi/ lả tả... (Ngoái lại tháng ba).

Bao va đập của cõi người, giờ chị trở nên cứng rắn và không ngại ngần giấu diếm điều gì. Thiên tính nữ, sự khao khát của trái tim đàn bà đang hừng hực yêu cũng được chị thẳng thắn trần tình: Có lần/ đêm tâm sự: đêm bị lạm dụng!// thiên vị ngày/ mười hai tiếng nâng niu// đêm buồn/ bị giam trong bốn xó nhà/ đèn sáng trưng/ từ đầu hôm tới canh ba/ bản ngã người đan bà... đã thắng// trải lòng với đêm/ chân thực// bằng những ngôn từ dịu dàng/ đôi khi hằn học/ có vị mằn mặn và chát đắng/ cuộc đời (Đàn bà... đêm).

Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Thị Thanh Long đa thanh sắc, nhiều cung bậc có thể là tình yêu tan vỡ, bất thành, cuộc sống nhiều bất công ngang trái, tình người ngày càng phai nhạt... Lời hẹn ước năm xưa/ tươi nguyên màu mực// Điệu hát Xoan/ chòng chành nón quai thao/ cuộc gập ghềnh hong khô dải yếm đào// Vua rửa Đền Vua Hùng ban nhân nghĩa/ Anh vẫn khát/ Giếng Ngọc tràn dâu bể/ Có giọt nào rơi phía em không? (Có giọt nào rơi phía em không?).

Đọc bài thơ Dòng kỷ niệm trôi, nghe có gì đó xốn xang, nhói buốt. Mới ngày nào còn tình chồng nghĩa vợ, mới ngày nào còn dắt nhau đi đăng ký kết hôn, lồng tên nhau vào chữ ký thì chẳng mấy chốc lại cùng dắt nhau ra tòa ly hôn. Điều lạ là: Mình cùng nhau ra tòa/ Không luật sư nhân chứng/ Những lời khai lạnh lùng/ Người dưng thành người dưng.../ Chữ ký giờ vẻn vẹn/ Tên riêng của mỗi người/ Dạt hai bờ vô định/ Dòng sông kỷ niệm trôi.

Cực chẳng đã, con người ta mới chọn ngã rẽ, nhất là trong tình yêu. Bởi đó là sự trở về “trắng tay” và con tim sẽ mang những vết xước, nhất là với “em”. Nhưng có lẽ số phận đã sắp đặt, có duyên nhưng không nợ nên “em” xin trả lại người tất cả.. trả lại “nửa vòng tay” một thuở đã trao nhau. Em chẳng muốn cuộc chia tay ấy đâu/ Bao kỷ niệm vùi sâu, bắt đầu nỗi nhớ/ Chắc chúng mình có duyên không nợ/ Nửa vòng tay - xin trả lại cho người//... Thời gian bạc theo bến chiều trôi/ Cầu Trắng ơi! Nối nhịp dài Nam Bắc/ Tiếng còi tàu xé màn đêm ngằn ngặt/ Nửa vòng tay - xin trả lại cho người (Xin trả lại cho người).

Bên cạnh cái cái tôi cô đơn với những thua thiệt trong tình yêu, Nguyễn Thị Thanh Long cũng dành những vần thơ da diết để viết về quê hương và những người ruột thịt. Quê hương cứ chập chờn ẩn hiện và trở đi trở lại trong thơ chị, ở đó là nỗi nhớ thương của đứa con xa quê luôn hướng về nơi cội nguồn sinh dưỡng. 

Hình ảnh người mẹ, quê hương, lời tâm sự của mẹ với con và nỗi nhớ của đứa con luôn hiện diện và có lúc đan cài vào nhau làm nên tình cảm thiêng liêng. Trong bài Hoang sơ vườn con gái, nhà thơ đã nhờ thơ nói hộ biết bao điều: Nỗi đau của người mẹ khi tuổi đã về chiều, sự chà xát trong trái tim con vì ngã rẽ... làm cho người đọc không khỏi xốn xang: Mấy mươi năm làm vợ làm dâu/ Thỉnh thoảng mới có dịp về thăm mẹ/ Bên kia dốc đời đâu là ngã rẽ/ Về lại nhà mình! Làm con gái mẹ thôi!// Ngồi xe lăn hơn bảy năm rồi/ Thấy con, mẹ cười như đứa trẻ/ Hơn tám mươi lại bập bẹ tiếng: Con!/ Hai tay con dư một vòng tròn/ Dòng nước mắt... Mẹ ơi! Tình mẫu tử// Vốn sợ nước như người ở cữ/ Khi con về mẹ muốn sạch sẽ hơn/ Trong tay con lại biết dỗi hờn/ Dòng suối mát - mẹ bừng lên sức sống// Nửa cuộc đời góc bể chân trời - chật rộng/ Hôm nay con tận tường nơi mình/ được sinh ra/ Cám ơn thượng đế! Tuyệt tác ngọc ngà!/ Màu thời gian lõa lồ trên cơ thể mẹ/ Ghé tai con thì thầm rất khẽ:/ “Bảo bố ra! Để bố thấy bố cười!”.

Nhà thơ giờ đây cũng đã là một người mẹ, nên càng thương quý mẹ của mình nhiều hơn. Cử chỉ ân cần, những lời dạy của mẹ và cả cuộc đời gian truân tảo tần của mẹ làm cho chị càng cảm thấy ngậm ngùi, xót xa hơn. Từ buổi ấy mẹ theo chồng/ Chín lần sinh nở, mấy lần sẩy, sa// Quê hương Phú Thọ là nhà/ Mẹ xâu nhẫn nại kết hoa tháng ngày// Mẹ cầm khốn khó trên tay/ Cọ già dỗ giấc vơi đầy lời rao//... Gầu giai gạn ánh trăng tròn/ Trùng trùng bát úp... lối mòn thẳm xa// Lá chè xanh mẹ chia ba/ Con là mụn vá trám qua thăng trầm (Mẹ).

Trong bóng dáng âm thầm, khổ đau của mẹ, đâu đó cũng có bóng dáng thân phận mình. Vì thế, khi đứa con trai lớn đã biết chập chững yêu, Nguyễn Thị Thanh Long đã kể cho con nghe chuyện của cha và mẹ. Chị kể để cho đứa con trai hiểu, mẹ đã chịu thương chịu khó, mẹ đã tổn thương, hi sinh và thua thiệt thế nào, kể cho đứa con trai biết để mà yêu thương người phụ nữ bên cạnh mình hơn, kể cho con để cho nó hiểu mà tránh đi vết xe đổ của bố! Mẹ đã tin như con chiên ngoan đạo/ thủy chung/ thần tượng/ tôn thờ// Tròn vuông hạnh phúc - một giấc mơ/ Thành đạt./ Cha có người đàn bà khác// Đêm tàn đêm.../ gối chăn phờ phạc/ Trà bỏng môi ta - ngọt lịm môi người// Ngã ba dòng./ Thuyền mất lái./ Trôi...

Người đàn bà giàu đức tin vì thấu hiểu mọi lẽ đời thua thiệt nên vẫn âm thầm chịu đựng và chờ đợi những điều tốt đẹp ở phía trước: Đục trong nào cũng bến bờ xói lở/ Chén ái ân luênh loang cùng đêm vỡ/ Khói thuốc khê bên xác không hồn// Mười ngón lặng thầm đắp mộ cô đơn/ Bên con mẹ nhận ra mình không thừa thãi/ Cơn mưa cuối mùa... lộc trời rơi vãi/ Trơn trượt lối này! Chớ bước nghe con! (Với con trai).

Vốn là một người “đa mang”, Nguyễn Thị Thanh Long cũng không khỏi khóc cười trước nỗi đau nhân thế, trước những điều đang hiện hữu, đang diễn ra quanh mình: Phải chăng lòng tự trọng trong một số người/ thời mở cửa theo gió... bay xa// Sự vô cảm! Tràn ngập khắp nơi,/ len lỏi trong mỗi nếp nhà/ phật tử đến chùa chen chân níu chuông/ báo động// Trong tòa nhà tráng lệ “gia đình hạnh phúc” vẫn/ mặc nhiên tồn tại “ốc mượn hồn”/ thế giới của mỗi người sau màn hình laptop./ Ra đường gặp kẻ bị nạn hỏi có mấy ai dang tay/ cứu giúp?// Mỗi ngày qua đi, danh sách trẻ bị bỏ rơi dài thêm/ Bữa cơm có thịt! giấc mơ của những đứa trẻ/ vùng cao!// Vì hám lợi mà sẵn sàng đầu độc đồng loại bằng/ thuốc trừ sâu trong rau quả, thực phẩm tươi sống/ ướp u rê// Tiền cứu trợ người nghèo bị quan tham ăn chặn// Sự vô cảm phình to, lòng tự trọng ở chỗ nào? Hoa xấu hổ! (Hoa xấu hổ).

Thơ Nguyễn Thị Thanh Long nhẹ nhàng, sâu sắc và đầy nữ tính. Tiếng thơ ấy được cất lên từ chính trái tim của người đàn bà đi qua những sóng gió cuộc đời với khát vọng được khẳng định, được bày tỏ. Ở đó thể hiện rõ cá tính, sự trỗi dậy của cái tôi trữ tình giàu tính chiêm nghiệm, triết lý, sự ngẫm ngợi xót xa trước thế thái nhân tình.  Nỗi buồn, sự hoài niệm đồng hiện với thực tại, mơ ước sụp đổ bên cạnh niềm tin. Những phức cảm đó có sức lay động, cảm thông sâu sắc trong tâm hồn độc giả. Bởi những gì thi sĩ Nguyễn Thị Thanh Long đề cập vừa là nỗi niềm riêng nhưng đó lại là lời tâm sự chung với đời, với người./.

Nguyễn Văn Hoà
Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Thị Thanh Long - Người đàn bà thơ “cô đơn” với nhiều nỗi niềm trắc ẩn" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.