Nguyên soái tài ba xứ Đàng Trong Tôn Thất Hiệp (Kỳ 1)

14/10/2017 00:00

Theo dõi trên

Giai đoạn chiến tranh Trịnh Nguyễn (1627 - 1672). Dưới sự chỉ huy của ông, quân của chúa Nguyễn đã đẩy lui được nhiều đợt tấn công của quân Trịnh, tạo nên uy thế lẫy lừng cho quân Đàng Trong. Từ đó, cố định chắc chắn cục diện Đàng Trong - Đàng Ngoài suốt hơn trăm năm tiếp theo, bên cạnh đó tạo tiền đề quan trọng để chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phía Nam. Người tạo nên công lao hiển hách ấy không ai khác ngoài Nguyên soái Tôn Thất Hiệp.

Trước đây, ông húy là Nguyễn Phúc Thuần con thứ của Đức Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần và Chiêu Thánh Hoàng Hậu Châu Thị Viên. Sau này do trùng tôn húy với Định Vương Nguyễn Phúc Thuần nên Tôn Nhân Phủ đổi lại tên Hiệp, tức Nguyễn Phúc Hiệp hay Tôn Thất Hiệp. Ông sinh năm 1653, ngày tháng năm sinh không rõ. Khi ông sinh ra thì Chúa Nguyễn đã trấn thủ xứ Thuận – Quảng được hơn 100 năm (1558). 
 


Nguyên soái Tôn Thất Hiệp - Ảnh do Nguyễn Phúc Tộc cung cấp

Trở thành Nguyên soái xứ Đàng Trong
 
Tuy là con thứ của chúa Nguyễn, nhưng ông thông minh, có tài hơn những người anh của mình. Thuở hàn vi ông được chúa Nguyễn yêu quý cho bàn bạc chuyện chính sự xứ Đàng Trong. Sau này, nhận thấy ông có tài thao lược, mang tố chất của người làm tướng, chúa Nguyễn càng tin yêu, thường khuyên bảo rèn mài binh thư để sau này phò chúa giúp nước. Mùa hạ năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh thân chinh rước vua Lê đi theo đem toàn đại binh vào xâm lược Đàng Trong quyết thảo phạt chúa Nguyễn, thống nhất giang sơn về một mối.
 
Các tướng biết Nguyễn Phúc Thuần là người hùng dũng, có tài thao lược nên đồng ý dâng sớ lên chúa Nguyễn phong ông làm Nguyên Soái. Chúa Hiền – Nguyễn Phúc Tần chấp nhận và phong ông làm Nguyên soái dẫn quân chống họ Trịnh. Trước trọng trách to lớn trên vai, lúc đầu ông có ý từ chối, nhưng nghĩ lại giang sơn vạn dặm các Chúa Nguyễn dày công xây dựng mở mang, ông nhận ấn tín, lãnh binh chống quân Lê - Trịnh. Lúc ấy ông mới 20 tuổi. Căn cứ theo sử liệu thì ông là một trong những Nguyên soái trẻ tuổi nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Chống quân Lê - Trịnh 

Mùa xuân tháng 7 năm ấy xuất quân. Hành quân đến phủ Toàn Thắng ở Quảng Bình, ông họp các tướng, phân công nhân lực trấn thủ các vị trí hiểm yếu. Cụ thể: Nguyễn Hữu Dật giữ Sa Phụ, trấn thủ Quảng Bình là Nguyễn Mỹ Đức giữ chính lũy, Chưởng cơ Trương Phúc Cương giữ lũy Trấn Ninh, trấn thủ dinh Bố Chính là Triều Tín giữ lũy Động Hồi. Trấn thủ Cựu Dinh là Thuận Đức giữ lũy Đâu Mâu, Cai cơ Thuận Trung giữ cầu Mồi Nại. Tham tướng Tài Lễ dẫn chiến thuyền trấn giữ ở cửa biển Nhật Lệ. Thủy bộ từ đó làm thế hỗ trợ công thủ cùng nhau. Các tướng khi ấy đều chung nhận định: “Hiệu lệnh Nguyên soái nghiêm minh, thật là tướng tài, đúng là hồng phúc của chúa Thượng và là may mắn của nước nhà”.

Tháng 8, tướng Lê Thời Hiến, thống xuất bộ binh chiếm Linh Giang, dàn quân từ Chính Thủy đến sơn đầu, từ Phú Xuân đến Trấn Ninh, xây lũy dài đến tận bờ biển. Trịnh Căn dàn quân cùng cả ngàn chiến thuyền áp sát, thanh thế ngút trời. Tuy nhiên, dưới sự phòng thủ kỷ luật của quân Nguyễn, quân Trịnh công phá mãi không được. Chúa Trịnh tức giận, trách phạt các tướng rồi cho quân tiến công giành bằng được lũy.
 
Lê Thời Hiến đốc quân tấn công quyết lấy bằng được lũy Trấn Ninh, một ngày tấn công ba bốn lần. Có lúc, quân Nguyễn núng thế, tướng Trương Phúc Cương muốn rút quân về giữ Mỗi Nại nhưng Nguyễn Phúc Thuần không cho, bàn rằng: “Quân ta rút lui sẽ bị địch thừa cơ truy kích, mất ải là chuyện nhỏ, sĩ khí quân mất mới là chuyện lớn. Ta sẽ đưa quân chi viện”. Ngay sau đó, Nguyễn Hữu Dật cất quân chi viện và dốc toàn lực quật lại họ Trịnh. Giữ vững được lũy. Quân Trịnh lại đưa 30 chiến thuyền vào để cắt đường cứu viện lũy Trấn Ninh. Nguyên soái Hiệp cho quân đắp lũy lớn ở Sa Chủy. Tại đó, ông cho quân phục kích thủy quân họ Trịnh, quân Trịnh đại bại rút lui. 

Tấn công mãi chẳng thắng, tháng 12 quân Trịnh lại tiếp tục tấn công lũy Trấn Ninh, Lê Thời Hiến quyết chiến cùng Nguyễn Hữu Dật hàng chục trận lớn nhỏ tại đây nhưng vẫn bất phân thắng bại. Dưới sự quyết tâm giữ lũy của quân sĩ Đàng Trong, quân Trịnh núng thế, dàn quân quanh lũy cầm cự. Đến cuối tháng 12, Trịnh Căn ốm nặng nên trở về Bắc. Lê Thời Hiến cả sợ. Đêm tối cho rút quân. Nguyên soái cho quân đuổi đên tận núi Lệ Đệ mới thôi. Sau đó ông cho quân sĩ lui về giữ đất cũ, lấy sông Gianh làm ranh giới, tha cho quân sĩ trở về Bắc để đoàn tụ cùng gia đình. Từ đó Nam – Bắc nghỉ việc binh. Chúa Trịnh từ đó trở về sau không dám dòm ngó miền Nam, chúa Nguyễn sau cuộc chiến này uy thế càng trở nên lẫy lừng tiếp tục cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam...

Kỳ 2: Nguyên soái đầu tiên của Việt Nam xuất gia đi tu
 
Trung Trường

Bạn đang đọc bài viết "Nguyên soái tài ba xứ Đàng Trong Tôn Thất Hiệp (Kỳ 1)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.