Bài vị của Nguyên Soái - Quốc Uy Công Tôn Thất Hiệp
>> Kỳ 1: Nguyên soái tài ba xứ Đàng Trong Tôn Thất Hiệp
Xuất gia đi tu
Sau khi chiến thắng quân Trịnh trở về, uy tín của Tôn Thất Hiệp trong triều đình Đàng Trong càng được củng cố. Tướng sĩ dưới quyền đều khâm phục kính nể ông, ngay cả tướng tài nhà Lê là Lê Thời Hiến khi đó cũng cả sợ khi đối đầu cùng ông. Chúa Hiền cũng nhận xét: “Con ta mấy lần chặn được quân Trịnh, từ nay họ Trịnh không dám dòm ngó Nam triều ta nữa”. Sau chiến công đẩy lui quân Lê - Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Tần thưởng cho ông 100 lạng vàng, 100 lạng bạc, 50 xấp lụa, ông từ chối, thưa: “Nhờ uy của Chúa Thượng và công lao tướng sĩ, thần công lao chẳng đáng là bao nên không dám nhận.” Tuy nhiên, không khước lại được lời Hiền Vương, ông đành nhận thưởng rồi ban hết cho tướng sĩ có công.
Thắng trận trở về quê, ông lập am thờ phật, tuyệt hết nữ sắc, cả ngày giam mình trong thư phòng niệm kinh tích đức. Tương truyền trước đây, có người tên Bật Nghĩa ở Quảng Bình có người con gái có nhan sắc, dung mạo thanh tú, muốn dâng lên ông. Nhưng rồi ông lại từ chối, cấp cho 10 quan tiền rồi kêu người đưa hai cha con về quê quán làm ăn. Mọi người biết chuyện đều kính nể ông.
Sở dĩ việc ông xuất gia đi tu còn có nội hàm ẩn ý khác. Theo lời kể của hậu duệ Nguyễn Phước Tộc phòng IV hệ V là ông Tôn Thất Biên, thực chất Nguyên soái Tôn Thất Hiệp ngày trước vốn có tài thao lược, thông minh hơn hẳn 3 người anh trai của ông, Chúa Hiền có ý lập ông làm thế tử, trao cơ nghiệp xứ Đàng Trong sau này cho ông gánh vác, với hy vọng tài cầm quân của ông có thể giúp họ Nguyễn mở mang bờ cõi về phía Nam. Nhưng nghĩ đến việc bản thân mình chỉ là con thứ, lại trẻ tuổi, nhìn cảnh các anh em bất hòa vì ngôi thế tử nên không đành lòng tiếp nhận ý muốn của cha. Từ đó, ông quyết chí xuất gia, chúa Hiền tuy tiếc nuối nhưng không sao lay chuyển được quyết định của ông. Nhưng sau này chúa Hiền trước khi qua đời cũng nhường ngôi cho người em trai của ông, tức con trai thứ 5 là chúa Nghĩa – Nguyễn Phúc Thái.
Tuy nhiên, trời lại “gọi” ông đi quá sớm, năm Ất Mão (1675), ông bị đậu mùa rồi qua đời lúc mới 23 tuổi. Hiền Vương biết chuyện, khóc than: “Con ta công đức to lớn, giữ vững núi sông bờ cõi, sao trời lại gọi nó về gấp vậy.” Từ đó, Đàng Trong mất đi một vị Nguyên soái tài ba, nhưng những di sản ông để lại là những đồn lũy kiên cố, trận địa phòng thủ vững chắc khiến họ Trịnh sau này cũng không dám tiến quân về Nam.
Cổng chính vào phủ thờ Nguyên soái - Quốc Uy Công Tôn Thất Hiệp sau khi được trùng tu năm 2011
Cổng sau phủ thờ có niên đại hàng trăm năm tuổi
Công lao được hậu thế ghi nhận
Ông mất được truy tặng hiệu Minh Nghĩa Tuyên Đức Công Thần Khai Phủ Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Đô Đốc Phủ Thưởng Sự Hiệu Úy Hiệp Quận Công, thụy là Toàn Tiết. Sau lại được vua Gia Long phong là Thượng Đẳng Công Thần, cho thờ ở Thái Miếu. Năm Minh Mạng thứ 12 lại được truy tặng: Khai Quốc Công Thần, Tả Tôn Chính Đắc Tiến Tráng, Đại Tướng Quân Đô Đốc Thống Phủ,Chưởng Phủ Sự cải thụy là Hiến Nghị, phong tước Quốc Uy Công.
Nhà thờ Nguyên Soái Tôn Thất Hiệp hiện nay vẫn còn tại làng Vân Thê , xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thờ hiện nay ngoài việc dùng để thờ tự ông cùng những người trong dòng tộc thì còn sử dụng để thờ tự một trong những vị tướng lãnh tài ba của nhà Nguyễn đó là Thượng Thư Binh Bộ, kiêm Phụ Chính Đại Thần Tôn Thất Thuyết.
Mộ phần của Nguyên soái Tôn Thất Hiệp cùng phu nhân
Di tích phủ thờ của ông được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào tháng 11 năm 1994. Sau hàng chục năm xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng do những biến cố của lịch sử cũng như trải qua các cuộc chiến tranh và thiên tai tàn phá. Năm 2011, con cháu hậu duệ của Nguyên soái thuộc hệ IV, Phòng V Nguyễn Phước Tộc đã góp công trùng tu, phục dựng gần như nguyên dạng công trình phủ thờ của ông. Với lối kiến trúc đơn giản với một gian thờ tự cùng chuỗi tứ trụ đình cao rộng bên cạnh đó kết hợp điêu khắc tứ kỳ lân tạo nên uy thế trang nghiêm, thể hiện rõ phẩm trật cũng như công lao, đóng góp to lớn của Tôn Thất Hiệp và Tôn Thất Thuyết đối với chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn khi cả hai còn tại thế.
Ngày nay, di tích phủ thờ Nguyên soái - Quốc Uy Công Tôn Thất Hiệp và danh tướng Tôn Thất Thuyết với quy mô tổng thể diện tích rộng lớn cũng như mang những dấu ấn lịch sử, văn hóa quan trọng đã trở thành một trong những thắng cảnh nổi tiếng của làng Vân Thê và hệ thống công trình trong quần thể Di tích Cố đô Huế.
Trung Trường