Nguyễn Phi Khanh – Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Hồ

24/08/2017 15:45

Theo dõi trên

Cái hiếu lớn nhất của người Việt Nam chính là hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nguyễn Phi Khanh đã dạy con mình là phải có hiếu với ông bà cha mẹ, cho nên khi Nguyễn Phi Khanh bị bắt, Nguyễn Trãi định theo hầu cha, nhưng Nguyễn Phi Khanh bảo con mình là phải biết yêu nước, lấy tổ quốc làm trọng: “con là người có học, có tài, nên quay về tìm cách rửa nhục cho đất nước, trả thù cho cha, như thế mới là báo hiếu, đâu phải cứ theo khóc lóc là báo hiếu sao”?


Nguyễn Phi Khanh (1355 – 1428?). Nguồn: nghiencuulichsu.com
 
Nguyễn Phi Khanh sinh năm Bính Thân 1356 tại làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (sau đổi thành Phượng Nhãn), lộ Lạng Giang (ngày nay thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Tên thật là Nguyễn Ứng Long, lớn lên rời quê đến làng Ngọc Ổi, huyện Trường Phúc, châu Thượng Phúc, lộ Đông Đô, xứ Sơn Nam Thượng (ngày nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội)
 
Nguyễn Phi Khanh xuất thân nghèo khổ, nhưng có tài, ông nổi tiếng là hay chữ, nên được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (1326 – 1390) cho mời đến tư dinh làm gia sư kèm cặp con gái trong nhà. Có lẽ thầy đồ Nguyễn Ứng Long không lớn tuổi hơn cô học trò Trần Thị Thái, do đó trong lúc nghe giảng bài, có lần cô mới dám làm  thơ quốc âm  để trêu ghẹo thầy. Chuyện này cũng là lẽ thường tình, thầy trò cùng đang độ tuổi thanh xuân, nên tỏ ra quyến luyến cũng là điều dễ hiểu, mối quan hệ này ngày càng khăng khít, chẳng bao lâu cô học trò Trần Thị Thái có mang, Nguyễn Ứng Long sợ tai họa ập xuống đầu, nên liền bỏ trốn.
 
Quan Tư đồ Trần nguyên Đán biết chuyện này, liền cho người tìm Nguyễn Ứng Long về và gả con gái cho. Cảm kích trước thái độ hào hiệp của bố vợ, Nguyễn Ứng Long ngày càng ra sức học tập, và đến khoa thi năm đó, khoa thi năm Giáp Dần 1374, Nguyễn Ứng Long thi đỗ Thái Học Sinh (Tiến sỹ), nhưng do quy định khắt khe của triều đình nhà Trần, con nhà thường dân mà lấy con gái của hoàng tộc thì không được trọng dụng.
 
Dù có tài năng nhưng không được vua Trần Duệ Tông (1336 – 1377) trọng dụng, nên Nguyễn Ứng Long liền trở về quê nhà dạy học ở làng Ngọc Ổi, sau này học trò ở làng Ngọc Ổi nhớ ơn ông nên mới đổi tên làng là Nhị Khê (hiệu của Nguyễn Ứng Long). Đến năm Canh Thân 1380, mối tình giữa Nguyễn Ứng Long với tiểu thư Trần Thị Thái, sinh người con thứ hai đặt tên Nguyễn Trãi.
 
Năm Ất Sửu 1385, Hồ Quý Ly bắt đầu chuyên quyền, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán liền cáo quan và đưa cả Trần Thị Thái cùng Nguyễn Trãi về ở động Thanh Hư, núi Côn Sơn (ngày nay thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đến Năm Canh Ngọ 1390 khi Trần Nguyên Đán và Trần Thị Thái đều mất thì Nguyễn Trãi mới trở về làng Nhị Khê ở với cha là Nguyễn Ứng Long.
 
Năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần Thiếu Đế (1396 – 1400), tự lập ra vương triều nhà Hồ, nhà Hồ cũng kén chọn nhân tài ra giúp nước. Nguyễn Ứng Long lúc đó mới đổi tên là Nguyễn Phi khanh ra làm quan với nhà Hồ, cũng trong năm đó, con ông là Nguyễn Trãi cũng thi đỗ Thái Học Sinh (Tiến sỹ) và cả hai cha con Nguyễn Phi Khanh đều làm quan cho triều đại nhà Hồ.
 
Năm Đinh Hợi 1407, cuộc kháng chiến chống quân nhà Minh xâm lược của vua tôi nhà Hồ bị thất bại, vua tôi nhà Hồ bị bắt giải về Trung Quốc. Lúc đó Nguyễn Trãi lên cửa ải Nam Quan định đi theo Hồ Quý Ly và cha là Nguyễn Phi Khanh để sang Trung Quốc, nhưng Nguyễn Phi Khanh đã không cho Nguyễn Trãi đi theo mình, ông khuyên Nguyễn Trãi hãy trở về tìm cách gây dựng cơ nghiệp trả thù cho tổ quốc. Nguyễn Trãi đã nghe theo lời cha và trở về, sau này Nguyễn Trãi đã tìm cách trốn vào vùng đất Lam Sơn (Thanh Hóa) giúp Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, và cuối cùng đã giành được thắng lợi, giành lại độc lập cho dân tộc.
 
Cái hiếu lớn nhất của người Việt Nam chính là hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nguyễn Phi Khanh đã dạy con mình là phải có hiếu với ông bà cha mẹ, cho nên khi Nguyễn Phi Khanh bị bắt, Nguyễn Trãi định theo hầu cha, nhưng Nguyễn Phi Khanh bảo con mình là phải biết yêu nước, lấy tổ quốc làm trọng: “con là người có học, có tài, nên quay về tìm cách rửa nhục cho đất nước, trả thù cho cha, như thế mới là báo hiếu, đâu phải cứ theo khóc lóc là báo hiếu sao”?
 
Trên thực tế như chúng ta đã biết, yêu nước đâu phải chỉ có Việt Nam! Nhưng ở điểm này chính là một sự khác biệt cơ bản giữa lòng trung quân và ái quốc của người Việt Nam so với người Trung Quốc. Người Trung Quốc họ coi trọng gia đình hơn cả tổ quốc, còn người Việt Nam thì lại coi trọng tổ quốc hơn gia đình.
 
 Ngay từ thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc (770 Tr.cn – 475 Tr.cn), nhân vật lịch sử nổi tiếng ở nước Sở là Ngũ Tử Tư, vì thù của gia đình đã trốn sang nước Ngô, phù tá cho vua nước Ngô là Hạp Lư, sau đó đem quân nước Ngô về  tàn sát giết hại nhân dân nước Sở vốn là dân tộc, là quê hương đất nước của Ngũ Tử Tư.
 
Như vậy ở điểm này người Trung Quốc đã coi trọng gia đình hơn quốc gia dân tộc, còn ở Việt Nam, Nguyễn Phi Khanh đã dạy cho con mình là Nguyễn Trãi phải biết coi trọng quốc gia hơn gia đình, và đây chính là đặc điểm yêu nước nổi bật của người Việt Nam, giúp chúng ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
 
Nguyễn Phi Khanh sang sống ở Trung Quốc từ năm 1407 đến năm Kỷ Dậu 1429 thì mất, hưởng thọ 73 tuổi. Ông đã để lại 4 tác phẩm chính sau đây: Nhị Khê thi tập; Nguyễn Phi Khanh văn tập; Thanh Hư động ký; và Diệp Mã nhi phú. Qua thơ của Nguyễn Phi Khanh ít nhiều người đọc thấy được hiện trạng xã hội, diễn biến thời thế và cuộc sống của cư dân đương thời ngày xưa.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Phi Khanh – Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Hồ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.