Chia sẻ những ký ức về cải lương
Một trong những hoạt động nổi bật, đang đón nhận hiệu ứng tích cực từ cộng đồng yêu mến âm nhạc dân tộc là dự án “Cùng cộng đồng kể chuyện cải lương” do YUME Art Project đồng hành cùng British Council - Hội đồng Anh thực hiện, với hai hoạt động chính. “YUME kể chuyện Cải lương” qua việc khai thác câu chuyện, góc nhìn của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực cải lương thông một cách tiếp cận mới là podcast (chương trình phát thanh). Trong mỗi tập, nhóm các bạn trẻ của chương trình sẽ gặp gỡ, trò chuyện cùng với các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Cải lương gạo cội. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ tổ chức đối thoại giữa khán giả và khách mời về việc phát triển và mang những hơi thở mới dành cho Cải lương.
Hoạt động thứ hai của dự án là chiến dịch “Cộng đồng kể chuyện Cải lương”, nhằm khai thác ký ức tập thể về Cải lương trong cộng đồng; kêu gọi khán giả đóng góp những câu chuyện, chia sẻ ký ức về cải lương, những bài học và giá trị nhận được từ các tác phẩm đặc sắc. Hình thức của tác phẩm tham gia có thể đa dạng từ podcast, video, nhiếp ảnh cho đến đồ họa. Người tham gia có thể vẽ một bức tranh lấy cảm hứng từ vở cải lương vừa xem, viết một bài thơ kể về những tối thứ 7 sang nhà hàng xóm nghe ké cải lương khi còn nhỏ, hay làm video phỏng vấn cảm nghĩ của ông, bà, cha, mẹ về bộ môn nghệ thuật này,…
Các tác phẩm tham gia sẽ được trưng bày, bình chọn từ ngày 15/10 đến 7/12. Kết quả chiến dịch sẽ được công bố vào 23/12/2021. Có 4 hạng mục giải thưởng gồm giải Đôi mắt người xưa (giải tư liệu), Gió giao mùa (giải sáng tạo), Tiếng hò sông hậu (giải truyền thông) và Tấm lòng của biển (giải do khán giả bình chọn).
Được biết, những ngày qua, các podcast nghe nghệ sĩ kể chuyện cải lương, bài viết chia sẻ kỷ niệm của người viết với cải lương do ê kíp của chiến dịch thực hiện, đã bắt đầu được đăng tải trên các nền tảng trực tuyến (YouTube, Spotify, Facebook) như một cách khơi mào cảm xúc cho cộng đồng gửi bài tham gia. Chuỗi podcast cũng đã đăng tải phần chia sẻ của NSND Bạch Tuyết với chủ đề “Cải lương chi bảo - NSND Bạch Tuyết: 60 năm thăng trầm”. Tại đây, nữ nghệ sĩ sân khấu gạo cội đã chia sẻ về quá trình từ khi theo nghiệp hát cho đến những vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả mộ điệu. Số phát sóng thứ 2 có sự góp mặt của TS Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) với nhan đề “TS Lê Hồng Phước: Cải lương không biên giới”.
Theo chia sẻ của YUME Art Project: “Lâu nay, mọi người hay nhắc đến cải lương thông qua các vở diễn cụ thể hoặc các diễn viên cụ thể hơn là ngồi lại để kể cho nhau nghe những ký ức về cải lương. Nhiều bạn trẻ cũng không biết ngày xưa ông, bà, cha, mẹ mình đam mê cải lương như thế nào… Những câu chuyện về cải lương trong cộng đồng sẽ là nguồn tư liệu giá trị để chúng mình hiểu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống đang chuyển mình sau mốc 100 năm. Do đó, dự án với mong muốn kể cho cộng đồng nghe những câu chuyện về cải lương thông qua các buổi trò chuyện với các nghệ sĩ, để lắng nghe câu chuyện của các bạn, với những ký ức đẹp đẽ về cải lương thông qua nền tảng đa phương tiện”.
Kéo gần người trẻ đến với nghệ thuật Cải lương
Đêm nhạc Cải lương với tên gọi Giao, thuộc dự án “Cải cách lương truyền” do nhóm các bạn trẻ Khoa Quan hệ công chúng - Quảng cáo, Học viện Báo chí tuyên truyền thực hiện sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/10/2021, theo hình thức livestream trên Facebook dự án. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức về vẻ đẹp và giá trị của Cải lương, tạo nên những trải nghiệm văn hóa nghệ thuật đa dạng và đặc sắc cho công chúng trẻ. Với thông điệp “Cải lương là ngọc, ngọc không thể hóa than”, đêm nhạc Giao hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc và tiếp thêm nguồn cảm hứng sáng tạo cho người xem, đặc biệt là những bạn trẻ đang học tập và làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, truyền thông.
Bạn Lê Nguyễn Nhật Phương, Trưởng dự án “Cải cách lương truyền” chia sẻ: “Cả nhóm đều là người trẻ, nên chúng mình hiểu rõ trong trái tim của các bạn luôn tồn tại niềm tự hào, muốn những giá trị truyền thống của nước nhà được tôn vinh hơn nữa. Có thể không phải ai cũng biến khát khao ấy thành hành động, nhưng khi có người khác thay họ làm điều đó, đưa nghệ thuật truyền thống ra ánh hào quang để tôn vinh thì họ sẽ nhiệt tình ủng hộ”.
Theo nhóm dự án, “Giao” có nguồn gốc “giao thoa” - là sự hòa quyện, gắn kết giữa những âm hưởng truyền thống và hiện đại. Đêm nhạc mong muốn tạo nên chiếc cầu nối giữa khán giả trẻ với nghệ thuật Cải lương và đưa đến một trải nghiệm vừa thư giãn, thưởng thức, vừa cùng nhau lan toả những giá trị tốt đẹp thông qua hoạt động này.
Liên quan đến câu chuyện “làm mới Cải lương”, theo nhóm dự án “Cải cách lương truyền”: Bản chất của Cải lương là đổi mới và cách tân. Điều đó đã được khẳng định xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật này. Không đổi mới là Cải lương đã phủ định chính mình. Bên cạnh đó, “người nấu món ăn” Cải lương cũng cần tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nghệ thuật thế giới để biến “món ăn” này trở nên “hợp khẩu vị” hơn đối với các “thực khách hiện đại, khó tính”. Dự án “Cải cách lương truyền” được thực hiện nhằm tôn vinh, truyền tải và gắn kết bền chặt giữa tinh hoa văn hóa Cải lương với thế hệ trẻ Việt trong công cuộc vừa hội nhập giữa xu hướng nhất thể hóa, vừa bảo tồn được vốn cổ.
Còn theo YUME Art Project, cải là sửa đổi, lương là tốt lành. Cải lương là sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Vậy Cải lương cần phải “cải” như thế nào để tồn tại và phát triển trong thời đại 4.0? Chia sẻ vấn đề này, NSND Bạch Tuyết kể rằng: “Tôi nhớ về câu chuyện bác Bảy (NSND Viễn Châu), ông bị dư luận “lên án” nặng nề về việc cách tân cải lương! Ông là người đầu tiên viết bài vọng cổ “kèm” bolero. Các bạn không thể hình dung ra tình hình lúc đó sôi nổi, “nóng” đến mức nào đâu… Có thể mượn tạm một ví dụ để so sánh, nó y hệt cơn sốt chương trình Rap Việt mùa 1”.
NSND Bạch Tuyết cho rằng: “Cái mới chưa chắc hay nhưng mà phải làm mới trước cái đã. Đó là câu nói tôi rất yêu thích và cũng là phương châm làm nghệ thuật của mình… Tôi luôn nói với các bạn trẻ: Hãy lên đường và mạnh dạn khám phá. Cuộc sống có nhiều điều thú vị, đặc biệt là nghệ thuật. Qua dự án này, các bạn có cơ sở thu thập dữ liệu đúng và chân thật nhất về đối tượng khán giả, biết Cải lương thật sự cần gì để có thể song hành với mong mỏi của quần chúng khán giả”./.