Người Đà Lạt

03/11/2016 08:27

Theo dõi trên

Một thành phố yên bình ẩn hiện dưới rừng thông xanh, có sương mờ bảng lãng trên đỉnh núi xa xa; tháng ngày hòa trong tiếng thông reo, tiếng rì rào thác nước, hoa tươi nở thắm bốn mùa… Ðà Lạt! Công dân của thành phố thanh lịch, hiền hòa, mến khách; có đức tính khiêm tốn, kín đáo, ý nhị không thích ồn ào… Người Ðà Lạt !


Thiên nhiên góp phần hình thành phong cách con người

Dù là một thành phố trẻ nhưng không giống với những đô thị khác, Đà Lạt vẫn giữ nguyên vẹn nét hài hòa giữa thiên nhiên với môi trường, cảnh quan vốn có. Trước sự phát triển của một đô thị trẻ nhưng Đà Lạt không bị “đô thị hóa”. Đó là “niềm may mắn” phù hợp với tâm nguyện và tình yêu của người Đà Lạt và cũng là sự tuân thủ về đặc trưng tự nhiên đối với các nhà kiến trúc. Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Đà Lạt đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ nét cổ xưa thể hiện việc gìn giữ lối kiến trúc hài hòa giữa đô thị với thiên nhiên, cảnh quan Đà Lạt.

Với khí hậu đặc trưng mát lạnh quanh năm phù hợp cho sự phát triển của thảm thực vật và cây xanh, các loại rau, hoa bốn mùa tươi thắm. Hương sắc thành phố trẻ cao nguyên luôn tỏa ngát và là niềm yêu mến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Không gian tự nhiên mát lành, thoáng đãng, trước nay Đà Lạt rất phù hợp với công tác nghiên cứu khoa học và nghỉ dưỡng. Phụ nữ và trẻ em rất thích nghi với khí hậu lạnh. Người ta nói rằng, không cần phấn son trang điểm, đôi má thiếu nữ Đà Lạt vẫn cứ ửng hồng và e lệ! Con người Đà Lạt sống gần gũi với thiên nhiên, chịu ảnh hưởng của thiên nhiên nên có phong cách nhẹ nhàng, thanh lịch, kín đáo mà sâu lắng…



Vườn hoa Đà Lạt - Ảnh: Hà Hữu Nết

Từ bốn phương tụ hội về đây…

Cư dân Đà Lạt phần lớn là người “tứ xứ” tìm đến vùng đất này xây dựng quê hương mới, an cư lạc nghiệp và trở thành người Đà Lạt. Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, phần lớn cư dân Đà Lạt đều có xuất xứ từ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và miền Trung. Trong đó nhiều nhất là nhân dân các tỉnh phụ cận Hà Nội, Hà Tĩnh, Trị Thiên…; chiếm phần lớn là người Hà Nội và các tỉnh lân cận. Người Hà Nội vào Đà Lạt rất sớm. Năm 1938, đã hình thành ấp Hà Đông; năm 1954, Đà Lạt tiếp nhận một lượng lớn người Bắc di cư là trí thức, tư sản định cư ở nội thành và bà con nông dân định cư trong những ấp mới. Năm 1975, một số cán bộ miền Bắc vào Đà Lạt công tác mang theo gia đình... Người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào Đà Lạt cũng rất sớm, chủ yếu là người làm công khai thác tài nguyên và xây dựng các công trình hạ tầng của thành phố, định cư trong các ấp dọc theo đường sắt và đường bộ Phan Rang- Đà Lạt. Ngoài ba nhóm dân chiếm ưu thế về số lượng nói trên, một số cư dân các tỉnh Nam Trung bộ cũng lên Đà Lạt định cư...

Cư dân Bắc, Trung, Nam định cư ở Đà Lạt đều mang theo những nét đặt trưng văn hóa rất riêng từng vùng miền; nhưng trong quá trình sinh sống đã có sự giao thoa và sự “sàng lọc” của cuộc sống ở một thành phố với nét đặt trưng độc đáo đã có sự thay đổi cơ bản để hình thành nét văn hóa Đà Lạt - phong cách Đà Lạt. Đức tính thanh lịch của người Hà thành; nếp sống trọng lễ nghĩa của người Trị - Thiên; đức tính cần cù, chịu khó và thượng võ của người miền Trung… đã hòa quyện với thiên nhiên, khí hậu, phong thái hiền hòa Đà Lạt để trở thành phong cách Đà Lạt - Người Đà Lạt. (Dù rằng, nét văn hóa riêng vùng miền vẫn còn lưu giữ). Điều đáng quý là trong quá trình giao lưu và “chung đụng”, con người ta biết điều chỉnh, bổ sung những đức tính, phẩm chất tốt cho nhau; loại bỏ những cá tính riêng, cục bộ địa phương hay những tính cách không được phổ biến. Sự chung đụng ấy đã làm xuất hiện một mẫu người Đà Lạt càng về sau càng rõ nét bản sắc.

Du khách đến Đà Lạt, gặp bất cứ công dân nào của thành phố này đều có cảm nhận: Người Đà Lạt ăn nói nhẹ nhàng, khiêm tốn, kín đáo, lịch sự và dễ gần. Người Đà Lạt không thích ồn ào, xô bồ, vồ vập, tâng bốc, phô trương… Cũng do ảnh hưởng của khí hậu mát lạnh quanh năm đã hình thành nếp ăn mặc của người Đà Lạt rất kín đáo - hình thành văn hóa mặc của người Đà Lạt cũng rất riêng. Chiếc áo khoác ngoài và chiếc áo len trở thành trang phục quen thuộc, phổ biến của người Đà Lạt. Người Đà Lạt không thích ăn mặc hở hang, khêu gợi. Dù rằng, các “model” tân thời vẫn ảnh hưởng, nhất là lớp trẻ; nhưng sự tiếp thu sử dụng trong cách trang phục của người Đà Lạt có chọn lọc; đảm bảo đẹp, ấm và kín đáo!

Dân số và mật độ dân cư của Đà Lạt không đông; đặc biệt các vấn nạn về giao thông đô thị ở Đà Lạt chưa quá bức xúc; tình trạng kẹt xe, tắt nghẽn giao thông như những đô thị khác dường như ở Đà Lạt rất hiếm. Đây cũng là điều kiện tác động đến phong cách của người Đà Lạt: ung dung, tự tại, chững chạc, phong lưu, thanh lịch…

Một nét đẹp nữa mà từ xưa nay được người Đà Lạt gìn giữ và được xem là cốt cách kín đáo cũng rất riêng của người Đà Lạt, đó là nét văn hóa đường phố, nói cách khác văn hóa ứng xử nơi công cộng. Dù mỗi năm, Đà Lạt đón hàng triệu du khách trong nước, người nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng…nhưng Đà Lạt không hề bị “Âu hóa” hay chịu tác động của văn hóa Tây chi phối. Cảnh những ông Tây, bà đầm quần đùi, váy ngắn quá cỡ dắt nhau “diễu hành” trên phố; nhất là cảnh các cặp nam, nữ hôn nhau trên đường phố giữa ban ngày rất hiếm!

Người Đà Lạt góp phần thu hút du khách

Du khách trong và ngoài nước yêu mến và tìm đến Đà Lạt ngoài sự quyến rũ của cảnh đẹp nên thơ, núi đồi mộng mơ, sương chiều lãng mạn, khí hậu mát lành và có nhiều hoa đẹp nở thắm bốn mùa còn là sự “quyến rũ” bởi con người Đà Lạt. Người Đà Lạt ngoài đức tính hiền hòa, thanh lịch, mến khách còn là những con người kín đáo, đằm thắm, dễ gần, đôn hậu và thật đáng yêu. Thiên nhiên và con người hòa quyện tạo nên sắc thái vừa lịch lãm vừa chân thật, vừa hiện đại vừa hoang sơ… làm du khách thấy yên tâm và ấm lòng mỗi khi đặt chân đến Đà Lạt.

Trước nay, chợ và bến xe là hai nơi thường gây “khó chịu” cho nhiều người. Song ở Đà Lạt, du khách thật sự yên tâm vì được đối xử hết sức nhẹ nhàng và có văn hóa. Những chen lấn, níu kéo, thách giá, chặt, chém, móc túi…từ lâu đã bị xóa sổ!

Một người bạn tôi ở Hà Nội nhận xét rằng: “Ở Đà Lạt, rất hiếm thấy người ta nóng tính, to tiếng; nếu có xảy ra va quyệt giao thông, hay mâu thuẫn gì… họ xử sự nhẹ nhàng, phân tích đúng - sai và giải quyết với nhau thấu tình đạt lý; không có kiểu côn đồ hung hãn sẵn sàng đánh nhau, hay truy sát, đâm chém như ở các địa phương khác…”.

Nếp sống văn minh và phong cách người Đà Lạt đã và đang được giữ gìn, phát huy trở thành phẩm chất, nét đẹp rất riêng của con người trên thành phố Cao nguyên này.

(Theo baodulich.net.vn)

Thanh Dương Hồng
Bạn đang đọc bài viết "Người Đà Lạt" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.