Đền Độc Lôi Sơn thuộc địa phận xã Nam Giang của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đầu năm nay bỗng trở nên "nổi tiếng" nhờ… hỏa hoạn. Ít ai biết rằng đây chỉ là “phiên bản” của một ngôi đền từng linh thiêng và cổ kính nhất nhì ở xứ này, cùng với câu chuyện ly kỳ như tiểu thuyết Kim Dung về vị Lãnh binh họ Phạm - vị Thần được người dân thờ cúng suốt mấy trăm năm.
Pho tượng thần nguyên bản của ngôi đền xưa hiện vẫn còn được người dân lưu giữ tại đền Chỉ Thiện
Phạm lãnh binh và “Tây Hồ Thất Kiệt”
Suốt một thời gian dài, người dân địa phương chỉ biết thần tượng ngự trong đền là một vị Lãnh binh họ Phạm thời nhà Lý (khoảng đầu thế kỷ 11 đến thế kỷ 13), nhờ có công đánh giặc Chiêm Thành và Ai Lao mà được Vua sắc phong, cho lập đền thờ ở chân núi Độc Lôi (Rú Mượu ngày nay). Còn thân thế và sự nghiệp của Ngài ra sao thì hầu như không ai rõ.
Cũng may thời gian gần đây, nhờ các nhà nghiên cứu địa phương, đặc biệt là nhờ một trí thức Việt Kiều - người đã có cơ duyên tìm đọc được những tài liệu cổ của Trung Hoa về cuộc chiến tranh Tống - Việt (những ghi chép của chính Quách Quỳ và Triệu Tiết - hai tướng chỉ huy cuộc xâm lăng Đại Việt năm xưa), nên câu chuyện về vị thần ở Độc Lôi Sơn mới được phần nào hé lộ.
Phạm lãnh binh tên đầy đủ là Phạm Trọng Y. Ông sinh năm 1052 dưới thời vua Lý Thái Tông, có cha tên là Phạm Trọng Khâm, mẹ là Quách Thị Phương, nguyên quán đến nay chưa rõ.
Phạm Trọng Y ngay từ nhỏ đã phải chịu nhiều cơ cực. Bảy tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông được một người cậu đem về nuôi dưỡng và đổi tên là Quách Y. Tưởng đã yên thân, nào ngờ “họa vô đơn chí”. Năm ông lên mười thì người cậu cũng đột ngột qua đời.
Tứ cố vô thân, chú bé Phạm Trọng Y bỗng chốc bơ vơ phải lang thang đầu đường xó chợ, cầu xin lòng hảo tâm của thiên hạ để độ nhật qua ngày.
Thời điểm đó, vương triều nhà Lý đã kiến lập ngót nửa thế kỷ, đang bước vào giai đoạn hưng thịnh. Đất Thăng Long sau khi được Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô thì ngày càng trở nên sầm uất, trở thành nơi thu hút hiền tài, thương nhân, danh sĩ và cả… đám ăn mày trong thiên hạ.
Chú bé khốn khổ Phạm Trọng Y sau nhiều năm lưu lạc khắp nơi cũng bị cuốn về chốn Kinh thành hoa lệ, chẳng ngờ đấy lại là một bước ngoặt của cuộc đời.
Tại đây, ông nhanh chóng kết thân rồi bái làm anh em kết nghĩa với sáu người khác, gồm Trần Dĩ quê Vũ Thư - Thái Bình, Dương Minh, Triều Thu từ Cao Xá - Nghệ An, Mai Cầm ở Vạn Phần - Nghệ An, Ngô Ức ở Đường Lâm - Sơn Tây và Tạ Duy từ An Lĩnh - Thanh Hóa.
Bảy anh em mỗi người một hoàn cảnh một quê hương, giống nhau ở chỗ đều bơ vơ côi cút, phải tha phương cầu thực từ khi còn nhỏ. Thế nhưng bảy người bọn họ, kẻ thông minh kẻ uy dũng, ít nhiều đều có chỗ hơn người.
Bọn họ thân là ăn mày nhưng cư xử không giống như những phường “đầu đường xó chợ” khác. Mặt mày cũng sáng sủa, nhiều anh khí, dù quần áo trên người đều rách nát tả tơi.
Rồi một hôm, nhờ hữu duyên mà bảy anh em được diện kiến Thiền sư Minh Không (tứ Lý Quốc Sư, vị thiền sư được trọng vọng nhất thời nhà Lý). Nhà sư cũng sớm nhận ra tiềm năng của mấy chú bé ăn mày, lại thương cho hoàn cảnh bi đát của bọn họ nên mới thu nhận làm đệ tử.
Từ đó bọn họ đi theo Thiền sư Minh Không, và nhờ siêng năng ngoan ngoãn lại sáng dạ nên rất được nhà sư yêu quý. Một thời gian sau, Minh Không gửi gắm bọn họ cho Hoàng tử Lý Chiêu Văn - một vị tướng tài chỉ huy thủy binh của triều đình Đại Việt.
Lý Chiêu Văn không những thu dụng mà còn nhận cả bảy người làm con nuôi, cho ăn ở ngay trong tướng phủ. Nhờ vậy mà bọn họ sớm được làm quen với cuộc đời binh nghiệp, lại được nhiều người tài giỏi truyền dạy cho cả văn lẫn võ.
Không phụ lòng Thiền sư và Chiêu Văn, anh em Phạm Trọng Y lớn lên đều văn võ song toàn, trở thành những dũng sỹ hàng đầu trong đội thủy binh mà cha nuôi quản lý. Đặc biệt, cả bảy người đều nổi danh là có tài bơi lặn giỏi “như Giao Long” ở thủy trại Tây Hồ.
Chuyện đến tai Thái Hậu Ỷ Lan, bà đã đích thân giới thiệu tài năng của bảy anh em cho vua,được vua ban cho mỹ danh là “Tây Hồ Thất Kiệt”. Sau này khi giao chiến với quân xâm lược Đại Tống, tướng lĩnh giặc cũng rất kiêng nể bảy người và gọi họ là “Giao Chỉ thất long” hay “Giao Long thất quái”.
“Tây Hồ thất kiệt” tập hợp được 500 thiếu niên cùng khổ, huấn luyện thành một đội thủy binh kiêu dũng, bơi lặn như rái cá, được vua Lý Thánh Tông ban hiệu là “Giao Long Tây Hồ”.
Năm 1069 vua Lý Thánh Tông đích thân bình Chiêm. Bảy anh em dẫn theo đội Giao Long hộ tống, lập được nhiều công trạng. Thắng trận trở về, bảy vị đều được phong tước Bá, giữ chức Đô Thống.
Phạm Trọng Y được phong chỉ huy hiệu Thiên Tử Bình Bổng Thánh. Còn được Ỷ Lan phu nhân hỏi cho con gái quan Kinh lược trấn Thanh Hóa Phạm Nhật Chiêu là tiểu thư Phạm Phương Tiên về làm vợ.
Trong một lần dẫn binh đi đánh Chiêm Thành, Phạm Trọng Y cho quân dựng trại nghỉ ngơi dưới chân núi Độc Lôi Sơn (Rú Mượu ngày nay). Lúc ấy quanh chân núi còn là một khu rừng rậm rạp hoang vu, hổ báo lang sói rất nhiều, là mối họa lớn của cư dân quanh đó.
Ông bèn cho quân đào hố đặt bẫy, lại dùng hoàng thạch mã não đốt lên xua đuổi, dùng cung dài nõ lớn tiêu diệt rất nhiều dã thú, giải tai kiếp cho dân. Cư dân địa phương vui mừng khôn xiết, bèn lập đền thờ sống ông ở chân Rú Mượu để tỏ lòng tôn kính, biết ơn.
Năm 1075, để chặn trước âm mưu xâm lược, vua Lý đã cho quân vượt qua biên giới, tấn công phủ đầu vào Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu của nhà Tống, phá cầu đường, hủy quân lương mà giặc tích trữ nhằm đánh chiếm nước ta.
“Tây Hồ thất kiệt” phò tá Thái Úy Lý Thường Kiệt Bắc chinh, lập được nhiều công lớn. Bảy ông cùng được phong Đại tướng quân tước Hầu. Phạm Trọng Y được phong Minh Uy Đại tướng quân, tước Minh Tâm Hầu, vợ ông được phong là Nhất phẩm phu nhân.
Năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy tràn vào biên giới nước ta. Quân dân Đại Việt lập phòng tuyến ở bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu), quyết sống mái với kẻ thù để giữ gìn bờ cõi.
Các đạo quân thủy bộ của hai bên liên tiếp có những trận giao chiến kinh thiên động địa. Cuối cùng quân Tống kiệt quệ, phải chấp nhận nghị hòa rồi sau đó rút lui. “Tây Hồ thất kiệt” và cả bảy vị phu nhân đều hy sinh oanh liệt trên chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ.
Yên giặc, nhà vua truy phong cho bảy ông tước Đại Vương, các phu nhân được phong Quận chúa và cho lập đền thờ để ghi nhận công lao. Phạm Trọng Y được phong Minh Uy Lôi Trấn Đại Vương, phu nhân là Trang Thanh Quận Chúa.
Đền thờ ông ở chân Rú Mượu được Triều đình xây dựng lại, gọi là Đền Độc Lôi Sơn. Vua còn ban ruộng và ra chiếu chỉ cho dân ở hai xã Hữu Biệt và Trường Cát (nay là xã Nam Giang và Nam Cát của huyện Nam Đàn) cùng có trách nhiệm phụng thờ.
Ngôi đền “gốc” đã chẳng còn dấu tích
Đền cổ núi Độc Lôi - Đền Mượu “gốc”
Ngôi đền bị hỏa hoạn ở xã Nam Giang thực ra không phải là “đền cổ hàng trăm năm” như báo chí đã đưa tin, mà thực tế chỉ mới được dựng lại khoảng mấy chục năm nay theo ngôi đền “gốc”, còn tiền thần chỉ là ngôi miếu nhỏ của địa phương.
Như đã nói, dân địa phương vì nhớ ơn Phạm lãnh binh nên đã lập đền thờ ngài ngay dưới chân Rú Mượu. Ngôi đền sau đó được triều đình nhà Lý xây dựng, sắc phong. Suốt mấy trăm năm sau, việc duy tu - thờ cúng luôn được người dân tận tậm thực hiện.
Tương truyền ngôi đền rất linh thiêng, lại nằm dưới chân đỉnh núi khởi đầu của dãy Đại Huệ hùng vĩ, khung cảnh rất đẹp nên đã trở thành một địa điểm tâm linh nổi tiếng khắp cả vùng. Mãi đến đầu thế kỷ 20, việc thờ cúng bị ngăn cấm, đền bắt đầu bị bỏ hoang.
Trong chiến tranh chống Mỹ, đền Độc Lôi Sơn lúc đó đã bị tàn phá rất nhiều lại tiếp tục bị bom đạn hủy hoại, cuối cùng đã sụp đổ hoàn toàn. Dân hai xã Nam Giang và Nam Cát vẫn nhớ tục xưa nên cố gắng thu nhặt những hiện vật trong đền mang về cất giữ.
Nam Giang chỉ được một số đồ tế khí đem cất giữ trong miếu làng, sau này mới xây dựng thành một ngôi đền phỏng theo đền cũ, lại làm lễ “rước” Thần về, trở thành Đền Thánh Độc Lôi Sơn (vẫn gọi là Đền Mượu) ngày nay.
Còn Nam Cát lưu giữ được cả Tượng thần nguyên bản và Sắc phong, đem về “hợp tự” trong ngôi đền nhỏ duy nhất còn sót lại, ngày nay là đền Chỉ Thiện. Tượng và Sắc phong hiện vẫn được dân làng bảo quản tại đây.
Rú Mượu mấy chục năm sau trở thành một mỏ khai thác đá xây dựng của huyện Hưng Nguyên, cảnh quan bị tàn phá nặng nề, còn đâu dáng dấp của Độc Lôi Sơn thâm u một thuở.
Ngôi đền cũ gần như chẳng còn dấu tích, giờ nằm trong khuôn viên của một nhà máy nấu bia. Nghe đâu ông Giám đốc cũng biết chuyện đền thiêng, bèn cho dựng một am thờ nơi nền cũ để cầu tài cầu lộc, nhưng người dân địa phương cũng chẳng được bén mảng vào.
Thật đáng tiếc lắm thay!
Thái Hồ