Ngô Nhân Tịnh – Bậc khai quốc công thần nhà Nguyễn

08/08/2017 11:48

Theo dõi trên

Về sự nghiệp thơ văn của Ngô Nhân Tịnh góp chung với thơ văn của Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định gồm một bộ. Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định được người đương thời xưng tặng là ba nhà thơ lớn của đất Gia Định (Gia Định tam gia) trong nhóm Bình Dương thi xã.



Cửu đỉnh kinh thành Huế triều Nguyễn

Ngô Nhân Tịnh (1761 – 1813), tự là Nhữ Sơn, nguyên tổ phụ là người Quảng Đông (Trung Quốc), đầu đời nhà Thanh di cư theo đường biển sang Đại Việt ở đất Gia Định. Lúc thiếu thời Ngô Nhân Tịnh theo học với thầy dạy là Võ Trường Toản tiên sinh.
 
Năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm lại Gia Định, cần người tài ra giúp sức, Lê Nhân Tịnh lúc đó cũng đã 17 tuổi, ông cùng với hai người bạn đồng học với thầy Võ Trường Toản là Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825), Lê Quang Định (1759 – 1813) ra ứng cử, nhờ có tài năng nên cả 3 người đều được Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng.
 
Đến năm Mậu Ngọ 1798, Ngô Nhân Tịnh được thăng lên chức Binh bộ Hữu tham tri, đi sứ sang nhà Thanh, mục đích của chuyến đi là dò xét xem tình hình vua Lê Chiêu Thống (1766 – 1793), khi đi thuyền đến Quảng Đông thì mới hay tin vua Lê Chiêu Thống đã chết từ năm 1793. Biết được tin chính xác, Ngô Nhân Tịnh không đến Bắc Kinh để gặp vua Càn Long (1711 – 1799) nữa,  mà lập tức trở về Gia Định thông báo cho Nguyễn Phúc Ánh biết.

Qua chuyến đi sứ này, chứng tỏ Ngô Nhân Tịnh là người biết việc, xử thế đúng mực, hiểu rõ đối phương, biết tin chính xác về vua Lê Chiêu Thống, không cần phải đến tận Bắc Kinh xa xôi ngàn dặm nữa. Do đó, mặc dù chuyến đi sứ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng Ngô Nhân Tịnh đã hoàn thành nghĩa vụ được giao một cách xuất sắc.
 
Năm Canh Thân 1800, Ngô Nhân Tịnh theo Nguyễn Phúc Ánh ra cứu thành Quy Nhơn, ông cùng với Nguyễn Kỳ Kế coi việc binh lương. Sau đó Ngô Nhân Tịnh được lãnh coi việc chính trị ở Phú Yên, thu tiền và lúa gạo để cung cấp cho quân đội.
 
Năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Gia Long, Ngô Nhân Tịnh được cử làm Giáp Phó sứ, cùng với Chánh sứ là Trịnh Hoài Đức, và Phó sứ là Hoàng Ngọc Uẩn (? – 1817) đi sư nhà Thanh. Vua nhà Thanh lúc bấy giờ là Thanh Nhân Tông.
 
Đến năm Quý Hợi 1803, sứ đoàn của ta đã tới kinh thành Bắc Kinh vào chầu vua Thanh Nhân Tông. Trong thời gian ở Bắc Kinh, tiếp các quan đại thần nhà Thanh, Ngô Nhân Tịnh đã thể hiện sự thông minh và tài trí khôn khéo của mình. Ngoài tài ứng đối, bình tĩnh đấu kế để giữ gìn quốc thể, ông còn dùng thơ văn thuyết phục vua quan nhà Thanh, để họ phải thực hiện những điều cam kết với ta. Đến đầu năm Giáp Tý 1804, sứ đoàn của ta về đến kinh đô Phú Xuân (Huế) kết thúc chuyến đi sứ thành công tốt đẹp.
 
Sau chuyến đi sứ, Ngô Nhân Tịnh tiếp tục được giữ chức Binh bộ Hữu tham tri, đến năm Đinh Mão 1807, ông lại được sung chức Chánh sứ, cùng với Phó sứ Trần Công Đàn đem ấn sắc vào Nam, sang Chân Lạp (Campuchia) phong cho Nặc Ông Chân làm vua Chân Lạp.
 
Đến năm Tân Mùi 1811, Ngô Nhân Tịnh lãnh chức Hiệp trấn Nghệ An, thấy nhân dân ở đây khổ sở, ông liền dâng sớ lên vua Gia Long xin giảm thuế lao dịch cho nhân dân vùng Nghệ An, và tấu chương đã được vua Gia Long phê chuẩn.
 
Năm Nhân Thân 1812, Ngô Nhân Tịnh được thăng chức Thượng thư bộ Công, lãnh chức Hiệp trấn thành Gia Định, ông cùng với Tham tri bộ Hộ là Lê Viết Nghĩa phụng mệnh đi kiểm soát tiền lương và văn án các dinh.
 
Năm Quý Dậu 1813, Ngô Nhân Tịnh cùng với Tổng trấn Lê Văn Duyệt (1763 -1832) đem quân đưa vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân về nước. Rồi hội cùng với Xiêm La (ngày nay là nước Thái Lan) để bàn việc của nước Chân Lạp. Ở chốn quan trường, có nhiều người ghen ghét với tài năng của Ngô Nhân Tịnh, họ gièm pha rằng ông ăn của đút lót, vua Gia Long vẫn biết Ngô Nhân Tịnh là một người liêm chính, không điều tra sự việc mà còn phong cho ông làm Kim tử vinh lộc đại phu, Thượng khanh tước Tịnh viễn hầu.
 
Nhưng việc bị gièm pha làm cho Ngô Nhân Tịnh cảm thấy buồn mà sinh bệnh, và đến cuối năm Quý Dậu 1813, ông bị bệnh nặng và mất tại xã Chí Hòa (Gia Định), thụy là Trác Gian. Đến năm Nhâm Tý 1852, đời vua Tự Đức, tên họ của Ngô Nhân Tịnh mới được thờ vào miếu Trung Hưng công thần.
 
Về sự nghiệp thơ văn của Ngô Nhân Tịnh góp chung với thơ văn của Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định gồm một bộ. Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định được người đương thời xưng tặng là ba nhà thơ lớn của đất Gia Định (Gia Định tam gia) trong nhóm Bình Dương thi xã.
 
Sự nghiệp văn thơ của Ngô Nhân Tịnh để lại còn có các tập thơ sau đây: Thập Anh đường thi tập (in khắc năm Tân Mùi 1811), gồm 81 bài thơ chũ Hán, chủ yếu những bài thơ trên là làm trong hai dịp ông đi sứ sang Trung Quốc; Thập Anh văn tập, gồm 187 bài kinh nghĩa, lấy đề tài trong Kinh Thi, Kinh Thư, được soạn làm tài liệu cho sỹ tử học đi thi (theo Nho học).

Ngô Nhân Tịnh còn soạn chung với Bùi Dương Lịch (1774 -1814) cuốn Nghệ An phong thổ ký (nguyên tên là nghệ An ký). Nghệ An phong thổ ký được Ngô Nhân Tịnh biên soạn khi ông ra lãnh chức Hiệp trấn Nghệ An. Nội dung của sách này viết về phong tục, tập quán, nhân vật 12 huyện của trấn Nghệ An. Tiếp đến là viết về danh lam thắng cảnh núi sông, cổ tích, đền miếu xú Nghệ An. Đây có thể được xem là một trong những tác phẩm về địa phương chí Nghệ An xưa nhất
 
Ngoài ra, Ngô Nhân Tịnh còn là người hiệu đính sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Ngô Nhân Tịnh – Bậc khai quốc công thần nhà Nguyễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.