Xuất hiện dưới thời các chúa Nguyễn, những ngày đầu của loại hình nghệ thuật này, các nghệ nhân dân gian thường sử dụng các mảnh vỡ từ bình gốm, sứ để khảm ghép. Sau đó, loại hình này đã từng bước xuất hiện trong các am, đền thờ và cung điện của các chúa Nguyễn.
Trong sách Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã mô tả Phú Xuân vào đầu thế kỷ XVIII như sau: “Nơi đây cung điện, lầu gác, mái lớn nguy nga, đài cao sặc sỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề chạm khắc, vẽ vời khéo léo vô cùng”.
Để có được các hình tượng Long, Lân, Quy, Phụng hay những con Giao, con Nghê, những nghệ nhân đã sử dụng các mảnh vỡ của các bình gốm sứ, chén để tạo hình, sau này có thêm các chất liệu mới như thủy tinh màu, thủy tinh trong suốt ốp trên bề mặt, chất liệu đơn giản dân giã, bình dị nhưng vẫn tạo nên vẻ đẹp đẹp lộng lẫy, cao sang.
Với nghệ thuật khảm sành sứ, mỗi địa điểm hay một khu vực khác nhau sẽ có một loại hình trang trí khác nhau. Thông thường ở đình chùa, miếu mạo thì họa tiết, hoa văn, màu men, chất men đơn giản còn trang trí ở cung đình có phần cầu kỳ hơn với vô số các chất màu men kỳ ảo có độ bóng và độ bền cao.
Màu men dùng để khảm sành thường có màu tươi sáng và rực rỡ. Các màu đỏ tía, đỏ cánh sen, hồng nhiều thuộc gam màu nóng chủ đạo trong các bức tranh, màu đen chỉ sử dụng ở một số họa tiết nhất định như mắt rồng, mắt phượng, còn màu xanh phổ biến là xanh lam, xanh lục, xanh tím.
Công việc khó nhất và cầu kỳ nhất đó chính là công đoạn khảm ghép các mảnh sành, mảnh sứ và các chất liệu khảm khác lên các cột, trần, mái,… Bằng con mắt nghệ thuật, trí óc và bàn tay, người nghệ nhân chính là chủ thể duy nhất có thể thổi sức sống vào các mảnh sứ. Tùy từng loại chất liệu mà những người thợ có thể đặt theo đồng chất hoặc đối lập về chất của vật liệu theo màu men và chất men và cường độ tiếp sáng của các loại chất liệu khác nhau.
Để cho những mảnh khảm có thể bám chắc, người thợ phải dùng chất kết dính được làm từ hàu trộn với vôi, một số loại lá cây và mật tạo thành một thứ vữa vừa quánh dẻo, bền chắc, chịu được nắng mưa lâu dài.
Kỹ thuật cắt gọt cũng rất cầu kỳ, người thợ phải cắt làm sao cho khéo để mỗi miếng nguyên liệu khi được gắn lên vừa khít với nhau, không bị lộ mạch vữa. Chính vì vậy mà công đoạn này thường được giao cho những người thợ có tay nghề cao.
Ở Huế, đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ theo phong cách cung đình được thể hiện rõ nét ở quần thể lăng vua Khải Định. Toàn bộ phần tẩm mộ của vua đều được trang trí bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Khi vào lăng, du khách sẽ không có cảm giác âm u tại lăng mộ mà thay vào đó là cảm giác choáng ngợp vì độ bề thế của nó.
Nghệ thuật khảm sành sứ tại lăng Khải Định, đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế
Ngày nay, nghề khảm sành ở Huế sau một thời gian mai một đang hưng thịnh trở lại. Có thể nói việc phục hồi nghề khảm sành sứ không chỉ là chuyện miếng cơm manh áo mà còn là cái hồn cốt tinh anh của xứ sở diệu kỳ này, nó góp phần khôi phục lại những công trình bị bỏ hoang phế trở thành di sản quí giá cho quốc gia và cho nhân loại./.