Nghệ nhân cuối cùng ở làng thủy tổ quan họ còn lưu giữ điệu Hừ La

19/05/2015 09:33

Theo dõi trên

82 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Bàn đã có hơn 70 năm đi hát quan họ. Trong số 4 nghệ nhân của làng thủy tổ quan họ, làng Diềm (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) thì cụ Bàn là người duy nhất lưu giữ được làn điệu quan họ cổ nhất, điệu Hừ La.

Ở tuổi thất thập cổ lai hi nhưng cụ Nguyễn Thị Bàn vẫn còn rất nhanh nhẹn. Đầu chít khăn mỏ quạ, răng đen hạt huyền, lối nói năng linh hoạt và rất quý khách khiến ai cũng có thể cảm nhận được nét duyên người quan họ. Cụ bảo: “Trong bụng tôi giờ có khoảng 300 bài quan họ, hỏi chỗ nào tôi cũng biết”.

Cả đời đắm đuối với những làn điệu quan họ

Cụ Nguyễn Thị Bàn sinh ra trong gia đình cả họ nội, ngoại đều hát quan họ. Bà ngoại của cụ là nghệ nhân quan họ nức tiếng của làng. Ngày còn bé theo cụ Bàn thường đi nghe hát, rồi đứng ngoài học lỏm rồi mê mẩn hết cả người.

Năm 7 tuổi cô bé Bàn tí xíu đã xúng xính trong chiếc áo tứ thân, khăn mỏ quạ đi theo các liền anh, liền chị tới nhà chứa quan họ (nơi tập hợp tập trung tất cả các liền anh, liền chị trong làng rồi có việc gì thì cùng đi). Tới năm 11 tuổi cụ Bàn đã vào bọn quan họ với các liền anh, liền chị. Nhờ thế mà cụ Bàn học được nhiều làn điệu quan họ cổ. Vốn thông minh trời phú nên cụ chỉ nghe đến lần thứ 2 là có thể thuộc được nhiều làn điệu quan họ cổ. Tới 15 tuổi, mặc dù ít tuổi hơn nhiều người nhưng cụ Bàn đã thành lập được một bọn quan họ gồm 8 người.

Cụ Bàn còn nhớ như in ngày ấy, quan họ có tục kết chạ giữa quan họ nữ làng Diềm và quan họ nam làng Hoà Thị (Tiên Du). Cứ đến 10 tháng Giêng bọn nam Hoà Thị lại mời nữ làng Diềm ra và đầu tháng Tám làng Diềm lại mời Hoà Thị lên. Mỗi dịp như vậy thường kéo dài đến hai ba ngày, đôi bên cứ hát cả ngày lẫn đêm mà vẫn không hết câu.

Và dù hát ở đâu quan họ xưa cũng thể hiện sự nghiêm túc, khiêm nhường, ý nhị từ trang phục đến lời ăn tiếng nói... Những áo xanh, đỏ (màu nổi) luôn ẩn bên trong, áo màu hạt dẻ phủ ngoài. Ăn nói thì mực thước, không được sỗ sàng. Đến hội, bọn quan họ nam muốn mời các liền chị phải có cơi trầu nói chuyện.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cụ Bàn hăng hái tham gia đội du kích của xã. Cứ hễ lúc nào rảnh, không làm nhiệm vụ là cụ Bàn và mọi người lại hát quan họ. Chính lòng đam mê quan họ của người người như cụ đã giúp quan họ vẫn được duy trì trong chiến tranh.

Trước những năm 90 của thế kỷ trước, làng Diềm có 12 bọn chứa quan họ sau đó thành lập thành 1 đội và chính cụ Bàn làm đội trưởng đội này. Từ đó đến nay cụ vẫn làm nhiệm vụ truyền dạy quan họ cổ cho các thế hệ trong làng. Đội quan họ của làng Diềm dưới sự hướng dẫn của cụ Bàn nhiều năm đạt giải cao trong các cuộc thi hát quan họ của tỉnh Bắc Ninh.

Cụ Bàn cũng vui vẻ kể, niềm đam mê quan họ của cụ được gia đình tạo điều kiện hết lòng. Trước kia, khi còn sống, chồng cụ Bàn khuyết khích cụ Bàn chơi quan họ: “Mỗi lần tôi đang giặt giũ nấu nướng hay ẵm con mà có người rủ đi chơi bọn quan họ là ông ấy đều vui vẻ bảo, em cứ đi đi, mọi việc  có anh. Rồi có những ngày chơi bọn quan họ tới khuya thì ông nhà chính là người bế ẵm con cho tôi”.

Hiện tại mấy người con của cụ Bàn đều thành đạt và có điều kiện kinh tế, vì vậy cụ vẫn duy trì truyền dạy quan họ cho những ai đam mê loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận này.

Dạy hát quan họ tới khi nào không còn hơi thở

Cụ Nguyễn Thị Bàn, “Báu vật sống” của làng thủy tổ quan họ cho biết: Hát quan họ có lề có lối, có luật nghiêm cẩn. Một canh hát phải hát đủ 5 điệu: La Rằng, Kim loan, Gió mát, Cây gạo, Tiên sa rồi mới sang các điệu khác. Những bài quan họ cổ khó nghe, khó hát nên ít được sử dụng và ít người thích học.

Quan họ khó chơi nhất là điệu Hừ La. Trong số 4 nghệ nhân của làng Diềm được tỉnh Bắc Ninh công nhận thì chỉ có cụ là có thể hát được. Cụ còn hát một đoạn trong điệu hát này cho chúng tôi nghe: “Hừ là hừ la a la em hỡi hà, ơi hội hừ… hời la ứ hừ… Mấy khi vui vẻ thế này, vui tày đám hỏi đốt cây nhang trầm, lòng yêu yêu vụng nhớ thầm, điêu đô lăn xe, yêu ai thì quyết chớ nghe ai dèm…”. Giọng cụ vẫn còn rền, nảy theo quan niệm của giọng hát quan họ xưa.

Cụ Bàn tâm sự: “Tôi đã dạy cho 2 chị là chị Thềm và chị Sang rồi. Các chị ấy đều đã thuộc nhưng chưa tự tin hát. Vì Hừ La là điệu quan họ cổ rất khó thuộc, khó hát và hát làm sao cho thật mượt thì không phải là chuyện dễ”.

Dù tuổi đã cao nhưng cụ Bàn vẫn ra sức truyền dạy quan họ. Cụ tự hào bảo: “Tôi dạy quan họ miễn phí không lấy đồng nào cả, dạy đến hơi thở cuối cùng". Cũng chính vì thế mà học trò của cụ Bàn không chỉ ở những vùng lân cận của làng Diềm mà nhiều chị em ở Hải Dương, Bắc Giang... nghe "tiếng" cụ cũng tới đây xin tầm sư học đạo.

Cụ Bàn cũng tâm sự, dạo trước có một người ở TP Bắc Ninh muốn “mượn” cụ lên thành phố dạy quan họ một tháng. Mỗi ngày cụ dạy 4 tiếng, bồi dưỡng cụ 7 triệu nhưng cụ từ chối không đi. Sau họ còn xuống năn nỉ mấy lần rồi tăng mức bồi dưỡng lên 9 triệu nhưng "báu vật sống" của làng Diềm cũng từ chối. Cụ bảo, nếu ở nhà thì cụ sẵn sàng dạy chứ cụ tuổi cao sức yếu không thể đi đâu được.

Cụ vui vẻ kể học trò của cụ được cái giờ ham học, có đứa tới học từ 7h30 tối tới tận 11h giờ mới chịu về.  Ngày nay các chị ấy học nhanh lắm vì có hỗ trợ loa đài, máy vi tính. Hát xong thì thu âm lại rồi về nhà học tiếp chứ không phải nhớ rồi nhẩm nhẩm trong bụng như thế hệ của cụ. Cụ Bàn bảo ngoài những làn điệu quan họ cổ như Hừ La, La Rằng, Kim Lam, gió mát trăng thanh thì ngày nay các cháu cũng rất chịu khó sáng tác những làn điệu quan họ mới để phù hợp với cuộc sống mới.

Nhưng cụ cũng tâm sự thật: “Giờ các cháu đi công ty nhiều, phải tăng ca, phụ trội giờ nên cũng không có thời gian để học như ngày xưa. Các anh, các chị ở làng có nhiều người mời đi hát ở đám cưới, ở sự kiện nhưng tôi chỉ sợ họ quên học những làn điệu quan họ cổ thì mất gốc hết”.

Cụ còn nói thêm hiện tại làng Diềm thiếu trầm trọng “các anh Hai”. Trước kia cả làng có 7 người được phong tặng nghệ nhân, trong đó có 2 cụ nam thì giờ đã mất. Trong các đội quan họ 12, 13 nữ thì chỉ có 1, 2 anh nam giới. Vào mùa hè ở làng đều mở lớp dạy hát quan họ nhưng chỉ có các em nữ mà rất ít các cậu con trai nhất, đặc biệt là khi học những làn điệu khó. Diềm cũng chưa có ai sống được bằng nghề hát quan họ mà chủ yếu là ở mức bảo tồn mà thôi..../

Theo Ngày Nay
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân cuối cùng ở làng thủy tổ quan họ còn lưu giữ điệu Hừ La" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.