Nghệ An: Khai hội Đền Quả Sơn năm 2023

11/02/2023 09:14

Theo dõi trên

Ngày 10/2, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã tổ chức lễ hội Đền Quả Sơn năm 2023. Lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội lớn vào loại bậc nhất. Từ năm 2019, Lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, diễn ra trong 3 ngày 18 đến 20 tháng giêng Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

20220414-221455-1649950486-1676036819.jpg
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được thờ tại Đền. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trong vòng 16 năm ở châu Nghệ An (từ 1039 đến 1055), Lý Nhật Quang từng giữ hai chức vụ chính: chức thu thuế và chức tri châu. Hành trình 16 năm nhậm chức trên đất Nghệ An, với ông là một hành trình không mệt mỏi, không ngưng nghỉ cho lý tưởng giúp nước giúp dân. Nghệ An thời đó, từ một châu nghèo nàn biến loạn, sau 16 năm được Uy Minh vương Lý Nhật Quang ra sức xây dựng, dìu dắt nhân dân trở thành một châu phồn thịnh về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, làm chỗ dựa cho Thăng Long, cho triều Lý và các triều đại về sau.

444-41-1676036934.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Anh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương thông qua diễn văn lễ hội Đền Quả Sơn năm 2023. (Ảnh: Đài TH Đô Lương)

Việc chọn Bạch Đường làm phủ lỵ cho cả châu Nghệ An thời đó được các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà địa lý đánh giá rất cao tầm nhìn “xuyên cả thời gian không gian”, sự hiểu biết uyên thâm của Lý Nhật Quang. Đây là vùng đất có nhiều ưu thế: vừa là nơi phong cảnh hữu tình hài hòa núi sông (núi Quả và sông Lam), mang giá trị về danh thắng; vừa là nơi trung tâm về địa lý, kinh tế, chính trị, quân sự; lại phù hợp về phong thủy, long mạch. Phủ lỵ Bạch Đường có tính ổn định cho nhiều thời đại về sau.

555-31-1676036970.jpg
Đồng chí Hoàng Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện đánh trống khai hội Đền Quả năm 2023

Trong bốn ngôi đền lớn nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ - Tĩnh (Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng) được Nhà nước xây dựng và tổ chức tế tự, được coi là: “Anh châu đệ nhất từ”, “Anh linh đệ nhất từ”, “Chung cổ tối linh từ” (Đền linh thiêng vào bậc nhất) thì duy chỉ có Đức thánh Đền Quả được mệnh danh là: “Đại phúc thần của cả châu”.

Đền Quả Sơn có một vị trí đặc biệt, xứng tầm với tên tuổi, công trạng mà Lý Nhật Quang đã đóng góp cho vùng đất Nghệ An cũng như sự hiển ứng linh thiêng của Ngài đối với đất nước, nhân dân ngót gần một nghìn năm lịch sử. Ngày 12 tháng 2 năm 1998, đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

661-1676037107.jpg
Nghi thức lộn quân tại sân Đền

Lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội lớn vào loại bậc nhất. Từ năm 2019, Lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, diễn ra trong 3 ngày 18 đến 20 tháng giêng Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị danh tướng, danh thần của vương triều Lý đã có công lớn trong việc bảo quốc an dân, củng cố nền độc lập, thông nhất đất nước ở thế kỷ XI (1039 - 1055). 

Đây là lễ hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm sống động tinh thần thượng võ cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hoá dân gian. Nét đặc sắc của Lễ hội đền là lễ rước Ngài lên tạ ơn Bà Bụt ở Chùa Bà Bụt hay còn gọi là Tiên tích tự ở cách đền 4 km về phía Tây thuộc xã Lam Sơn. 

7771-1676036759.jpg
Nghi thức lộn quân trên dòng sông Lam

Tương truyền, xưa kia, trước khi Ngài đi đánh giặc thì thường lên Tiên Tích Tự (Chùa Bà Bụt) để khẩn cầu. Và sau khi đánh giặc về đều lên Tiên Tích Tự để báo công. Chính vì thế, trong lễ rước bao giờ cũng rước từ đền Thánh lên chùa Bà Bụt là vậy. Lễ rước tại đền Quả rất đặc biệt, rước đường sông và rước đường bộ (phỏng theo ngày xưa Ngài đi đánh giặc). Đây là hoạt động nhằm tái diễn lại ngày xưa Ngài luyện quân thủy, tạo hào khí chiến đấu. Lễ chính của Ngài được tổ chức vào ngày 17/12 (âm lịch). 

121211-1676037299.jpg
Lễ Tạ ơn tại chùa Bà Bụt

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Khai hội Đền Quả Sơn năm 2023" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.