Cũng giống như rất nhiều ngôi nhà vườn cổ khác trên đất cố đô, nhà vườn của gia đình bà P.L được thiết kế với kết cấu nhà ba gian, quy luật “dịch lý” và “phong thủy” gồm: Cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân nhà. Qua đó tạo nên cảm giác hài hòa trong thị giác cũng như mang lại may mắn, an lành, phúc lộc cho gia chủ. Được biết ngoài gian nhà bên phải được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày thì gian nhà chính giữa được dùng để thờ tự những người trong gia đình từ nhiều đời tiếp nối nhau hàng trăm năm.
Ít ai biết được bên trong căn nhà vườn độc đáo này hiện đang lưu giữ những cổ vật có giá trị với niên đại hằng trăm năm. Trong số đó nổi bật với bức chân dung nguyên bản vẽ Tiến Sĩ Tôn Thất Lãnh, khoa thi năm Thành Thái thứ nhất năm kỷ sửu (1889) cùng với rất nhiều những cổ vật được chạm trổ công phu, sinh động, khắc họa rõ nét văn hóa tâm linh của người xưa.
Qua nhiều lần được con cháu trong gia tộc góp công sức tiền bạc để trùng tu, nâng cấp và sửa chữa. Đến nay, căn nhà vườn ít ai biết đến này, đã hoàn thiện gần như tuyệt đối trong thiết kế kiến trúc ban đầu và còn lưu giữ những cổ vật quý giá.
Một số hình ảnh bên trong căn nhà vườn lâu đời của gia đình cụ bà P.L:
Tấm bình phong cổ chắn trước lối vào có niên đại gần 150 năm. Theo lời kể thì tấm bình phong này có tác dụng cân bằng phong thủy, qua bao năm gió mưa, lụt bão vẫn giữ được hình thái ban đầu.
Gian nhà nhà chính giữa, nơi thờ tự những người trong gia tộc...
Một góc gian nhà, nhìn từ phía bên tay trái lối đi. Nhìn qua có cảm giác như đi ngược về lịch sử, khám giá những dấu tích một thời đã qua còn vương vấn lại.
Bên trong gian nhà chính, cảnh quan bài trí các vật dụng đúng theo mô phạm của người xưa.
Góc làm việc, đọc sách. Từ cửa sổ nhìn ra có thể thấy một góc vườn yên tĩnh.
Những chiếc cột nhà được tu sửa, vật liệu gỗ được thay thế đúng với chất liệu gỗ ban đầu. Khách tham quan đi vào nhà có cảm giác mát mẻ, tươi thoáng kiết cấu thiết kế riêng biệt của người xưa.
Tráp đựng thư tịch cổ, có niên đại hàng trăm năm lịch sử.
Rất nhiều thư tịch cổ được gia đình bà P.L lưu giữ. Tuy nhiên do không biết cách bảo quản, số thư tịch này đã hư hại rất nhiều. Được biết, trong số đó có nhiều tài liệu lịch sử của dòng họ cùng với các tác phẩm văn chương.
Tấm bia đá cổ, viết bằng tiếng Hán, ghi lại tiểu sử người xây dựng nhà thờ tự.
Bản dịch bia đá bằng chữ Quốc ngữ.
Tấm hoành phi cổ với dòng chữ “Tam xuyên” được chạm nổi bằng màu vàng rất bắt mắt người nhìn.
Nhiều câu đối chữ Hán được chạm nổi, cũng như viết tay được bảo quản cẩn thận.
Ảnh thờ Tiến Sĩ Tôn Thất Lãnh, khoa thi năm Thành Thái thứ nhất năm kỷ sửu (1889).
Chiếc tủ đựng án hương, làm bằng gỗ quý, bên trên là những nét chạm khắc phong cảnh thiên nhiên tinh xảo, mang tính thẩm mỹ cao.
Chiếc đèn cổ, được gia đình mua từ những năm Pháp thuộc.
Bộ bàn ghế cổ, được gia chủ dùng để tiếp khách mỗi khi có người đến tham quan.
Nhà vườn của gia đình bà P.L được ít người dân xứ Huế biết đến vì bà nay đã cao tuổi, thích cuộc sống yên tĩnh. Hơn nữa, đây là nơi thờ tự của dòng họ nên bà ngại khi để khách đến tham quan nơi đây. Tuy nhiên, với số lượng cổ vật đa dạng cũng như lối kiến trúc độc đáo được gìn giữ và bảo tồn gần như nguyên dạng thì đây được xem là một trong những nơi lưu trữ và xây dựng nét đẹp văn hóa dân tộc của đất cố đô.
Tôn Trung - Xuân Trường