Vì vậy, cứ mỗi chuyến ra khơi, ngư dân địa phương kính thỉnh các vị thần tại đền Mai Bảng, cầu mong các ngài phù hộ cho các thuyền ra khơi vào lộng được bình yên và tôm cá đầy khoang.
Hiện đền có khuôn viên rộng, thoáng đãng, là cơ sở tốt phục vụ các kỳ lễ nghi truyền thống. Đền còn lưu giữ ngôi trung điện nguyên bản và nhiều đồ tế khí cổ có giá trị như hương án, bàn thờ, câu đối, đại tự, long ngai, bài vị, lư hương, mâm cỗ bồng... được các nghệ nhân xưa chạm trổ tỉ mỉ, kỹ thuật đạt đến trình độ cao, tạo nên những bức tranh đẹp mắt, sinh động.
Qua các nhân vật được thờ và hiện vật, câu đối, đại tự, sắc phong, bài vị, đặc biệt là 13 đạo sắc gốc hết sức quý giá, là nguồn tài liệu gốc giúp hậu thế nghiên cứu về các giai đoạn lịch sử của làng Mai Bảng là minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của đền, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Vào các ngày sóc, vọng, dịp Tết Cổ truyền, nhân dân trong làng Mai Bảng tới đền thắp hương, thờ cúng. Đặc biệt, mỗi năm đền Mai Bảng diễn ra hai lễ hội lớn vào ngày 12/2 (âm lịch) và 3 tháng 5 (âm lịch). Lễ hội dịp đầu năm vào ngày 12/2 (âm lịch), ngày thành lập làng, vừa là dịp lễ cầu ngư, nhân dân trong làng tề tựu đông đủ, tổ chức các hoạt động tế lễ nghiêm trang.
Nhân dân trong làng trước khi quyết định một việc lớn (đi xa, con cái thi đại học, cao đẳng; dựng vợ gả chồng, hay chuẩn bị ra khơi…) đều đến đền thắp hương cầu nguyện. Những ngày sóc, ngày vọng, trung bình hàng ngày có trên một nghìn lượt người đến thắp hương, chưa kể lượng du khách thập phương đến tham quan, ngắm chơi cảnh đền.
Bên cạnh hoạt động văn hóa tâm linh, đền còn tổ chức các hoạt động văn hoá dân gian như kéo co, cờ thẻ... kết hợp với các trò chơi hiện đại, nhằm góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá của địa phương. Đây cũng là một trong những hoạt động văn hoá phi vật thể được duy trì phát triển, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Hòa - cán bộ văn hóa phường Nghi Thủy khẳng định: Để phát huy giá trị Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Mai Bảng, đồng thời xây dựng đền là điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi về với TX.Cửa Lò, thời gian tới phòng thành lập tổ quản lý đền; xây dựng bản tóm tắt nội dung giá trị lịch sử của di tích để du khách có thể tìm hiểu khi đến tham quan; chọn lọc, khôi phục và duy trì các sinh hoạt truyền thống, những tập tục tốt của địa phương; phối hợp với nhà trường tại địa phương tổ chức cho học sinh học tập tại di tích theo hình thức ngoại khóa, giúp các em hiểu thêm về quá trình xây dựng và phát triển của nơi mình sinh sống, tìm hiểu về các nhân vật có công lớn với quê hương, đất nước.
Đồng thời giao cho học sinh vệ sinh, lao động tại đền vào các ngày lễ lớn để các em biết trân trọng những giá trị mà cha ông để lại; tổ chức cho nhân dân, khách du lịch gần xa tìm hiểu tham quan di tích khi về với Cửa Lò.
(Theo Báo Nghệ An)