Giai thoại về Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan
Trong Đất và người xứ Nghệ của Bùi Văn Chất viết về Nguyễn Cảnh Hoan: Ông họ Nguyễn, húy Hoan, tự Cảnh Mô được phong quốc tính: họ Trịnh. Trịnh Nông Sơn (xưa Nông Bang), người Ngọc Nùng. Mẹ họ Đào, mang ông tới 12 tháng mới sinh.
Sinh thời, diện mạo kì tú, lúc nhỏ ham học cả văn lẫn võ. Tuổi tuy còn trẻ nhưng sớm có trí giúp người. Năm Thống Nguyên nguyên niên (1522), Mạc Đăng Dung thoái vị, bốn bề trộm cướp nổi dậy. Bấy giờ có bọn thằng Bật tụ tập người quanh vùng: Đông Liệt, Đồng Luân, tổng Đại Đồng quấy nhiễu dân lành. Ông cùng phụ thân là Huy mời các đầu mục của tổng góp nhân tài, vật lực lập trại Nùng Bang, định kế dẹp loạn. Số người đi theo có đến 100.
Hoàng đế Lê Trang Tông lên ngôi ở Ai Lao, hào kiệt khắp nơi hưởng ứng, ông cùng thân phụ tới Hành tại Sầm Châu, yết kiến, bái Dương Đường hầu, xin theo Minh Khang đại vương (Trịnh Kiểm). Qua nhiều trận lập nhiều công tích. Năm Nguyên Hòa 15 (1547), vua từ Ai Lao về Thanh Hóa, Mạc Kính Điển được bọn phản thân Nguyễn Tử Nha báo tin, dùng 3 trấn binh chống cự với nhà vua ở Vạn Hà. Vua ở sách Long Sùng chuyển quân tới đồn Lôi Dương, lệnh cho Thái sư điều chư tướng tiến đến Thụy Nguyên hợp chiến. Nguyễn Kính Điển thua chạy. Nhà vua ở Hành tại Vạn Lại định công phong thưởng. Ông được phong chức Đề đốc, tước Tấn quốc công.
Mùa thu năm Tân Hợi (1551), về Đông Kinh luận thưởng, ông có nhiều chiến công, được thăng Đô đốc. Mùa Đông năm ấy tiến đánh núi Thiên Kiện, bắt được Mạc Khánh Quốc. Mùa xuân Nhâm Tý (1552), Đại vương về Tây Đô, luận công hành thưởng, ông được gia phong Thái bảo.
Từ ngày "nhược quán” (lên tuổi đôi mươi) theo Đại vương chinh chiến, đánh đâu thắng đó, Vương rất kính yêu mới ban cho mang họ Trịnh, họ của nhà chúa, lấy họ tên là: Trịnh Mô, coi như dòng dõi nhà vương, cấp thêm binh dân, quyền trông coi chế ngự việc nước, việc quân hệ trọng trong ngoài.
Năm Ất Mão (1555), phụng mệnh đánh quân Mạc ở huyện Vĩnh Phúc bắt sống được Thọ quốc công và Vạn Đồn hầu. Năm Giáp Tý (1564), Mạc Kính Điển xâm phạm Thanh Hoa, ông được lệnh cùng Vinh quận công Hoàng Đình Ái trấn giữ Điệp Môn, lập phòng tuyến ngăn quân Mạc. Mạc Kiêm vương Kính Điển đánh không nổi, lùi về Hà Trung. Vua Anh Tông bèn tiến đại quân, thu phục bờ cõi, lệnh cho Lai Thế Khanh An quận công dẫn binh theo tả lộ; Đại quân tiến trung lộ; ba đạo quân cùng xuất phát, thanh thế rất lớn, dành nhiều thắng quả.
Năm Chính Trị, Tân Mùi (1571), vua phong công thần, ông được thăng chức Thiếu phó. Mùa Thu năm ấy Mạc Kiêm vương Kính Điển trở lại chiếm Nghệ An, nhà vua giao cho Lai quận công Phan Công Tích đưa quân tới cứu. Quân Mạc lui. Nghệ An trở lại ổn định. Ông hồi triều. Thế tôn hoàng đế lên ngôi (1573), xét công văn võ quần thần, Thành Tổ Trịnh Tùng (1570 - 1623) thấy ông tài biện, đặc cải sang ban văn chức, tiến cử vào hiệp mưu công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Thái phó, Thượng thư bộ Binh kiêm hành tướng quân sự.
Tháng 8 năm 1576, triều đình nhà Mạc lại bàn cách đánh chiếm Ái Châu. Lần này nhà Mạc đã huy động một lực lượng lớn và chia thành hai đạo, tiến đánh Ái Châu từ hai phía (một đạo tiến đánh từ Thụy Nguyên và một đạo tiến đánh từ Yên Định), "tin tức đến Yên Trường, trăm họ đều sợ hãi".
Lúc này, Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đang trấn trị ở Nghệ An, vì vậy nhà Lê một mặt cử các tướng gấp rút cầm quân đi phòng ngự ở các cửa ải, một mặt ra sắc chỉ và cho người về Hoan Châu, triệu Tấn Quận công về triều để nghị bàn việc cứu nước, đến ngày 13 tháng 8 năm 1576 thì sai nhân của nhà Lê về đến doanh trại Nam Đường. Nhận được tuyên triệu của triều đình, "ngay ngày hôm ấy (ông bèn) sai các tướng giữ vững doanh trại, còn mình thì đốc thúc quân bản bộ 30 viên tướng... mở trại tiến phát".
Do thông tin bị lộ ra ngoài, đến tai nhà Mạc, nên khi đạo quân của ông vừa đến Ngọc Sơn (Thanh Hoá), thì đã gặp phục binh của nhà Mạc. Sau gần một ngày giáp chiến quyết liệt, phần vì bị tấn công bất ngờ, phần vì lực lượng không cân sức, nên đạo quân của ông đã hoàn toàn bị nhà Mạc khống chế, bản thân ông đã bị nhà Mạc bắt và giải về kinh ở Bắc triều.
"Bấy giờ nhà Mạc thấy Tấn Quận công là người rộng rãi mà cương nghị, tính rất dễ ra, muốn tìm cách lôi kéo theo kiểu hậu đãi Quan Vân Trường đem vàng mời Kính Đức" nên đã tìm mọi cách để mua chuộc, dụ dỗ ông.
Nguyễn Quyện đến gặp ông và nói rằng: Ta nghe ở thôn quê có câu sấm truyền rằng: "Mô là cây của Mạc, nếu không được Mạc dùng, ắt hẳn sẽ thành tro dưới mồ thôi (Mô giả, Mộc mạc dã; bất bi Mạc dụng, tất thành hưu mô chi mộ)". Ý giả sấm truyền cũng muốn nhắc nhở Tấn quận công đấy thôi, thế mà Tấn quận công lại một mực không tỉnh ngộ.
Cảnh Hoan đáp rằng: Bình sinh khi qua chơi nhà ông, ta thấy thân sinh của ông bảo ông tuy thông minh nhưng lười học, nên mới đặt tên cho ông là Quyện, nhốt ông trong thư phòng, có câu răn rằng: "Quyện là người của sách, vì quay lưng lại sách, quả nhiên bị cái nhục cầm tù" (Quyện giả, quyển nhân giã; hữu vi ư quyển, quả thụ khuyên tù chí nhục)". Sao ông không suy nghĩ về điều đó. Người đọc sách không thể làm trái với sách. Sách có nói: "Tôi ngay không thờ hai chúa", ông sao làm trái lời đó?
Nguyễn Quyện nói: Đại trượng phu không thờ hai vua, thế là trung. Quyện này nếu về với chủ cũ sẽ thất trung. Nguyễn Quyện nói xong phẩy áo mà đi. Sau cuộc viếng thăm này, biết không thể thu phục được Cảnh Hoan nên nhà Mạc đem ông giết đi. Là địch thủ nhiều năm trên chiến trường Hoan Châu, tiếc ông là người cương liệt trung nghĩa, Nguyễn Quyện đã cho người khâm liệm và xin Vua Mạc cho người đưa thi hài về Hoan Châu và có nói về ông rằng: "Trung nghĩa, cương liệt đời hiếm hoi, sau này ắt sẽ thành thần lớn"!
Để giữ tròn khí tiết với nhà Lê, ngày 16 tháng 9 năm 1576 âm lịch, ông bị nhà Mạc hãm hại, hưởng thọ 57 tuổi.
Thập niên sự lệ
Khi Nguyễn Cảnh Hoan mất, vua Lê vô cùng thương tiếc cho nghỉ chầu 3 ngày, sai sứ mang vàng, bạc và các đồ tế lễ đến viếng. Về sau các triều đại phong kiến ban cấ nhiều sắc phong cho ông.
Vào năm Nhâm Dần (1602), vua Lê Kính Tông sắc chỉ cho xây dựng đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan (theo chế độ quốc tạo). Đến năm Giáp Thìn (1664), đời vua Lê Huyền Tông triều đình cử vị Quốc sư Hòa Chính về thôn Tràng Thịnh tìm đất tốt để cát táng mộ ông và trùng tu lại đền thờ, từ đây di tích phối thờ thêm 3 vị công thần triều Lê Trung Hưng là Thái bảo Tả Tư không Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thiếu phó Đô úy Tả Tư mã Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà và Tả đô đốc Phó tướng Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế.
Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan không chỉ là ngôi đền linh thiêng, cổ kính mà còn bảo lưu được di sản văn hóa phi vật thể độc đáo mang đậm dấu ấn của vùng quê Đô Lương. Đó chính là lễ hội “Thập niên sự lệ” với các nghi thức tâm linh trang trọng, đặc sắc và các hoạt động mang đậm tính dân gian, giàu bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Nghệ.
Để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn và bảo tồn những giá trị văn hoá tốt đẹp của dòng họ, kể từ năm 1604, cứ mười năm một lần, vào ngày Rằm tháng Ba âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng lại tề tựu về Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để tổ chức lễ hội truyền thống “Lễ hội chay” hay còn gọi là “Thập niên sự lệ”.
Lễ hội diễn ra ở ba địa điểm chính. Đoàn rước từ Đền Khoảng đủ dùng mi Hoan qua đền Đức Hoàng, nơi thờ vua Lê Trang Tông. Tại đây, diễn ra lễ chầu của những vị trung thần họ Nguyễn Cảnh đối với vua Lê Trang Tông, đồng thời thể hiện tinh thần trung, cần, nhân, nghĩa của con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh. Sau đó đoàn về tại Chùa Phúc Mỹ, xã Yên Sen xin phép chư Phật thỉnh kinh về quy y cho các thần tổ họ Nguyễn Cảnh và tụng kinh cầu siêu, cầu cho quốc thái dân an.
Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đức Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan cũng như nhiều con cháu hậu duệ của Ngài là những vị tướng lĩnh cầm quân trên chiến trường, từng nhìn thấy biết bao binh lính tướng tá tử trận nên việc lên chùa lễ Phật là một lời cầu nguyện cho linh hồn những binh sĩ được yên nghỉ. Đồng thời thông qua nghi lễ này giáo dục cho con cháu về sự hướng thiện trong cuộc sống. Sau khi hoàn thành đoàn rước về tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan để tổ chức lễ. Song song với đó là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh du, đấu vật, cờ thể...
Theo kế hoạch, lễ hội được diễn ra 03 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4/2024 đến ngày 23/4/2024 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn). Nội dung gồm: cổ lễ, tân lễ; Phần hội:chương trình đêm thơ “ Nguyễn Cảnh thi tập” (đêm ngày 13 tháng 3 năm Giáp Thìn) và Chương trình văn nghệ “Sáng mãi bài ca truyền thống”(đêm ngày 14 tháng 3 năm Giáp Thìn); Các hoạt động thể thao: Tổ chức giải bóng chuyền nữ, kéo co nam. Giao lưu bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, bóng đá nam biểu diễn Thái cực trường sinh đạo, võ thuật.
Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan là hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, khơi dậy được truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần thượng võ hiếu học, tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.