Đền Hữu và Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (Kỳ 2): Trung nghĩa, cương liệt

10/11/2021 08:08

Theo dõi trên

Là địch thủ nhiều năm trên chiến trường Hoan Châu, tiếc ông là người cương liệt trung nghĩa, Nguyễn Quyện đã cho người khâm liệm và xin Vua Mạc đưa thi hài Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan về Hoan Châu.

20211109-232805-1636476084.jpg
Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576).

"Trung nghĩa, cương liệt đời hiếm hoi, sau này ắt sẽ thành thần lớn"!

Văn bia cầu Cương Giang tổng Xuân Lâm có ghi lại việc ông bỏ tiền của để mua gỗ tốt, ngói đẹp và thuê thợ thi công làm cầu Cương Giang vào năm Kỷ Mùi (1559), xin dẫn một đoạn như sau: 

“Đây là sông Cương, đẹp cho nước Việt…

Nhờ có Tấn công, tướng tài của nước 

Trung thành sáng suốt, ra sức chống trời 

Chính sách đã làm, lòng thiện rộng khắp 

Bỏ của nhà ra, chế sửa chỉnh trang 

Bói lịch ngày lành, gọi nhiều thợ giỏi". 

20211019-104600-1636476057.jpg
Nghe tiếng linh thời Lê Trung Hưng/Đã rõ thành tích phong thượng đẳng thần. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tháng 8 năm 1576, triều đình nhà Mạc lại bàn cách đánh chiếm Ái Châu. Lần này nhà Mạc đã huy động một lực lượng lớn và chia thành hai đạo, tiến đánh Ái Châu từ hai phía (một đạo tiến đánh từ Thụy Nguyên và một đạo tiến đánh từ Yên Định), "tin tức đến Yên Trường, trăm họ đều sợ hãi".

Lúc này, Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đang trấn trị ở Nghệ An, vì vậy nhà Lê một mặt cử các tướng gấp rút cầm quân đi phòng ngự ở các cửa ải, một mặt ra sắc chỉ và cho người về Hoan Châu, triệu Tấn Quận công về triều để nghị bàn việc cứu nước, đến ngày 13 tháng 8 năm 1576 thì sai nhân của nhà Lê về đến doanh trại Nam Đường. Nhận được tuyên triệu của triều đình, "ngay ngày hôm ấy (ông bèn) sai các tướng giữ vững doanh trại, còn mình thì đốc thúc quân bản bộ 30 viên tướng... mở trại tiến phát".

20211019-104841-1636476465.jpg
Đền Hữu được khởi dựng từ thời Lê, ban đầu chỉ có: Thượng điện, nhà Trù, kho vàng, cồn voi ngựa. Đến thời Nguyễn dựng thêm 4 hạng mục: Trung điện, Hạ điện, Nghi môn và Tam quan. Ảnh: Nguyễn Diệu.

Do thông tin bị lộ ra ngoài, đến tai nhà Mạc, nên khi đạo quân của ông vừa đến Ngọc Sơn (Thanh Hoá), thì đã gặp phục binh của nhà Mạc. Sau gần một ngày giáp chiến quyết liệt, phần vì bị tấn công bất ngờ, phần vì lực lượng không cân sức, nên đạo quân của ông đã hoàn toàn bị nhà Mạc khống chế, bản thân ông đã bị nhà Mạc bắt và giải về kinh ở Bắc triều.

"Bấy giờ nhà Mạc thấy Tấn Quận công là người rộng rãi mà cương nghị, tính rất dễ ra, muốn tìm cách lôi kéo theo kiểu hậu đãi Quan Vân Trường đem vàng mời Kính Đức" nên đã tìm mọi cách để mua chuộc, dụ dỗ ông.

Nguyễn Quyện đến gặp ông và nói rằng: Ta nghe ở thôn quê có câu sấm truyền rằng: "Mô là cây của Mạc, nếu không được Mạc dùng, ắt hẳn sẽ thành tro dưới mồ thôi (Mô giả, Mộc mạc dã; bất bi Mạc dụng, tất thành hưu mô chi mộ)". Ý giả sấm truyền cũng muốn nhắc nhở Tấn quận công đấy thôi, thế mà Tấn quận công lại một mực không tỉnh ngộ.

Cảnh Hoan đáp rằng: Bình sinh khi qua chơi nhà ông, ta thấy thân sinh của ông bảo ông tuy thông minh nhưng lười học, nên mới đặt tên cho ông là Quyện, nhốt ông trong thư phòng, có câu răn rằng: "Quyện là người của sách, vì quay lưng lại sách, quả nhiên bị cái nhục cầm tù" (Quyện giả, quyển nhân giã; hữu vi ư quyển, quả thụ khuyên tù chí nhục)". Sao ông không suy nghĩ về điều đó. Người đọc sách không thể làm trái với sách. Sách có nói: "Tôi ngay không thờ hai chúa", ông sao làm trái lời đó?

Nguyễn Quyện nói: Đại trượng phu không thờ hai vua, thế là trung. Quyện này nếu về với chủ cũ sẽ thất trung.

Nguyễn Quyện nói xong phẩy áo mà đi. Sau cuộc viếng thăm này, biết không thể thu phục được Cảnh Hoan nên nhà Mạc đem ông giết đi. Là địch thủ nhiều năm trên chiến trường Hoan Châu, tiếc ông là người cương liệt trung nghĩa, Nguyễn Quyện đã cho người khâm liệm và xin Vua Mạc cho người đưa thi hài về Hoan Châu và có nói về ông rằng: "Trung nghĩa, cương liệt đời hiếm hoi, sau này ắt sẽ thành thần lớn"!

Để giữ tròn khí tiết với nhà Lê, ngày 16 tháng 9 năm 1576 âm lịch, ông bị nhà Mạc hãm hại, hưởng thọ 57 tuổi. 

20211019-105354-1636476738.jpg
Trong những năm 1930 - 1931, Đền Hữu là địa điểm hội họp, in ấn truyền đơn của chi bộ Đồng Sinh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nghe tin ông mất, triều Lê vô cùng thương tiếc, đã gia phong ngay cho ông là "Hiệp mưu dương võ uy dũng dực vận tán trị công thần đặc tiền kim tử vinh lộc đại phu Binh bộ Thượng thư Tấn Quốc công", ban tên thụy là "Hùng nghị" và cho triều thần nghỉ châu 3 ngày, đồng thời sai sứ mang sắc chỉ phong tặng Tấn Quốc công làm Hành hạ Nghệ An đạo, cùng 12 nén vàng, 100 nén bạc và các đồ sính lễ đến tận nhà để phúng viếng. 

20211019-110208-1636476890.jpg
Nhiều đồ tế khí còn lưu giữ ở Đền Hữu cũng có giá trị nghệ thuật cao. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đến năm Hoằng Định thứ 2 (1602), ông lại được triều Lê phong thêm là "Hùng nghị khuông tế trạch dân Đại vương, xếp vào bậc trung đẳng thần, hưởng hoả ngàn năm, cúng tế muôn thuở". Nhân dân ở đạo Nghệ An, nhất là ở huyện Nam Đường lúc bấy giờ đã lập rất nhiều đền, miếu để thờ phụng ông. Riêng nhân dân ở tổng Hoa Lâm, đã chọn hai vùng đất cao ráo, thoáng đãng ở hai bên tả, hữu sông Gang để lập đền thờ phụng, tri ân công đức của ông. 

20211019-110044-1636477050.jpg
Đền Hữu - nơi chứa đựng những thông điệp lịch sử lớn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Bùi Huy Bích làm Hiệp trấn Nghệ An, khi đi qua vùng núi Hồ Cương, Nam Đàn thăm thành lũy cũ do Cảnh Hoan xây có đề thơ rằng:

“Tấn quốc đương sơ phạt Quyện nhân

Thử gian thụ sách trú tam quân

Bách niên mã cứu câu thăng tại

Thiên điệp sơn thành thảo thạch xuân

Mạc phủ tích công thành lão tướng

Sa trường toàn nghĩa tác danh thần

Hất kim di chỉ Hồ Cương bạn

Tưởng tượng phong yên hộ chiến trần”

(Còn tiếp...)

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Hữu và Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (Kỳ 2): Trung nghĩa, cương liệt" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.