Đền Hữu và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (Kỳ 1): Giai thoại về Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan

02/11/2021 07:57

Theo dõi trên

Thanh Chương – mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đây ẩn chứa nhiều kho tàng lịch sử được cất giấu sau những câu chuyện dân gian lưu truyền. Đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) và giai thoại về Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan là một di tích, mà ở đó, người đời còn nhắc và thờ phụng Ngài.

20211030-141359-1635578354.jpg
Đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

“Nhược quán”!

Trong Đất và người xứ Nghệ của Bùi Văn Chất viết về Nguyễn Cảnh Hoan đã được in trên sách “Thanh Chương xưa và nay” viết: 

Ông họ Nguyễn, húy Hoan, tự Cảnh Mô được phong quốc tính: họ Trịnh. Trịnh Nông Sơn (xưa Nông Bang), người Ngọc Nùng. Mẹ họ Đào, mang ông tới 12 tháng mới sinh. 

Sinh thời, diện mạo kì tú, lúc nhỏ ham học cả văn lẫn võ. Tuổi tuy còn trẻ nhưng sớm có trí giúp người. Năm Thống Nguyên nguyên niên (1522), Mạc Đăng Dung thoái vị, bốn bề trộm cướp nổi dậy. Bấy giờ có bọn thằng Bật tụ tập người quanh vùng: Đông Liệt, Đồng Luân,tổng Đại Đồng quấy nhiễu dân lành. Ông cùng phụ thân là Huy mời các đầu mục của tổng góp nhân tài, vật lực lập trại Nùng Bang, định kế dẹp loạn. Số người đi theo có đến 100.

Hoàng đế Lê Trang Tông lên ngôi ở Ai Lao, hào kiệt khắp nơi hưởng ứng, ông cùng thân phụ tới Hành tại Sầm Châu, yết kiến, bái Dương Đường hầu, xin theo Minh Khang đại vương (Trịnh Kiểm). Qua nhiều trận lập nhiều công tích. Năm Nguyên Hòa 15 (1547), vua từ Ai Lao về Thanh Hóa, Mạc Kính Điển được bọn phản thân Nguyễn Tử Nha báo tin, dùng 3 trấn binh chống cự với nhà vua ở Vạn Hà. Vua ở sách Long Sùng chuyển quân tới đồn Lôi Dương, lệnh cho Thái sư điều chư tướng tiến đến Thụy Nguyên hợp chiến. Nguyễn Kính Điển thua chạy. Nhà vua ở Hành tại Vạn Lại định công phong thưởng. Ông được phong chức Đề đốc, tước Tấn quốc công.

20211030-141439-1635578453.jpg
Đền là nơi thờ Thái phó Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576) và hợp tự các vị sơn thần của làng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mùa thu năm Tân Hợi (1551), về Đông Kinh luận thưởng, ông có nhiều chiến công, được thăng Đô đốc. Mùa Đông năm ấy tiến đánh núi Thiên Kiện, bắt được Mạc Khánh Quốc. Mùa xuân Nhâm Tý (1552), Đại vương về Tây Đô, luận công hành thưởng, ông được gia phong Thái bảo.

Từ ngày "nhược quán” (lên tuổi đôi mươi) theo Đại vương chinh chiến, đánh đâu thắng đó, Vương rất kính yêu mới ban cho mang họ Trịnh, họ của nhà chúa, lấy họ tên là: Trịnh Mô, coi như dòng dõi nhà vương, cấp thêm binh dân, quyền trông coi chế ngự việc nước, việc quân hệ trọng trong ngoài.

Năm Ất Mão (1555), phụng mệnh đánh quân Mạc ở huyện Vĩnh Phúc bắt sống được Thọ quốc công và Vạn Đồn hầu. Năm Giáp Tý (1564), Mạc Kính Điển xâm phạm Thanh Hoa, ông được lệnh cùng Vinh quận công Hoàng Đình Ái trấn giữ Điệp Môn, lập phòng tuyến ngăn quân Mạc. Mạc Kiêm vương Kính Điển đánh không nổi, lùi về Hà Trung. Vua Anh Tông bèn tiến đại quân, thu phục bờ cõi, lệnh cho Lai Thế Khanh An quận công dẫn binh theo tả lộ; Đại quân tiến trung lộ; ba đạo quân cùng xuất phát, thanh thế rất lớn, dành nhiều thắng quả. 

Năm Chính Trị, Tân Mùi (1571), vua phong công thần, ông được thăng chức Thiếu phó. Mùa Thu năm ấy Mạc Kiêm vương Kính Điển trở lại chiếm Nghệ An, nhà vua giao cho Lai quận công Phan Công Tích đưa quân tới cứu. Quân Mạc lui. Nghệ An trở lại ổn định. Ông hồi triều. Thế tôn hoàng đế lên ngôi (1573), xét công văn võ quần thần, Thành Tổ Trịnh Tùng (1570 - 1623) thấy ông tài biện, đặc cải sang ban văn chức, tiến cử vào hiệp mưu công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Thái phó, Thượng thư bộ Binh kiêm hành tướng quân sự.

20211030-140935-1635578714.jpg
Đền Hữu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 299/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009. Ảnh: Nguyễn Diệu

Năm ấy, Mạc tướng Thạch quận công Nguyễn Quyện vượt biển vào đánh chiếm Nghệ An. Tướng trấn thủ Hoành quận công thất thủ, bị Quyện bắt. Tin tức đến Tràng An, ông được triều thần bầu cử cùng Lai quận công đốc quân đánh Quyện. Cầm cự mấy tháng các tướng kéo quân về.

Đầu năm Ất Hợi (1575), Quyện trở lại đánh vào Nghệ An, ông cùng Lai quận công lại được lệnh đưa quân về giữ. Tới nơi, cùng Quyện giao chiếm, không thắng, các ông phải chia quân hạ trại. Một đóng đồn ở Thanh Thủy, Nam Đường; một ở Quang Trung, Đông Thành. Nhận được tin, Quyện bảo với quân sĩ rằng: "Lai quận đóng quân ở Hai Vai này, Hai Vai không có đầu, ta có thể xuất binh bắt được. Tức thì hạ lệnh chia quân ngậm tăm nhanh tiến, vỗ mặt vây hãm. Lai quận bị khốn giữa vòng vây tả xung hữu đột nhưng không thể thoát, tự rạch bụng mà chết.

Ba thuộc tướng là quận Thanh, quận Dĩnh, quận Vĩ kéo vào Nam Đường cấp báo sự tình đau xót, ông mời vào nâng chén chia buồn. Nhân đó bảo cùng ba tướng: "Hôm qua, Lai công hẹn cùng ta giáp kích, ta mới tiến quân tới đây… Bỗng nhận thấy dưới dòng sông Gang xuất hiện 10 chiếc chiến thuyền. Lệnh kéo quân tới bến, nghi Đông Thành đã bị phá, nên không dám khinh xuất. Quả nhiên, trúng ngụy kế. Ta đang viết biểu tâu lên triều đình, xin cùng đưa quân báo thù cho Lai công. Một mặt sai người đưa thư đến Trường An; một mặt sẵn sàng chiến cụ, sai Nghĩa Võ hầu theo thủy quân tới rào Gang.

20211030-141158-1635579005.jpg
Đền Hữu gồm các hạng mục: Tam quan, Nghi môn, Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Ảnh: Nguyễn Diệu

Quyện đắc thắng, lại mưu chiếm lấy Nam Đường, sai quân lên đầu sông Hiếu, chuyển sang dòng sông Lam mà về xuôi. Ông dò được tin tức bèn đốc quân thủy bộ bày trận bên trái chùa Chung Tháp, đợi. Quân Mạc bất ý tới nơi, thượng hạ giao công, bất phân thắng bại. Sang ngày thứ hai, hai bên bày trận, đánh lớn. Tướng tiên phong Hoàng quận công xông vào trận giặc, chém đến 100 thủ cấp quân Mạc. Quyện thu quân về bãi Liệu, ông đốc quân đuổi theo, thách đánh. Quyện bày trận, hai bên giao phong. Quân Nam bày trận, tiến. Có một thuộc tướng buông ngựa, múa đao, xông vào tận giặc, chém tới hơn 100. Quân Mạc rút lui. Quyện túi bụi kêu to: "Mày, tướng tiên phong là người nào vậy, dám khinh ta". Quân Nam đáp: "Ta là con trai tướng quân, Nham lĩnh hầu. Bắc quân, tướng nào dám đấu cùng ta". Quyện nói với thuộc hạ rằng: "Người này mã đao điêu luyện, tướng môn, chúng mày ra trận, xuất tướng, cần đề phòng cẩn thận, nhất thiết không được xem thường! Tức thì, thu quân lên đường núi chuyển ra Hoa Vi thị đóng doanh.

Chi tướng Kỳ quận, Tây quận đem quân tuần phòng vùng Hòa Lương. Ông cũng thu quân về Thanh Thủy, đích thân đốc thúc việc canh gác ở các góc sông, đặt sào, đóng cọc triệt đường về của quân Mạc. Một dải dọc theo Nam Đường khống chế kín mít. Quân Quyện theo hai đường thủy bộ tiến vào ban đêm, nhưng không thể được. Càng quẫn, Quyện cùng thuộc tướng Bảng Trung quận bèn dẫn quân lẻn theo đường núi tập kích Võ Liệt.

Được tin, ông sai con là Nham lĩnh hầu - Kiên, em là Trung quận công - Chiêu, tiến cứu Võ Liệt. Mặt khác, em là Độc quận công - Văn cùng Trinh quận, Thế quận, Hội quận mai phục dọc xã Hoa Lâm. Ông thúc đại quân kế đến, các tướng được lệnh đang đêm tiến phát, bao vây mật phục. Từ quận Bình Ngô chuyển vào đường núi Hoàng Xá, Võ Liệt quanh tới bến Thanh Tào, thanh thế rất lớn. Thạch quận nghe tin dẫn quân theo hướng bờ sông Nam Đường (tức tả ngạn sông Lam) tránh lên đỉnh rú Nguộc hỏi: "Ngọn núi này tên gì. Sao nằm như thây giun đất?". Thuộc hạ thưa: "Đây là đất phát tích Tấn quốc công".

Còn tiếp…

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Hữu và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (Kỳ 1): Giai thoại về Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.