Đình Võ Liệt (Kỳ cuối): “Hẩm hiu” chốn di tích?

11/10/2021 09:30

Theo dõi trên

Trong hơi thở của nhịp sống hiện đại, văn hóa là đặc trưng, là riêng là duy nhất phác thảo bức tranh của thế giới quan thêm sinh động, hấp dẫn. Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) là đại diện tiêu biểu cho văn hóa đình làng tại Nghệ An. Chắt chiu, thấm đượm tinh thần tiền nhân đã để lại, Quán Hàng Tổng hun đúc những giá trị còn vương trên mái đình cổ kính, rêu phong.

1633882648462-20210920-162752-1633883195.jpg
Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) còn “may mắn” khi vẫn còn giữ được những giá trị cốt lõi của mình. Nhưng liệu sẽ giữ được bao lâu? Ảnh: Nguyễn Diệu

Khoảng lặng!

Đình làng là một thiết chế văn hóa vô cùng quan trọng thời phong kiến. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với sự phát triển của thời đại, các ngôi đình đang ngày càng bị lãng quên, đặc biệt là khi xuất hiện thêm nhiều thiết chế văn hóa mới như nhà truyền thống, nhà văn hóa...

Hiện nay, phong trào phục hồi các công trình văn hóa tâm linh ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với đó, một số ngôi đình cũng được phục dựng lại nhưng vì nhiều lý do như kinh phí, sự hiểu biết của người dân, sự thờ ơ của chính quyền địa phương... dẫn đến việc phục hồi không theo nguyên trạng, tạm bợ, chất liệu không phù hợp, thậm chí hiện đại hóa đình làng như dựng khung nhà bằng bê tông cốt thép, lát gạch men.... 

Có nhiều nơi đình còn bị sử dụng sai công năng như biến đình thành đền, thành nơi sinh hoạt của Phật giáo...Và dần dần tên gọi “đình” cũng biến mất, thay vào đó người ta gọi chệch đi theo công năng hiện tại mà quên mất giá trị vô giá của đình, đó là “hồn cốt”, là tinh túy của làng, của xã thời xưa. Và khi đến cả cái tên “đình”, “đình làng” cũng có nguy cơ bị mất, thì liệu giá trị truyền thống của nó có thể tồn tại và phát huy?

20210920-161123-1633884013.jpg
Quán Hàng Tổng của hiện tại đang rơi vào quên lãng, bị “ghẻ lạnh”? Ảnh: Nguyễn Diệu

Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) còn “may mắn” khi vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của mình. Nhưng liệu sẽ giữ được bao lâu?

Chỉ sợ rằng, rồi đây, những di tích như Đình Võ Liệt trở thành phế tích? Khi sự “hờ hững” của con người làm mai một đi những giá trị gắn kết từ xưa tới giờ với cư dân Võ Liệt, Thanh Chương nói chung và Nghệ An nói riêng. 

Đã từng là nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn tổng Võ Liệt, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931)…

Đình Võ Liệt không đơn thuần chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là di tích lịch sử cách mạng. Nhưng… quán Hàng Tổng của hiện tại đang rơi vào quên lãng, bị “ghẻ lạnh”. Nhiều người “xót” trước di sản vô giá mà cha ông đã để lại.

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Ghé đình Võ Liệt vào chiều muộn tháng 9, khi từng vệt nắng dần khuất dần sau lớp ngói âm dương xếp chồng lên nhau. Nom từ xa Đình uy nghi, lẫm liệt, bề thế và oai phong. 

Loay hoay tìm đường vào Đình, trước cổng là những hàng thép gai chằng chịt, tôi đoán là ngăn không cho trâu, bò “ghé thăm”?. Vô hình chung, đình giống như viện bảo tàng. Nếu như vậy, giá trị của đình được cha ông xây dựng tự mất, phải chăng cũng vì cung cách quản lý có vấn đề?

Hồ bán nguyệt trước đình buồn hiu hắt. Thành hồ không còn nguyên vẹn, những chi tiết bị bào mòn theo năm tháng, cỏ mọc um tùm, thiếu bàn tay săn sóc của con người?

1633882642747-20210920-162445-1633883485.jpg
Thành hồ bán nguyệt trước đình Võ Liệt không còn nguyên vẹn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trước cổng, sân đình bị sụt lún, gạch lát sân chỗ còn chỗ mất, chỗ còn thì không sao, chỗ mất thì cỏ “đua nhau” mọc, gây mất cảnh quan của một di tích. 

1633882640959-20210920-162357-1633883635.jpg
Gạch lát sân đình cạnh hồ bán nguyệt, chỗ còn, chỗ mấtt và có dấu hiệu sụt lún. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cổng đình, ngói âm dương không còn nguyên vẹn, chỉ trực đổ xuống. Những vết rạn nứt “lấm lem”, có lẽ như thế là cổ kính, là “bảo tồn” “vẹn nguyên” những giá trị của di tích Quốc gia?

20210920-161133-1633883920.jpg
Cổng đình xuất hiện những vết nứt ngang.... Ảnh: Nguyễn Diệu

Đường đi trong đình bị cỏ cây chen lấn. Những bồn hoa lớn được thiết kế, xây dựng với đủ hình khối, chẳng thấy hoa, thay vào đó chỉ toàn cỏ dại. 

20210920-162126-1633883801.jpg
Ngói âm dương cổng đình bị "sứt mẻ". Ảnh: Nguyễn Diệu

Có lẽ lâu lắm Đình Võ Liệt không “vinh dự” được ai ghé thăm? Không vậy mà cây gai leo rậm rạp che hết cả lối đi, mọc lên cả lan can đình. 

Trong tác phẩm “phát huy giá trị đình làng Nghệ An trong đời sống văn hóa hiện đại” của tác giả Ngô Thị Lâm (BQL di tích Nghệ An), thì việc bảo tồn, phát triển các giá trị của đình làng là một trong những nội dung quan trọng để phát huy các giá trị của văn hóa làng. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đang được tiến hành rầm rộ hiện nay, cần phải chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các không gian văn hóa làng, như cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng, điếm canh… 

Dù có một số không gian văn hóa làng không còn được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống mới, nhưng chúng cũng cần được bảo tồn như những biểu tượng, mang giá trị văn hóa làng, đặc biệt là giá trị cố kết cộng đồng. Đình làng cũng như vậy, cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị, mà trước hết là giá trị biểu tượng, sau đó là giá trị hữu dụng trong sinh hoạt văn hóa, giáo dục của làng.

20210926-004004-1633884347.jpg
Cỏ dại, cây gai leo rậm rạp che hết cả lối đi, mọc lên cả lan can đình. Ảnh: Nguyễn Diệu

Một công trình kiến trúc truyền thống không thể chỉ tồn tại trong sự bảo lưu thụ động. Nếu di sản văn hóa nào đó không được người đương thời quan tâm đến, mặc dù là sự quan tâm dưới góc độ bảo lưu thuần túy “như một di sản văn hóa của quá khứ”, nếu không có một sự liên hệ với đời sống thực tại, thì di sản đó thực sự đã bị “đóng băng”.

Đình Võ Liệt đang bị xuống cấp, mai một bởi sự thờ ơ, quên lãng của con người, đặc biệt là của chính quyền các cấp? Đừng để khi nhận ra thì nó đã trở nên hoang phế.

Việc trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa đình Võ Liệt có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định giá trị của di tích nhằm phục vụ công tác giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Công trình quốc gia có lịch sử lâu đời như Đình Võ Liệt cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành để lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, để đình không còn hoang vắng, hẩm hiu, cô quạnh và trở thành phế tích./.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đình Võ Liệt (Kỳ cuối): “Hẩm hiu” chốn di tích?" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.