Đền Hữu và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan: “Vạn cổ anh linh” (Kỳ cuối)

26/11/2021 14:32

Theo dõi trên

Mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, Đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) phác họa bức tranh kiến trúc thời Nguyễn. Đoái nhìn Đền Hữu, người đời còn ngưỡng vọng Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan cùng những đóng góp của ông về mảnh đất Hoa Lâm xưa!

20211019-110334-1637906540.jpg
Giá trị của đền Hữu lưu giữ bằng những hiện vật, nét chạm trổ tinh xảo, vi diệu và bí ẩn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Lưu giữ hồn cốt dân tộc

Vạn vật xoay vần, tôi tìm về đền Hữu vào một buổi chiều muộn. Từng cơn gió hanh hao khẽ chạm vào người, lâu lâu tôi lại rùng mình. Không phải vì lạnh, mà bởi cảnh vật nơi này, chỉ cần nhắm mắt là có thể tưởng tượng được…

Men theo dòng lịch sử, xã Thanh Yên (Thanh Chương) bây giờ đổi thay nhiều! Thắp ba cây hương tôi vái lạy Ngài và xin được ghi lại những hình ảnh và câu chuyện về một Tướng Quốc công đã ăn sâu vào nếp sống của bà con nơi đây!

20211030-141627-1637906738.jpg
Đến bây giờ, kiến trúc của đền Hữu vẫn vẹn nguyên những giá trị như thuở sơ khai. Ảnh: Nguyễn Diệu

Ẩn hiện sau lớp sương của ráng chiều, từng lớp gỗ cổ, quy mô lớn và kết cấu vững chãi, thấp đậm… của Đền Hữu dần dần lộ tỏ. Dù trải qua hàng trăm năm lịch sử, nhiều thử thách của chiến tranh, thiên tai... nhưng Đền Hữu vẫn hiên ngang, sừng sững và uy nghi. Và cho đến bây giờ, kiến trúc của đền vẫn vẹn nguyên những giá trị như thuở sơ khai. 

Với nét kiến trúc thời Nguyễn, nhiều hạng mục công trình: Tam quan, tường giác, nghi môn, Hạ điện, Trung điện hay Thượng điện đều vẫn trường tồn. Đặc biệt là tam quan tường giác, nghi môn và thượng điện được trang trí công phu, khoa học và có giá trị nghệ thuật cao. Như các bức tượng phù điêu voi, ngựa ở cổng tam quan, các mảng chạm phù điêu hình tượng "cá hoá rồng", "hổ phù"… ở nghi môn; hay "phượng hàm thư", "trúc hoá long", "lưỡng long triều nguyệt", "hổ phù"; tùng, trúc, cúc, mai ở Thượng điện.

Mang trên mình một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ nhiều giá trị với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, đền Hữu là nơi chốn để những ai có lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích.

20211019-104645-1637906882.jpg
Đền Hữu vẫn hiên ngang, sừng sững và uy nghi. Ảnh: Nguyễn Diệu

Là ngôi đền cổ với hàng trăm năm tuổi, giá trị của đền lưu giữ bằng những hiện vật, nét chạm trổ tinh xảo, vi diệu và bí ẩn. Và cũng là bằng chứng sinh động về trình độ thẩm mỹ và tài nghệ chạm khắc, phù điêu tạc tượng ở trình độ cao của các nghệ nhân dân gian lúc bấy giờ. Qua đó giúp hậu thế và giới nghiên cứu, chiêm nghiệm về phong cách kiến trúc cũng như các giá trị văn hoá truyền thống ở địa phương. 

Ẩn ngữ của trầm tích văn hóa

Tam quan tường giác của đền Hữu có quy mô lớn, xây cất công phu, được xây bằng gạch, vôi vữa. Trên mỗi đỉnh trụ được đắp trang trí một con nghê sinh động, có đầy đủ các bộ phận đầu, mình, chân, đuôi, ở tư thế đứng chầu. 

Nghi môn gồm có hai vì bằng gỗ liên kết với nhau tạo thành một gian hai hồi, mái rải rui bản và lợp ngói vảy, nền nhà được lát gạch đất nung; Khung sườn nhà được làm bằng gỗ lim, mít. 

20211019-104954-1637907143.jpg
Những nét chạm trổ tinh xảo, khoa học... Ảnh: Nguyễn Diệu

Trên xà chính diện của nghi môn (theo hướng đi từ ngoài vào) có khắc dòng chữ Hán, được phiên âm là: "Cư trọng vãng lai", tạm dịch là: Đi qua phải cúi chào. Trên các xà, câu đầu, kẻ, cốn, ván mê, bẩy... của nghi môn được chạm khắc trang trí rất công phu các đề tài "tứ linh", "tứ quý". 

Với nghệ thuật chạm phù điêu sắc sảo và bằng những đường chạm khi tỉ mỉ, khi khoáng đạt, lúc khoẻ khoắn, các nghệ nhân dân gian đã tạo tác trên nghi môn hình tượng sinh động và có thần. 

Cùng với đó, trên câu đầu bên trái của Hạ điện (tính từ ngoài vào) được phiên âm là: "Bính Ngọ niên tạo tác”; trên câu đầu bên phải, được phiên âm là: "Quý Thu nguyệt lạc thành". Căn cứ vào kiến trúc và qua lời kể của các cụ trong ban lễ nghi của đền Hữu thì toà Hạ điện được xây dựng vào năm 1906 dưới triều vua Thành Thái. 

20211019-105035-1637907272.jpg
Với nghệ thuật chạm phù điêu sắc sảo và bằng những đường chạm khi tỉ mỉ, khi khoáng đạt, lúc khoẻ khoắn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Hạ điện gồm có 6 vì liên kết lại, tạo thành 3 gian 2 hồi, mái rải rui bản và lợp ngói vảy, nền lát gạch đất, kết cấu vì kèo theo kiểu "giá chiêng kẻ chuyền". Ở hai vì cuối ở hai đầu có chạm phù điêu hình tượng tùng, trúc, cúc, mai (trên các ke) và hình tượng "hổ phù", "phượng hàm thư" (trên hai ván mê hai bên). 

Hiện trên hai ván mê ở hai vì cuối của Trung điện còn lưu lạc khoản bằng chữ Hán. Trên ván mê bên trái là: "Tự Đức tam thập nhất niên tuế tại Mậu Dần"; trên ván mê bên phải là: "Thu bát nguyệt khởi tạo, Đông nhất nhật lạc thành". Tạm dịch: Khởi dựng vào mùa Thu tháng 8 năm Mậu Dần triều Tự Đức thứ 31 (1878), đến mùa Đông tháng 11 năm đó hoàn thành. 

Trên bờ nóc Trung điện được đắp trang trí hình tượng "lưỡng long triều nguyệt" (Hai con rồng được thể hiện ở tư thế chầu mặt trăng). Tòa Thượng điện được trùng tu lớn vào mùa Hạ năm Thành Thái thứ 18 (1917), đến mùa đông năm đó hoàn thành. Mật độ các mảng chạm trên kiến trúc Thượng điện khá dày đặc. Hầu như trên khắp các xà, kẻ, cốn, ván mê, câu đầu, bẩy...  đều được các nghệ nhân dân gian xưa lợi tạo thành những mảng trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. 

20211019-110358-1637907368.jpg
Toà Thượng điện được tu sửa nhiều lần, lần tu sửa lớn nhất là vào năm Thành Thái thập bát niên (năm 1917). Ảnh: Nguyễn Diệu

Về long ngai bên trái (tính từ ngoài vào) có dòng chữ Hán: "Thánh đức bình bộ Thượng thư Thái phó Tấn quốc công lịch triều gia phong kim triều tiết phong sắc tặng chư tôn mị tự thuy khiêm cẩn thượng, thượng, thượng đẳng Đại vương tôn thần vị tiền" - đây là long ngai gốc của đền Hữu; Còn long ngai bên phải, có dòng chữ Hán được phiên âm là: "Thánh đức Tấn quốc tộ dân Hô liên Hồ Hùng thượng thượng thượng đẳng Đại vương tôn thần vị tiền" - đây là long ngai mới hợp tự từ đền Tả (nằm bên tả sông Gang). 

Nói vậy để biết, đền Hữu được khởi dựng từ thời Lê. Ban đầu chỉ có bốn hạng mục công trình là Thượng điện, nhà Trù, kho vàng, cồn voi ngựa. Cho đến thời Nguyễn đã dựng thêm Trung điện, Hạ điện, Nghi môn và Tam quan. 

Tất cả không chỉ là ẩn ngữ của trầm tích văn hóa mà còn qua đó ta có thể “giải mã” được những biến thiên của đất nước qua các thời kỳ lịch sử. 

Hiện đền Hữu chỉ còn Tam quan, Nghi môn, Hạ điện, Trung điện và Thượng điên. Trong đó, toà Thượng điện được tu sửa nhiều lần, lần tu sửa lớn nhất là vào năm Thành Thái thập bát niên (năm 1917).

20211019-110410-1637907466.jpg
Hậu thế và giới nghiên cứu, chiêm nghiệm về phong cách kiến trúc cũng như các giá trị văn hoá truyền thống ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền Hữu không chỉ là địa điểm hội họp, in ấn truyền đơn của chi bộ Đồng Sinh (năm 1930 - 1931), mà còn được sử dụng làm kho lưu giữ và trung chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. 

Nghệ An nói chung, Thanh Chương nói riêng, nơi đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, lưu giữ hồn cốt những giá trị lịch sử, văn hóa của người dân Việt Nam thời bấy giờ. Về đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) đắm mình trong dòng chảy thời gian, nhòe mắt trước khói hương nơi đây mới thấy được nét văn hóa trong lối kiến trúc thời bấy giờ bề thế đến nhường nào./.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Hữu và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan: “Vạn cổ anh linh” (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.