Lễ Cầu Đáo, nét đẹp văn hóa của nhân dân huyện Minh Hoá xưa

13/04/2022 16:40

Theo dõi trên

Theo tín ngưỡng của nhân dân nơi đây lễ hội Cầu Đáo (đảo) được tổ chức là để tri ân các vị thần đã cho mưa xuống để có nguồn nước giúp dân làng vượt qua hạn hán, gieo trồng đúng mùa vụ, có nguồn nước để sinh hoạt.

hoi-ram-thang-3-nam-2021-1649840849.jpg
Chương trình Ân tình Minh Hóa quê tôi. Ảnh: Internet 

Minh Hóa là huyện biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Bình. Đây là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, trong đó lễ hội Rằm Tháng Ba là một nét văn hóa rất đặc trưng.

Nhân dân huyện Minh Hóa có câu ca: “Chông (trông) mau cho đến tháng 3/ Kim Linh Cầu Đáo (đảo), Cơ Sa ăn rằm”.

Theo lịch sử, huyện Minh Hóa ngày xưa là vùng đất của hai nguyên (nguyên là đơn vị hành chính dành cho miền thượng ngang với cấp tổng ở vùng hạ lưu bấy giờ): Nguyên Cơ Sa và Nguyên Kim Linh thuộc Châu Bố Chính, sau này đổi thành Tổng Cơ Sa và Tổng Kim Linh.

Tổng Cơ Sa có 13 xã, thôn: Quy Đạt thôn, Quy Hợp thôn, Tân Kiều thôn, Tân Hợp thôn, Thanh Long thôn, Tân Sum thôn, Tân Xuân thôn, An (Yên) Đức thôn, Ba Nương (Nàng) thôn, Lâm Sum xã, Tân An thôn, Đa Năng thôn, Lương Năng thôn. Vùng Cơ Sa xã, nay là các xã Hồng Hóa, Yên Hóa, Xuân Hóa, Hóa Tiến, Hóa Hợp, Hóa Phúc và thị trấn Quy Đạt. Ở vùng Cơ Sa nhân dân có tín ngưỡng thờ Pụt (Bụt) và tổ chức lễ tế tại đây vào ngày Rằm Tháng Ba.

Tổng Kim Linh có 9 xã, thôn: Cổ Liêm thôn, Kim Bảng thôn, Ca Nheo thôn, Cát Đằng (Cát Đặng) sách, Lương Năng sách, An Thọ thôn, Tân Lý thôn, Lạc thiện thôn, Gia Ốc sách. Vùng Kim Linh xưa, nay là các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn. Tổng Kim Linh có lễ Cầu Đáo (đảo) vào ngày Rằm Tháng Ba.

Để chuẩn bị cho lễ này, ngày xưa chức sắc của tổng phải tổ chức họp hương lý của các làng trong nhiều ngày để phân công, công việc cụ thể cho từng làng và quan trọng nhất là tìm được người chủ tế cho từng năm. Người chủ tế phải là một người đức cao vọng trọng, uy tín trong cộng đồng dân cư, có gia đình sung túc.

dua-thuyen-tren-song-rao-nan-1649840849.jpg
Đua thuyền trên sông Rào Nan. Ảnh: Internet 

Lễ vật để chuẩn bị cho lễ Cầu Đáo (đảo) gồm có cau, trầu, hương, rượu và xôi gà. Các lễ này được cắt cử xoay vòng hàng năm cho các làng trong tổng.

Vào sáng sớm ngày Rằm Tháng Ba, chủ tế, chức sắc của tổng, của làng khăn áo chỉnh tề, lên thuyền đi qua dòng sông Nan ở làng Yên Thọ, sau đó vào một hang đá, bày lễ vật và làm lễ cầu, cúng.

Việc tổ chức nghi lễ Cầu Đáo (đảo) có ý nghĩa là mong trời cho mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an, ai cũng được làm ăn yên ổn, cuộc sống yên bình.

Sau tế lễ, các làng tổ chức hội đua thuyền. Hội đua thuyền hàng năm được nhân dân các làng trong tổng Kim Linh như Kim Bảng, Tân Lý, Lạc Thiện, Cổ Liêm, Yên Thọ… tổ chức rất sôi nổi. Để có thuyền đua tốt người dân các làng cử người vào rừng tìm những cây gỗ tốt nhất, chặt hạ đem về làm thuyền độc mộc để đua. Các lán trại được lập ở hai bên bờ sông để cho quan, khách và các chức sắc có chỗ ngồi xem đua bơi. Vào ngày lễ này, nhân dân từ già, trẻ, gái, trai đều tích cực tham gia đi xem và cổ vũ, động viên cho các đội của mình.

Theo cụ Cao Văn Minh cán bộ hưu trí ở thôn Tiền Phong xã Trung Hóa cho biết: lúc còn nhỏ cụ đã đi theo cha mẹ để xem lễ hội này. Vào dịp này hai bên bờ sông nơi tổ chức lễ hội không khí rất tấp nập và sôi nổi.

Theo tín ngưỡng của nhân dân nơi đây lễ hội Cầu Đáo (đảo) được tổ chức là để tri ân các vị thần đã cho mưa xuống để có nguồn nước giúp dân làng vượt qua hạn hán, gieo trồng đúng mùa vụ, có nguồn nước để sinh hoạt. Ngoài ra có ý nghĩa kết nối cộng đồng, là ngày hội chung vui của các làng, giúp cho nhân dân các làng gần gũi nhau hơn, đoàn kết để cùng chung sức xây dựng, phát triển của quê hương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, ông Trương Văn Minh - Chủ tịch UBND Minh Hóa cho biết: Lễ hội Cầu Đáo (đảo) là một nét đẹp không chỉ của nhân dân xã Minh Hóa, mà còn là của cả cộng đồng dân cư trong vùng nhưng rất tiếc đến nay đã không còn. Người dân và lãnh đạo địa phương rất trăn trở về việc này, bởi đây là lễ hội văn hóa tâm linh đã được truyền lại từ bao đời nhưng đã bị mai một. Chính quyền địa phương rất mong muốn các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, phục dựng lại lễ hội truyền thống để bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất này.

Hoàng Hạnh
Bạn đang đọc bài viết "Lễ Cầu Đáo, nét đẹp văn hóa của nhân dân huyện Minh Hoá xưa" tại chuyên mục Bản sắc vùng miền. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.