Bánh nhè là một thứ quà quê dân dã bình dị của xứ Thanh. Cho đến nay không ai biết bánh có tự bao giờ và vì sao lại có tên gọi độc đáo như vậy. Chỉ biết rằng, thứ quà thơm ngọt ấy là sự kết tinh của những sản phẩm sẵn có tại vùng quê ruộng đồng, sông nước.
Nguyên liệu để làm bánh nhè là bột nếp xay mịn, nhân của bánh được làm bằng đậu xanh, và dừa xắt mỏng. Sau khi nhào bột với nước cho vừa rồi nặn bánh thành hình tròn, nhỏ hơn quả trứng gà và đặt ra mâm hoặc đĩa.
Việc luộc bánh nhè rất đơn giản, song yêu cầu người luộc phải biết pha chế tỷ lệ nước và mật mía sao cho phù hợp. Thường là nước chỉ chiếm một phần nhỏ còn lại là mật mía. Mật mía càng thơm, đậm đà thì bánh nhè sẽ càng ngon, ngọt. Bởi thế, người làm bánh phải cận thận, cầu kỳ trong cách chọn mật mía.
Sau khi hỗn hợp nước và mật mía đã sôi thì thả bánh vào, cho thêm ít gừng thái sợi. Đợi chừng vài phút, bánh nổi lên, lúc này là bánh đã chín, múc vào bát hoặc cốc là có thể ăn được.
Khi thưởng thức bánh nhè, người ăn thường dùng thìa chia nhỏ chiếc bánh ra để nhân đậu xanh có thể hòa quyện cùng nước mật mía sền sệt, ngọt thanh. Lớp vỏ bánh dẻo, mịn, phần nhân bùi bùi, hương gừng thoang thoảng, mật mía thơm ngọt khiến người ăn không khỏi xuýt xoa.
Với các nguyên liệu có sẵn, dễ làm ai cũng có thể tự làm bánh nhè. Hoặc bánh nhè được bởi các bà, các cô gánh hàng rong trên các tuyến phố. Tuy nhiên, người ăn có thể tìm đến chợ Vườn Hoa ở đường Lê Thị Hoa, phường Lam Sơn nằm ngay trung tâm thành phố Thanh để thưởng thức trọn vị bánh nhè quê Thanh.