Hoài niệm về sông quê

22/09/2022 14:24

Theo dõi trên

Đã có nhiều bài viết chan chứa cảm xúc về con sông quê hương, dòng sông yêu thương mà lũ chúng tôi - những kẻ xa quê, mỗi lần hẹn gặp lại vẫn thường dành cho sông những chút vui buồn, kỷ niệm của một thời rất xa. Nay con sông ấy vẫn cần mẫn thao thiết chảy vào nỗi nhớ khôn nguôi. Và mỗi lần nhắc lại tôi thấy bồi hồi da diết…

song-que-2523456-1663831378.jpg
Một khúc sông Nghèn thơ mộng. Ảnh minh họa

Một khúc sông êm đềm, lặng lẽ. Một sắc màu dòng nước lung linh soi bóng mây trời. Ngày xưa, sông Nghèn hiền hòa đẹp đến mê đắm lòng người như sinh ra từ cổ tích. Sông mộng mơ và lãng mạn biết nhường nào. Sông Nghèn là một phân lưu của sông Lam, có chiều dài khoảng 70km. Hành trình của sông Nghèn bắt nguồn từ địa phận xã Trung Lương, Hồng Lĩnh, chảy quanh co, uốn lượn theo hướng Đông Nam qua huyện Đức Thọ, Thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Lộc Hà và hợp nhất với sông Hạ Vàng ở huyện Thạch Hà chảy xuôi theo hướng Đông Bắc rồi đổ ra biển tại cửa Sót - huyện Kỳ Anh. Hành trình không thay đổi suốt ngàn năm đó đã minh chứng sức bền bỉ, không khuất phục trước thời gian của bão tố, phong ba. Sông chở nặng phù sa tạo cho đất đai màu mỡ, để cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, mọi người no ấm. Câu chuyện về sông quê của những kẻ xa xứ như chúng tôi kể mãi cũng không có hồi kết.

Chuyện nọ xọ chuyện kia, có lúc rơi vào im lặng. Rồi ai đó thầm thì: Sông Nghèn là “dòng sông ký ức” của chúng mình à? Là thật vậy. Đó là nơi luôn dạt dào hoài niệm. Dòng sông xanh hiền hòa ấy cũng có lúc trỗi mình giận dỗi mỗi khi mùa lũ về. Nhưng lắng sâu ký ức vẫn dáng lụa mềm mại như thiếu nữ đương thì. Thực lòng mà nói, cho đến bây giờ, con sông thân thuộc ngày đó tôi chỉ biết tên là sông Nghèn. Với dòng sông tuổi thơ mang nhiều kỷ niệm của một thời đã xa. Thời đó, thường vào những buổi trưa, nhất là những trưa hè oi ả, bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng mình trần trùng trục, trai có, gái có, tụ tập đến bến tắm tổ chức đủ các trò chơi như: nhảy dây, đánh khăng, bắn bi, chơi ô ăn quan, ném con quay, trốn tìm... Một lũ nhóc cứ tranh cãi nhau, hò hét làm náo động cả giấc ngủ trưa. Chơi chán lại cởi tuột hết quần áo nhảy tùm xuống sông bơi lội cho thoả thích. Lũ trẻ con chúng tôi hồi đó vô tư lắm, hồn nhiên lắm, không phải như trẻ con thời bây giờ… 

Nghe nói bến tắm sông Nghèn cũng rất thiêng. Hàng năm vào dịp rằm tháng 7 xuất hiện những dòng xoáy thất thường hay có người đuối nước. Các cụ trong làng truyền miệng là: “Hà Bá nổi giận…”. Thỉnh thoảng vào những đêm trăng thanh gió mát, vài người trong làng nửa đêm đi tháo nước ruộng tình cờ bắt gặp những hình ảnh như ma chơi tóc xõa ngang vai đứng nhìn trăng... Và nhiều chuyện ma mị khác nữa lưu truyền trong tâm tưởng lũ trẻ chúng tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác... Đó là những câu chuyện chỉ nghe người lớn kể lại chứ tôi chưa thấy tận mắt bao giờ. Nhiều chuyện do bố tôi kể lại rất hoang đường, khó tin. Tôi nghe rồi để bụng. Ở tuổi hồn nhiên trong sáng, chúng tôi không tin trên thế gian này lại có thánh thần ma quỉ, mà nếu có cũng chẳng sao, bởi lũ học trò chúng tôi đang tuổi hiếu động, ai nỡ bắt phạt làm gì. Vì vậy, mặc cho người lớn cấm đoán, đem chuyện ma quỷ ra hù dọa, lũ trẻ chúng tôi vẫn cứ tụ hội chơi đùa thoả thích mỗi khi có dịp, nhất là trong những ngày hè trời nóng như ngô rang. Chơi chán, chúng tôi lại nhảy tùm xuống sông tha hồ bơi lội, lặn ngụp giữa làn nước trong xanh, mát mẻ của sông quê. Có đứa còn táo bạo dám bám vào gốc cây bần, trèo lên thật cao nhảy tùm xuống nước, cười đắc chí… Tuổi trẻ chúng tôi hồn nhiên là vậy!

Thời gian cứ thế trôi dần theo năm tháng... Rồi một hôm, gần hết kỳ nghỉ hè, lũ chúng tôi đứa nào cũng mình trần như nhộng đang bơi lội, lặn ngụp sau cuộc chơi đùa thỏa thích. Bỗng bạn Tuấn thảng thốt hét to lên: “Con Hoa bị nước cuốn ra xa rồi chúng mày ơi… mau mau cứu lấy nó…!”. Tôi giật thót mình quay lại thấy Hoa đang chới với giữa dòng nước, cách chỗ tôi độ năm sải tay. Trong lúc các bạn cứ đứng nhìn ngơ ngác, tôi kéo tay Tuấn rồi hai đứa vội lao theo dòng nước đến gần chỗ Hoa. Cô bạn gái cố bám riết lấy tôi trong cơn sợ hãi. Tôi bình tĩnh dùng hết sức lực của mình vừa bơi vừa đẩy Hoa vào bãi cát gần nhất. Qua cơn hoảng hốt, chúng tôi chợt nhìn nhau và nhận ra hai đứa vẫn mình trần truồng như nhộng. Hoa bỗng ngơ ngác nhìn tôi một thoáng rồi chạy đến bờ rào mặc quần áo vội vàng. Cô gái ngồi úp mặt xuống bãi cát, thỉnh thoảng ngước nhìn bạn bè đang nô đùa trên dòng nước. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó tôi và Tuấn không khỏi buồn cười lẫn chút bâng khuâng. Từ đó, tâm hồn trẻ thơ trong trẻo của Hoa bỗng dưng thay đổi đột ngột. Hoa không bao giờ tắm sông cùng với bọn con trai và ít tụ họp chơi bời hơn trước. Với tôi, Hoa thường hay bẽn lẽn, dè dặt, né tránh. Được thể, nhóm bạn cùng lớp bạo mồm ghép đôi tôi với Hoa khiến bạn ấy càng thêm lúng túng mỗi khi gặp nhau. Tất cả… giờ chỉ còn là kỷ niệm.  

Những ngày hè cuối cùng cũng trôi qua rất nhanh, lũ trẻ con hay đùa hay nghịch buộc phải chia xa để bước vào năm học mới. Khoảng vài ba năm sau, cuộc chiến tranh chống Mỹ đến thời kỳ ác liệt, quê tôi bị bom đạn tàn phá nặng nề. Thế là bạn bè cùng quê mỗi đứa một phương trời... Chưa học xong lớp 9 thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Niềm vui tràn ngập khắp các làng quê. Mặc dù Tổ quốc thống nhất, nhưng chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước vẫn diễn ra. Nhiều đứa bạn bè tạm biệt mái trường lên đường nhập ngũ. Một số bạn ở lại học hết chương trình, sau đó trúng tuyển vào đại học, Cao đẳng và trung cấp nghề.

Sau nhiều năm đi xa, chúng tôi về thăm quê. Bộ mặt làng tôi ngày nay đã thay đổi hoàn toàn. Việc đô thị hoá nông thôn đã biến làng tôi, ngôi làng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành thành một thị trấn lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt bởi âm thanh của chốn thị thành. Văn minh hiện đại ngày càng len lỏi đến tận ngõ xóm làm thay đổi bộ mặt nông thôn vốn nghèo nàn lạc hậu trong suốt chiều dài lịch sử. Giờ đây, khu sinh thái Bắc sông Nghèn mọc lên sầm uất, gọi mời du khách đến thưởng thức những món đặc sản quê hương…  

d-hoa-25346-1663831454.jpg
Para Đò Điệm - Công trình ngọt hóa sông Nghèn

Trở lại sông Nghèn mùa hè năm nay, tôi và bạn bè thật sự ngỡ ngàng khi đến tham quan Công trình Para Đò Điệm. Các anh cán bộ kỹ sư làm việc tại đây say sưa kể về những ngày tháng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Công trình Para Đò Điệm là một trong những công trình ngăn mặn giữ ngọt đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng công nghệ mới thi công giữa lòng sông sâu. Nhờ đó, nước ngọt sông Nghèn đã tưới mát cho gần chục nghìn ha lúa và đất nông nghiệp vốn nhiễm mặn, khô hạn ngàn đời nay của nhân dân các huyện Can Lộc, Lộc Hà và Thạch Hà. Từ hạ nguồn Para Đò Điệm, chúng tôi du thuyền ngược lên miền thượng nguồn sông Nghèn. Ngồi trên thuyền ngắm nhìn đôi bờ phù sa trải dài tít tắp một màu xanh no ấm. Trời mùa hè, du thuyền trên dòng sông Nghèn mát rượi, chúng tôi nhớ lại cách đây chừng mấy năm về trước, vùng đất này chỉ là những bãi đất khô cằn, xơ xác, nước mặn xâm thực, cộng với sự khắc nghiệt của thời tiết đã biến cả một vùng đất rộng lớn gần như bị hoang mạc. Thiếu nước ngọt nên sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nuôi trồng thuỷ hải sản kém hiệu quả… vì thế, cuộc sống của người dân hai bên bờ hạ lưu sông Nghèn vô cùng vất vả, thiếu thốn. Thế nhưng, hôm nay công trình “Ngọt hoá sông Nghèn” đã đem đến cho người dân niềm vui vô bờ bến. Nước ngọt sông Nghèn tưới cho gần chục ngàn ha lúa, màu và đất nông nghiệp, chắc chắn sẽ góp phần to lớn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo cho nhân dân. Công trình Para Đò Điệm “Ngọt hoá sông Nghèn” là niềm mơ ước từ bao đời nay của nhân dân địa phương.

Trong một buổi chiều, sau khi họp lớp xong tôi quay sang gặp Hoa. Bạn không còn trẻ cũng chưa thể gọi là già, nhưng có nét mặt thanh tú, nhân hậu, vẫn là cô gái tự tin, nhiều cá tính như thời tuổi nhỏ nhưng lịch lãm hơn, sâu sắc hơn, đằm thắm hơn. Mọi người vui vẻ chào hỏi nhau, Hoa bỗng ngắt lời tôi bằng giọng cười trong trẻo, đưa tay phủ mặt, nhìn tôi qua kẽ tay, một thói quen ngày xưa, giờ đây Hoa vẫn giữ. Tôi rủ Hoa đến bến sông xưa nhìn về quá khứ. Bỗng nhiên Hoa quay sang áp mặt vào vai tôi. Từ Hoa, tỏa ra một hơi ấm nồng nàn, những giọt nước mắt nóng hổi hoài niệm về một dòng sông thời đã xa. Cảm xúc đó đã tạo nên những vần thơ cháy mãi tâm hồn tôi trong một chiều vàng rực rỡ: “Một chiều thăm bến sông quê/ Bờ cây năm cũ vọng về tuổi thơ/ Thương ai chín đợi mười chờ/ Đêm nghiêng tiếng võng... ru hờ ngày xưa”.

Nguyễn Duy Hiếu
Bạn đang đọc bài viết "Hoài niệm về sông quê" tại chuyên mục Bản sắc vùng miền. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.