Về miền du lịch tâm linh

19/09/2022 09:19

Theo dõi trên

Chúng ta quen với Cửa Lò (Nghệ An) bởi bờ cát trắng phau, nhấp nhô dải sóng biếc, hay những nụ cười nồng hậu của ngư dân quanh năm nếm cái mặn mòi của biển... Nhưng, có một Cửa Lò rất khác, phải bóc bao lần lá, ẩn sau tiếng rì rào của biển cả là miền văn hóa tâm linh. Những tưởng lạc vào đó, người lữ khách sẽ có cảm tưởng như mình đang sống ở xã hội nhiều thế kỷ trước.

Tâm thế bắt đầu một sự trải nghiệm

Trong bức tranh du lịch đầy màu sắc, Cửa Lò nổi lên như viên ngọc xanh của biển cả... Không ngẫu nhiên thị xã biển Cửa Lò được xướng tên trên bản đồ du lịch Việt Nam. 

Ngoài việc phục vụ ăn uống, vui chơi, giải trí với những sự kiện liên quan đến tắm biển, du lịch... Cửa Lò đang khoác lên mình chiếc áo mới khi tài tình vận dụng, lồng ghép du lịch tâm linh, du lịch làng nghề bằng vốn tự có. Du khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi về với Cửa Lò, không đơn thuần chỉ là nghỉ dưỡng, mà đó còn là tâm thế để bắt đầu một sự trải nghiệm. 

cua-lo-a1-1645973867-1648475611-1663510798.jpg
Cửa Lò - viên ngọc xanh của biển cả... Ảnh: Nguyễn Diệu

Cửa Lò hôm nay mang sắc vóc, diện mạo của một đô thị biển năng động, sầm uất, với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhiều nhà nghỉ, khách sạn, có thể phục vụ cho trên 3 vạn du khách nghỉ, lưu trú mỗi ngày. Nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp đã đưa vào khai thác như: thiên đường nghỉ dưỡng VinPearl Cửa Hội, khu du lịch sinh thái đảo Lan Châu, Đảo Ngư, sân golf 18 lỗ...

Tương lai không xa, Cửa Lò sẽ có tuyến cáp treo vượt biển nối đất liền với Đảo Ngư - một điểm du lịch sinh thái, tâm linh đặc biệt giữa biển khơi. Và cũng là điểm kết nối thuận lợi với các điểm du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước. Thông qua con đường chiến lược ven biển mà cầu Cửa Hội nối đôi bờ Sông Lam là điểm nhấn. 

20220408-213100-1649429025-1663513907.jpg
Khai mạc lễ hội du lịch Cửa Lò 2022. Ảnh: Nguyễn Diệu

“Tập quên” những ồn ào, náo nhiệt, những vất vả... du khách về miền biển Cửa Lò không chỉ để tận hưởng trọn vẹn những ưu ái của thiên nhiên, đất trời hay những tiện nghi, xa hoa của một kỳ nghỉ mát. Họ tìm đến đây để nghỉ ngơi trong cái cảm giác thư thái nơi miền đất hiền hòa và có phần chân chất. 

Bãi biển nơi đây đón chào du khách không chỉ bằng dải cát dài phẳng lặng, hay những rặng phi lao rì rào trong gió, tiếng sóng vỗ bờ không nghỉ ngày đêm, mà còn bằng vẻ đẹp tráng lệ của thời khắc “rạng đông”, “chạng vạng”. Có lẽ, đây là những khoảnh khắc, và cũng là ấn tượng khó phai mờ trong ký ức của những ai đã từng một lần chứng kiến. 

Phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa

Du lịch tâm linh và du lịch văn hóa đang là xu thế phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và Cửa Lò, Nghệ An nói riêng. Sự phát triển của loại hình du lịch này không những mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho du khách thập phương. 

Trong những năm qua, với lợi thế về địa lý - lịch sử - văn hóa, Cửa Lò đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế về nghỉ dưỡng, tham quan, tìm hiểu những giá trị “ẩn tàng” giữa dòng di tích, văn hóa miền sông nước. 

z3732226953167-1516c6a4bae4f5911957875ba9eaa84e-1663514018.jpg
Du lịch tâm linh và du lịch văn hóa đang là xu thế phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và Cửa Lò, Nghệ An nói riêng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Điểm mới trong du lịch Cửa Lò mấy năm trở lại đây là sự lồng ghép du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề cùng với những cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Cửa Lò. 

Nẻo về phường Nghi Tân là nẻo về tất thảy giá trị xưa cũ, đượm hơi thở của thời đại. Du khách về với đền Vạn Lộc sẽ được nghe những câu chuyện về người “khai ấp lập làng, mang gươm đi mở cõi” - Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (1444 - 1506), con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Đền Vạn Lộc có vị trí rất đẹp, trước mặt đền là dòng sông Cấm êm đềm, sau lưng là núi Lò, bên phải có núi Rồng, bên trái có núi Tượng Sơn tạo thế "rồng chầu, hổ phục". Đền được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991.

z3732227039988-a7fb5fa23b3adf738535faccb61345e0-1663514150.jpg
Đền Vạn Lộc (Phường Nghi Tân) thờ Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi - con trai trưởng Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đặc biệt, về Cửa Lò, du khách dù chỉ một lần nên ghé thăm đền Làng Hiếu (Phường Nghi Hải) với lịch sử hơn 300 năm hình thành. Đây là nơi thờ phụng thần ngư với 85 ngôi mộ cá ông cùng nhiều giai thoại, truyền thuyết (Cá Ông - nhân vật tín ngưỡng linh thiêng mang bản sắc riêng của vùng biển). Ngoài ra đền còn thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn và Đức Phật. Đền Làng Hiếu được xem là ngôi đền thờ nhiều cá voi nhất Nghệ An.

z3732226969599-bb141567b7a123f93c1053649a5c18d0-1663514470.jpg
Đền Làng Hiếu (Phường Nghi Hải) với lịch sử hàng trăm năm...
z3732226981588-e070638bd578d8d4d5fa3630647cfb4d-1663514707.jpg
Cùng nhiều giai thoại, truyền thuyết về cá Ông. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tiếp đó, du khách không thể không đến đền Mai Bảng. Đây là nơi chốn để những ai có lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích. Là ngôi đền cổ với hàng trăm năm tuổi, giá trị của đền lưu giữ bằng những hiện vật, nét chạm trổ tinh xảo, vi diệu và bí ẩn. Đây là nơi thờ Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi, Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thủy tinh phu nhân cùng 6 vị khai cơ lập làng. Đền vừa có giá trị lịch sử, vừa mang nét kiến trúc đặc sắc, lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, đặc biệt có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng sông nước Cửa Lò. Đền còn lưu giữ 138 hiện vật, trong đó có 75 hiện vật cổ: sắc phong, biển, kiệu, câu đối, đại tự, long ngai bài vị, hương án, bát bửu bàn thờ…

z3732227059662-463ea04b164986f5301c0a706d28419a-1663514414.jpg
Đền Mai Bảng tại phường Nghi Thủy...
z3732226977897-c2bb4cb2816b43a9f2445e5ffa8e6635-1663514434.jpg
... là ngôi đền cổ với hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Nguyễn Diệu

Và không quên ghé làng nghề nước mắm Hải Giang 1 (Phường Nghi Hải) để biết “những giọt mặn” được “chắt chiu” qua bao “ngày phơi nắng, tối giăng sương” như thế nào. Nghề làm nước mắm ở đây đã có lâu đời, từ khi cha ông đến khai hoang lập ấp gắn bó với biển cả. Nước mắm Hải Giang 1 là một trong những thương hiệu nước mắm có tiếng ở trong vùng. Tháng 1 năm 2021, sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, là sản phẩm tiêu biểu nông nghiệp nông thôn Bắc Trung Bộ năm 2018, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Nghệ An từ 2014 đến nay.

z3732226949209-22f7f0d850c34801004a7d55913146d7-1663515019.jpg
Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 (Phường Nghi Hải), một trong những nét mới của du lịch Cửa Lò (du lịch làng nghề). Ảnh: Nguyễn Diệu

Du lịch tâm linh, du lịch làng nghề là thước đo quan trọng về sự giàu có, bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Đó cũng là nguồn tài nguyên, là sản nghiệp văn hóa quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế. 

z3732231484027-f76dca15ab8b6e841f4e97bb8512312b-1663515341.jpg
z3732231466942-1b91674b46648d6f3b44c526e8dd19e6-1663515362.jpg
Cá thu nướng - Đặc sản biểu trưng cho văn hóa miền biển Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Diệu

Phát triển du lịch di tâm linh, du lịch văn hóa (trong đó có các làng nghề) sẽ góp phần tạo ra thu nhập, việc làm, vừa tạo ra động cơ và nguồn lực để bảo tồn và phát huy những giá di tích lịch sử, nét nét văn hóa mỗi vùng miền. Giúp tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, góp phần tạo nên thái độ ứng xử phù hợp giữa người dân, du khách với di tích, làng nghề... đó; Đồng thời góp phần tạo nguồn thu để quay trở lại tái đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và quản lý những "di sản" ấy!

Với những gì thiên nhiên ban tặng cho Cửa Lò, sự nồng hậu, đon đả, trìu mến... của người dân nơi đây sẽ là “đặc sản” để níu du khách và cho phép họ “hoài niệm” sau khi đã từng dừng chân tại thị xã biển xinh đẹp này!.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Về miền du lịch tâm linh" tại chuyên mục Bản sắc vùng miền. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.