QC

Tiếng hát mồ côi - Niềm mong mỏi về một gia đình yên vui

15/07/2022 11:43

Theo dõi trên

Kho tàng ca dao, dân ca của cộng đồng người Mông có một phần khá nhiều dành cho những phận đời mô côi. Đó thường là lơi than thân trách phần của những trai nghèo, cha mẹ mất sớm. Phận côi cút không ai bảo ban nên vụng về khi ăn nói, lúc ứng xử.

tieng-hat-mo-coi-1-1657813517.JPG
Trai gái người Mông ở Nghệ An ném pao giao duyên

Đôi khi những khúc hát mồ côi như thế vẫn vang lên ở những phiên chợ truyền thống hay một cuộc giao duyên của trai gái ở những bản người Mông. Lúc đó lời hát mang ý nghĩa khiêm tốn của người trai đối với bạn tâm tình. Rằng tôi nghèo khổ, côi cút nên cần người phụ nữ về sớm hôm cùng xây đắp gia đình cho có cặp có đôi. Rằng tôi vụng về vì thiếu người bảo ban nên cần người cùng chung trong bước đường đời. Lúc đó lời hát không còn mang ý nghĩa than trách, mà để tôn vinh vai trò của người phụ nữ, người sẽ làm vợ, làm mẹ.

Đến lúc này thì cảnh côi cút cũng chỉ còn là cái cớ để đẩy đưa cho cuộc giao duyên. 

Còn người Thái có thể nói chiếm trọn kho tàng ca dao dân gian của cộng đồng này là những bản tình ca và lời ngợi ca quê hương mường bản. Chính vì thế mà người viết không khỏi cảm thấy thích thú khi tìm được một trong số rất ít ỏi những bài ca dao dân gian về cảnh mồ côi. Bài ca được sưu tầm bửi nhà nghiên cứu Quán Vi Miên, Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 1997.

Theo tìm hiểu của người viết thì bà dân ca tạm gọi là Tiếng hát mồ côi phổ biến ở khu vực huyện Quỳ Châu, Quế Phong, tỉnh Nghệ An vì ngữ âm vùng miền trong tác phẩm là của khu vực này. Lời hát tạm dịch như sau: 

Sợ ngã cầu thang, ngã nhà què cẳng 

Biết theo bạn đi khắp bản 

Chỉ sợ trâu 

Biết nghịch đất, nghịch cát 

Sợ trôi nước 

Biết chơi bóng cây 

Sợ hổ gấu 

Người ta nuôi con có ông bà thăm hỏi 

Người ta nuôi trâu có cha mẹ trông chờ 

Thương những ai mồ côi phải tự lo việc cửa nhà lắm thay

Trên thực tế, những bài ca dao thường được hát (dân ca) trong những cảnh huống khác nhau. Chính vì thế mà ý nghĩa của nó cũng có những thay đổi nhất định. Đồi với trường hợp bài hát này cũng vậy. 

Trước hết bài ca là những tâm tình của nghệ sỹ dân gian trước một thực tế xã hội. Những đứa trẻ mồ côi đang dần lớn lên mà không có săm sóc của mẹ cha. Nhất là khi thiếu vắng người mẹ. Chúng đối mặt với tai nạn vẫn thấy ở bản mường đó là ngã nhà, ngã cầu thang. Nếu không được coi sóc cẩn thận, bất cứ đứa trẻ nào ở nhà sàn đều có thể gặp phải. Đó là thuở chúng mới lên hai, lên ba đang học đi, học đứng. 

Lớn thêm chút nữa, khi biết theo bạn đi chơi thì một đứa trẻ có thể bị trâu húc. Những tai nạn này từng khá phổ biến khi bản làng còn thả rông gia súc. Cộng đồng người Thái thường sinh sống bên sông suối, cạnh bìa rừng và nỗi lo đuối nước, thú dữ luôn thường trực. 

Đến ba câu cuối của bài ca thì người ta mới vỡ lẽ, rằng: Người ta nuôi con còn có ông bà thăm hỏi, nuôi trâu còn cha mẹ trông giúp. Những người mồ côi thì quả thật vất vả khi phải tự tay lo liệu lấy cuộc sống. Họ vừa phải mưu sinh vừa chăm sóc con cái thì quả thực vất vả. Lúc này, người nghe nhận ra niềm thương cảm của người hát đối với những phận đời mồ côi trong cộng đồng. 

Thế nhưng đó cũng có thể là tiếng hát bày tỏ nỗi lòng của những người mồ côi. Họ đang nói về chính cuộc đời họ trong một cuộc giao duyên. Trên thực tế, có nhiều người khi mất đi vợ hoặc chồng vẫn thường kiếm tìm một mối lương duyên mới. Họ tìm đến những người cùng cảnh ngộ hoặc hoàn cảnh gần giống mình để xây dựng lại cuộc sống gia đình. Và những lời hát “thật thà” ấy nhiều khi lại có sức lay động nhân tâm. Đó là niềm mong mỏi về một gia đình trọn vẹn, có đủ mẹ, cha và những đứa trẻ không còn cảnh côi cút nữa.

Một ý nghĩa khác của bài ca khi nó được hát lên mà người nghe có thể tìm thấy là nó nói lên vai trò quan trọng của một gia đình đầy đủ. Nó khuyên người ta hãy biết trân trọng sự trọn vẹn của một gia đình. Không vì lý do nào đó mà đánh mất sự yên vui hạnh phúc. Khi một gia đình ly tán, vợ chồng chia lìa vì mâu thuẫn thì chính những đứa trẻ sẽ thiệt thòi nhất. Chúng sẽ đối mặt với những tai ách trong cuộc sống như ngã nhà, rơi cầu thang, đuối nước, hổ gấu… 

Một bài ca dung dị vậy thì mà xem ra khá đa nghĩa. Nó tùy thuộc vài cảnh huống khi người ta hát lên và cả tâm thế của người nghe. Người ta có thể tìm thấy câu chuyện của mình, của người, của cộng đồng ở đó.

Hữu Vi
Bạn đang đọc bài viết "Tiếng hát mồ côi - Niềm mong mỏi về một gia đình yên vui" tại chuyên mục Bản sắc vùng miền. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.