Theo bà con dân tộc Thái ở bản Chăm, xã Phú Nghiêm cho biết, đã từ lâu, người dân trong bản có thói quen vào thung lũng Piềng Cú để lấy măng về muối. Trong mỗi bữa ăn, hay lúc bản làng có việc, trên mâm cơm lúc nào cũng có hũ măng chua.
Mong muốn nâng tầm món ăn dân giã tại bản làng, tháng 8/2021, 8 hộ gia đình sản xuất măng chua có quy mô tại bản Chăm, xã Phú Nghiêm đã liên kết, thành lập tổ hợp tác sản xuất măng chua Tân Thành và gọi tên là măng chua Piềng Cú.
Tên gọi Piềng Cú được đặt theo thung lũng Piềng Cú - nơi mà người dân ở đây thường đi thu hái măng rừng. Măng hái ở Piềng Cú không chỉ sạch mà còn ngọt, giòn. Bởi theo người dân nơi đây, Piềng Cú là thung lũng có luồng, tre, nứa mọc nhiều, cách xa khu dân cư, không khí quanh năm trong lành.
Theo kinh nghiệm của người dân trong bản, măng dịp chính vụ bắt đầu từ tháng 6 năm trước đến tận mùa xuân năm sau. Đây là thời điểm núi rừng đủ độ ẩm, măng sẽ ngon, ngọt. Sau khi măng được hái sẽ được bóc vỏ, rửa sạch, để ráo nước, xắt và ngâm với nước muối khoảng 6 - 8 tiếng đồng hồ.
Việc ngâm nước muối sẽ khử được mùi hăng của măng. Măng đã thái để ráo nước, bỏ vào thùng sạch, đổ ngập nước sôi để nguội với muối, nén chặt.
Măng được muối, sau 1 tháng có thể lấy ra dùng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người phụ nữ muối măng ở bản Chăm thì để măng thơm, đậm vị, thời gian ủ phải từ 6 tháng đến 1 năm. Trung bình 1 mùa, các hộ thành viên trong tổ hợp cung ứng cho thị trường khoảng 20 tấn măng chua, doanh thu khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 260 triệu đồng.