Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Với lịch sử hàng trăm năm, nơi đây không chỉ là một địa điểm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao mà còn là nơi gìn giữ và phát triển văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được thành lập từ thế kỷ 17 và đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển. Ban đầu, nghề chạm bạc tại Đồng Xâm chủ yếu phục vụ các nhu cầu trong nước, nhưng dần dần đã mở rộng ra thị trường quốc tế nhờ vào chất lượng và tính nghệ thuật cao của các sản phẩm.
Đồng Xâm từ lâu nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những món hàng chạm bạc độc đáo. Sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Bỉ, Ý… Hàng chạm bạc của Đồng Xâm khác hẳn và nổi trội hơn so với hàng bạc của các địa phương khác ở kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm; ở cách bố cục trang trí tinh vi mà cân đối, nổi rõ chủ đề chính; ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ biết tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.
Đặc trưng của sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm chính là ở sự điêu luyện, tinh tế và hoàn hảo trong từng chi tiết trên sản phẩm. Ngoài ra, tài năng và tính cẩn trọng của những nghệ nhân chạm bạc nơi đây đã và đang có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật. Trong quá trình tồn tại và phát triển, không ít làng nghề đã bị “khai tử” và mai một, nhiều làng nghề “chủ lực” đang “loay hoay” tìm lối đi để thích nghi với những thách thức của cơ chế thị trường thì làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. Điều này được minh chứng bằng việc làng nghề đã tồn tại được gần 400 năm, làng có tới 5 nghệ nhân ưu tú được vinh danh, là một trong những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của vùng châu thổ sông Hồng và là làng nghề tiêu biểu nhất trong 241 làng nghề được UBND tỉnh Thái Bình cấp Bằng công nhận.
Những người thợ chạm bạc Đồng Xâm đã biết tận dụng ưu thế sẵn có, mạnh dạn chuyển từ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu (khi thị trường đóng cửa) sang sản xuất những mặt hàng tiêu thụ nội địa: hàng phục vụ cho đạo Phật (hoành phi, câu đối, lư hương…); hàng phục vụ cho đạo Giáo (thánh giá, chén đựng nước phép, hộp đựng bánh thánh…); chạm trổ những bức tranh về các đề tài danh lam thắng cảnh của đất nước, của đồng quê Việt Nam; trang trí nội thất cho các đình chùa… vì thế mà làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ngày càng có nhiều đơn đặt hàng, được nhiều người biết đến và ưa chuộng, danh tiếng từ đó cũng tăng lên.