Lần thứ 2 Xẩm mặc áo gấm vào Nhà hát lớn kể chuyện đời

22/01/2015 21:03

Theo dõi trên

Sau chương trình "Đêm Xẩm Hà Thành" mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long, "Xẩm và đời" được tổ chức tối 20/1 với mục đích tôn vinh các giá trị nghệ thuật của xẩm và khẳng định lại vị trí của loại hình âm nhạc này trong dòng chảy âm nhạc dân gian Việt Nam.

Khoác áo gấm vào Nhà hát lớn, Xẩm thu hút được nhiều công chúng. Đặc biệt hơn nữa còn có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà Nước như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thứ trưởng Vương Duy Biên, GS - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước, GS Viện sĩ Đặng Vũ Minh, GS TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học VN… cùng nhiều học giả, doanh nhân khác. 

Góp mặt trong đêm “Xẩm và đời”, Á hậu Trà Ngọc Hằng không chỉ được nhận bằng khen trong việc bảo tồn Xẩm mà cô còn đảm nhiệm vai trò MC. Bỏ khách sạn 5 sao, tự trả tiền vé máy bay và không nhận một đồng cát – sê, người đẹp cùng nhà thơ Vũ Quần Phương dẫn người yêu xẩm từ quá khứ đến hiện tại. Cô diện áo dài màu hồng duyên dáng nền nã cùng với những nghệ nhân Xẩm trong không gian bến tàu điện, góc chợ thâm trầm, tĩnh lặng và cổ kính những năm 50, 60/XX trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hai người ngồi bên hiên quán cà phê đặc trưng thời những năm 60 của Hà Nội rất trữ tình và cùng trò chuyện về đường đi, số phận của Xẩm từ quá khứ đến hiện tại. Đặc biệt, Trà Ngọc Hằng cũng bất ngờ trổ tài hát một câu xẩm trong bài “Lỡ bước sang ngang”. Cô bày tỏ, càng gắn bó với Xẩm cô càng thấy yêu Xẩm bởi các bài Xẩm rất sâu sắc và giai điệu tuy khó hát nhưng vô cùng dễ đi vào lòng người. Và nếu có sự tiếp xúc chắc chắn giới trẻ cũng sẽ yêu thích Xẩm như cô.

Đây là lần thứ hai sau năm 2010, nghệ thuật Xẩm được tôn vinh đúng mức, xứng tầm giá trị nghệ thuật của xẩm. Hát Xẩm thực tế là một nghề rất đáng trân trọng, bởi những người hành nghề hát xẩm thuở xưa dù có đời sống kém may mắn, nhưng họ đã lấy nghề đàn hát để mua vui cho đời, cho người và tự kiếm sống cho mình.

Họ đã lấy cái tài hoa từ giọng hát, tiếng đàn của mình để kiếm sống, chứ không chịu cảnh hành khất, ăn xin mà không có gì tặng lại cho những khách qua đường bỏ vào chiếc nón, chiếc lon của họ một vài đồng. Càng tìm hiểu bộ môn hát xẩm, người ta sẽ càng thấy những nét đẹp nghệ thuật và tính nhân văn.

Toàn bộ sân khấu trang trí trên Nhà hát lớn như một con phố cổ Hà Nội khiến khán giả thích thú và có cảm giác như đang được ngồi trên con phố nào đó và nghe các “gia đình xẩm” hát.

Cứ thế từng khúc sông lịch sử của dòng chảy Xẩm theo người đẹp và nhà thơ đến với khán giả. Bắt đầu với những bài Xẩm cổ như Lỡ bước sang ngang, Cô hàng nước, quyết chí tu thân, anh Xẩm…Rồi bắt sang các bài xẩm lời mới về nhiều vấn đề thời sự, tâm tư của con người trong cuộc sống hôm nay như Xẩm rau má nói về tỉnh Thanh Hóa, Xẩm Tiễu trừ cướp lại đề cập vấn đề Biển Đông là thông điệp về tình yêu quê hương đất nước người dân đất Việt. Xẩm không chỉ dành cho tầng lớn bình dân, tầng lớp “áo ngắn” mà còn nói lên cả tâm tư tình cảm của những lớp trí thức.

Các nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà Thành còn gây bất ngờ với công chúng khi lần đầu tiên kết hợp Xẩm với beatbox, với màn kết hợp giữa loại hình này với âm nhạc hiện đại. Ca sĩ Hà Linh và Minh Kiên đem lại hơi thở trẻ trung cho đêm diễn với các ca khúc Anh Khóa hồi sinh và Dứa dại không gai.

Người nghệ sĩ Xẩm, vừa hát vừa kéo đàn bầu lúc da diết răn dạy con người trong “Thập ân 10 điều”, khi lại vui vẻ, tưng tửng khi vợ chồng nhà Xẩm kể chuyện đời…Những gương  mặt chăm chú, những tràng pháo tay vang lên là sự động viên lớn nhất đối với những người nghệ sỹ như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa, Quang Long...

Cô bé mê hát xẩm, từng bị bố mẹ cấm theo học hát xẩm nhưng cô bé không chịu, và phải cầu cứu sự can thiệp của ông ngoại - nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - để có thể được đi hát. Mới học 2 tháng, Hồng Nga thể hiện bài “Thập ân 10 điều” là bài khá khó của Xẩm. Giọng ca của cô bé cao vút, trong sáng tuy còn đôi chỗ còn “non” nhưng nhận được những tràng vỗ tay lớn khích lệ của khán giả.

Bất ngờ hơn nữa là có sự hiện diện của con gái cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, chị Nguyễn Thị Mận. Chị tái hiện lại bài xẩm từng đóng đinh tên tuổi của nghệ nhân “Ơn Đảng trọn đời”. Người ta cũng xúc động khi nhà thơ Vũ Quần Phương kể về cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu. Năm 16 tuổi cụ Hà Thị Cầu hát xẩm cho gánh hát của ông Chánh Trương Mộc và tình nguyện làm vợ thứ 18 của ông.

Cụ Cầu cả đời sống nghèo khổ. Sau 7 lần sinh thì chỉ được 3 người. Vì nghèo khổ quá mà cụ phải cho đi người con dứt ruột đẻ ra. Báu vật” của Xẩm tuy không còn nữa, nhưng những thế hệ tiếp theo như chị Mận, như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, học trò cưng của nghệ nhân Hà Thị Cầu, các nghệ sĩ xẩm vẫn theo gương bà đắm đuối với xẩm và hết lòng để gìn giữ “báu vật dân gian” là hát xẩm.

Theo Ngày Nay
Bạn đang đọc bài viết "Lần thứ 2 Xẩm mặc áo gấm vào Nhà hát lớn kể chuyện đời" tại chuyên mục Thời cuộc. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.