Đối tượng dự thi là các tác giả, soạn giả chuyên nghiệp và không chuyên, là công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi tác giả có quyền tham gia dự thi với số lượng tác phẩm không hạn chế và chỉ dùng một bút danh. Tác giả phải chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm khi có tranh chấp xảy ra. Ban Tổ chức sẽ quyết định thu hồi giải thưởng khi tác giả vi phạm thể lệ.
Tác phẩm dự thi phải là sáng tác mới, chưa được sử dụng, phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào, chưa đạt các giải thưởng ở bất kỳ cuộc thi nào. Sáng tác lời mới Bài bản Đờn ca tài tử Nam Bộ (gồm 3 Nam, 6 Bắc, 7 Hạ, 4 Oán).
Cuộc thi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là người dân Nam Bộ nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng và đưa loại hình đờn ca tài tử hòa nhập vào cuộc sống hiện đại theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021 - 2025”.
Đồng thời ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên, con người Kiên Giang; những thành quả cách mạng của quân và dân Kiên Giang trong các cuộc chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong chặng đường mới hiện nay.
Những vấn đề xã hội quan tâm cũng như những xu thế của thời đại: Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh, đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường trong xu hướng hội nhập và phát triển bền vững và giới thiệu, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thời gian tổng kết, trao giải thưởng dự kiến vào cuối tháng 12/2023.