Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam.
Hội An là một trong những đô thị cổ, đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia... đã biết đến từ thế kỷ 16 - 17. Hồi đó thương cảng Hội An thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á.
Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ 15-16, thịnh đạt trong thế kỷ 17-18, nhưng trước đó rất lâu (từ thế kỷ 2 SCN trở về trước), vùng đất Hội An đã nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa tiền Sa Huỳnh - đến Sa Huỳnh và còn là một cảng thị trọng yếu của Champa (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15).
Trong thời thịnh đạt, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ 17, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông nam Á. Tầu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, các nước vùng biển Đông Nam Á như Thái Lan Philippin, Indonesia, Malaysia, Ấn độ…và một số nước Châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…hàng năm cập bến mở hội chợ từ 4 đến 6 tháng liền. Nhiều kiều dân nước ngoài, nhất là người Hoa, người Nhật đã được Chúa Nguyễn cho phép ở lại lập phố, mở cửa hàng buôn bán, được sống theo phong tục riêng. Thế kỷ 17, Hội An có “phố Nhật”, “phố Khách”, có thương điếm Hà lan…và đó là một trung tâm giao lưu kinh tế rộng lớn, một Đô thị- Thương cảng có tầm cỡ quốc tế.
Sang thế kỷ 19, do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, do cả những biến đổi của địa hình sông nước, hoạt động kinh tế và vai trò của Hội An suy giảm dần kết thúc thời kỳ thương cảng thuyền buồm và nhường chỗ cho thương cảng thuyền máy Đà Nẵng phát triển (từ cuối thế kỷ 19).
Nhưng cũng nhờ đó, Hội An được bảo tồn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay với tư cách một khu phố - Thương cảng cổ ở đó có di tích của các bến cảng, các phố cổ, các nhà ở kết hợp cửa hàng của nhân dân, các hệ thống nhà thờ tộc họ, các đình chùa, đền miếu, các hội quán của người Hoa, những ngôi mộ của người Nhật, người Hoa và chiếc cầu mang tên cầu Nhật Bản…Những loại hình kiến trúc phong phú đa dạng đó, cùng với lối sống, phong tục tập quán, lễ hội...của cộng đồng dân cư Hội An còn như tấm gương phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hóa, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng Hội An vừa mang tính dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hoà giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.
Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ...và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ được nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể với các lễ hội văn hóa đang được bảo tồn và phát huy cùng các làng nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.