"Khánh Thượng - Một khúc sông Đà huyền sử" - Du ký của Phan Anh

24/12/2021 23:26

Theo dõi trên

Đã từng một thời, trầm tích văn hóa của vùng đất Khánh Thượng bên bờ sông Đà đẹp đẽ và oai linh. Nhưng giờ đây dấu tích của một thời dựng nước cũng đã phôi pha theo những lò vôi hàng chục năm qua. Núi Chẹ bên bờ Đà giang vòi vọi vươn lên sừng sững giữa trời cao cùng với ghềnh Bợ một thời từng là thắng cảnh...

tac-gia-dung-thu-hai-tu-phai-sang-trai-va-cac-ban-o-den-trung-tren-nui-ba-vi-1640363009.jpg
Tác giả (đứng thứ hai từ phải sang trái) và các bạn ở đền Trung trên núi Ba Vì.

Qua Đá Chông, đến đầu cầu Đồng Quang, rẽ trái, chúng tôi ngược dòng Đà giang, thong dong trên con đường thảm nhựa asphanlt êm như ru bên phần hữu ngạn của con sông từng được nhà văn Nguyễn Tuân xem như một áng tóc trữ tình, thơ mộng nhưng cũng dữ dằn, hung bạo vào loại bậc nhất ở miền Tây Bắc trước kia để đến với vùng quê Khánh Thượng (Ba Vì - Hà Nội), nơi có khúc sông huyền thoại gắn với những tên núi, tên ghềnh từng được lưu truyền từ hàng ngàn năm trước đến nay: “sự tích núi Chẹ, núi Đùng” hay câu ca “Muốn vượt sông Đà chớ qua ghềnh Bợ”.

Người ta kể rằng, muốn cướp lại công chúa Ngọc Hoa, Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh, nước lên mênh mông, ngập tràn cả một vùng đồng ruộng rộng lớn dưới chân núi Ba Vì. Thủy Tinh cho nước xoáy vào chân núi Tản khiến tòa núi rung rinh cơ hồ muốn đổ. Trước tình thế nguy cấp, Sơn Tinh đã gánh hai trái núi đắp chặn phía Tây Nam. Một trái đặt ngay trước ngòi Tôm. Một trái chắn ngang sông Đà để không cho nước xoáy vào chân núi. Hai núi ấy là núi Đùng và núi Chẹ. Núi Chẹ là trái chặn ngang sông Đà. Cũng trong trận chiến ấy, tướng Giải của Thủy Tinh bị thua trận liền dẫn quân chạy về ghềnh Bợ. Quân của Sơn Tinh vẫn không tha, liên tục lao gỗ đá xuống chỗ tướng Giải ẩn trốn. Quân của Giải chết nổi đầy mặt sông. Giải liền lặn xuống lòng sông khoét đáy sông thành vực khiến ghềnh Bợ thành một nơi sâu thẳm, nguy hiểm.

Đó là huyền sử. Một huyền sử mang đậm chất sử thi của tổ tiên trong những buổi đầu dựng nước. Cái thời ấy đã “một đi không trở lại” nữa rồi. Dòng sông bây giờ cũng đã khác xa thủa xưa. Cái cảm giác “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” dường như chẳng còn xuất hiện. Cầu Đồng Quang bắc qua sông Đà đã nối liền đôi bờ tả hữu. Bây giờ đi qua sông, người ta không còn phải lo lắng cái cảnh phải đi thuyền vượt thác băng ghềnh trong mỗi mùa nước lũ; không còn khiếp đảm, sợ hãi đội quân Giải lật thuyền đoạt mạng trả thù. Xóm làng dân cư dọc bên đôi bờ cũng đã hiện rõ sự trù phú cùng với bãi bờ xanh biếc ngô khoai, phất phơ hoa bắp. Chẳng biết có phải mùa này khi những cơn lũ đã đi qua hay do sức mạnh của con người với các công trình thủy điện ở phía trên thượng nguồn, ngay trên thành phố Hòa Bình cách đó không xa nên đã chế ngự được cái bản năng táo tợn, hung dữ của dòng nước vốn bất kham để cho sóng nước Đà giang nơi hạ nguồn chiều nay trở lên hiền dịu, thơ mộng và đáng yêu đến vậy. 

Dòng nước Đà giang giờ đây vẫn thăm thẳm một màu xanh cố hữu nhưng mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng với muôn ngàn con sóngnhẹ nhàng, lăn tăn tựa như áng tóc sơn nữ thoảng bay trong gió; lấp lánh phản chiếu cái nắng vàng tươi như rót mật của buổi chiều đông khiến cho bước chân người qua phải mê mẩn và không khỏi nao lòng. Sóng nước lăn tăn theo gió thổi. Không còn cái cảnh gào thét “nước xô đá, đá xô sóng” hay “Nước reo sùng sục tựa trâu giống/ Đá mọc lô xô tựa mũi tên” mà dịu nhẹ, êm đềm như khẽ khàng buông mình thả trôi về phía ngã ba Bạch Hạc để hòa mình vào sông Hồng. Nó thả mình một cách chầm chậm tựa như những bước đi lững thững với với cái dáng điệu bâng khuâng, lặng lẽ, trầm tư.

Cái dáng vẻ chậm chạp của dòng sông mênh mang con nước trong xanh thăm thẳm một màu kia như thể đang buông trôi; lúc dùng dằng chẳng muốn dời đi; lúc như hững hờ phó mặc. Phải chăng sông cũng giống như người. Nó như biết rằng đây là chặng đường cuối cùng để hợp lưu cùng sông Hồng, sông Lô đưa con nước trở về với đại dương bao la. Cứ nghĩ đến hình ảnh hợp lưu của ba dòng sông ở nơi hạ nguồn ta như thấy vang lên những câu thơ trong bài “Ngã ba Hạc phú” của tiến sĩ triều Lê Trung Hưng Nguyễn Bá Lân: “Dưới họp một dòng/ Trên chia ba ngác/ Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp/ dòng biếc lẫn dòng đào/ Lênh láng biết sâu nông/ nước đen pha nước bạc”. Màu xanh của sông Đà hòa tan trong sắc hồng trở nặng phù sa của sông Cái (tên gọi khác của sông Hồng). Cái kiêu hùng của con sông đi qua “trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh” đâu còn nữa. Chẳng phải nói nhiều cứ đọc “Tùy bút sông Đà” của cụ Nguyễn ta mới thấy cái lãng tử hào hoa của dòng sông kể từ khi chia tay thượng nguồn, nhập vào đất Việt. Đà giang được tự do và thoải mái vẫy vùng, thu nạp nguồn nước của biết bao con suối Nậm Ma, Nậm Củn, Nậm Ngòa, Suối Hội, Suối Trầm, Sông Tắc... trên các triền núi cao vời vợi nghìn trùng của những xứ sở mù sương quạnh vắng hay các rừng cây xanh lá với muôn nghìn nàng ban, nàng mơ trắng trời hoa nở trên khắp miền Tây Bắc. Dường như cái trạng thái chậm chạp của Đà giang nơi hạ nguồn kia ấy như thể còn ẩn chứa biết bao điều cảm xúc khi phải chia tay với những trập trùng núi đồi của đại ngàn rừng thẳm núi cao vốn đã từng gắn bó, sóng đôi bên nhau nên không khỏi những nỗi niềm nhung nhớ, bịn rịn, quyến luyến như thể chưa muốn dời đi ngay.

Mê mải ngắm nhìn bờ bãi trong xôn xao nắng chiều; ngập tràn trong những suy nghĩ miên man về cái thủy chế thất thường vừa hung dữ vừa ân tình của dòng sông từng làm nên bao huyền thoại, khiến con đường đến ngã ba Khánh Thượng, nơi một tiếng gà gáy cả ba tỉnh (Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ) cùng nghe thấy rõ bỗng trở nên ngắn chẳng tày gang. 

Thế rồi, chúng tôi cũng đã đặt chân đến mảnh đất huyền thoại hàng ngàn năm xưa của hai thần Sơn Tinh - Thủy Tinh. Sông bây giờ đang cạn nhưng trong tâm tưởng chúng tôi, núi Chẹ vẫn đang sừng sững hiện ra tựa như bức trường thành chặn đứng dòng nước đang ầm ầm thẳng tiến; khiến cho con nước phải đứng khựng trở lại, xoay mình tìm đường đi mới. Nó không thể “đông tiến” theo quy luật của hơn hai ngàn ba trăm con sông trên đất Việt. Sơn Tinh đã chặn đứng dòng chảy làm cho sông Đà vốn như một con ngựa bất kham có một cú rẽ đổi dòng độc đáo, khác thường và trở thành nguồn cảm hứng cho thi tướng Nguyễn Quang Bích trên đường kháng Pháp hơn một trăm năm trước khi đi qua nơi này đã phải thốt lên: “Chúng thủy giai Đông tẩu/ Đà Giang độc Bắc lưu” (Mọi con sông đều chảy về hướng Đông/ Chỉ có sông Đà chảy về hướng Bắc). 

ben-dong-suoi-duoi-chan-nui-ba-vi-o-khanh-thuong-1640363077.jpg
Bên dòng suối dưới chân núi Ba Vì ở Khánh Thượng

Tâm thức dân gian người Việt Mường cổ kể về dòng sông ngọn núi là vậy, Chẹ tiếng Việt - Mường xưa có nghĩa là chặn, núi Chẹ có nghĩa là núi Chặn. Còn cái thế chiến địa hiểm yếu của vùng đất Khánh Thượng kia lại được các nhà địa chất bảo rằng do đứt gãy địa chất nên những khe nứt của kiến tạo hàng trăm triệu năm trước đây đã mở đường cho hướng chảy của dòng sông. Hiện thực và huyền thoại của vùng đất đan xen vào nhau làm cho cái không gian văn hóa của Khánh Thượng trở thành một miền tâm linh sâu thẳm trong tâm thức dân gian. Người ta truyền kể lại rằng, sông Đà hung hăng, dữ tợn bao đời gây chết chóc nhưng khi gặp núi Chẹ, dòng nước dũng mãnh không thể “Đông tẩu” (tiến về phía Đông) được mà phải quay theo hướng Bắc, đi về Bạch Hạc hợp lưu với sông Hồng. Bởi thế cả một vùng đất mênh mông dưới chân núi Ba Vì, phía sau núi Chẹ đã thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thủy Tinh, được che chở an toàn (trong bốn đại họa sợ nhất của người xưa thì lũ lụt đứng đầu bảng: thủy - hỏa - đạo - tặc). Không những thế tích cũ còn ghi, đời Đường đô hộ, Tiết độ sứ Cao Biền kiêm nghề phù thủy đã mười lần đến trấn yểm long mạch ở núi Chẹ nhằm làm hại nước Nam nhưng cả mười lần đều bất lực, thất bại trước khí thiêng sông núi. Chẳng thế, cảm tạ ân đức của Sơn Tinh mà đất Ba Vì đã trở thành thánh địa của thần. Khắp vùng xứ Đoài rộng lớn và đặc biệt là vùng đất Ba Vì nơi đâu cũng suy tôn thờ phụng thánh Tản, trong tâm thức của người Việt, Sơn Tinh là một trong tứ bất tử, trường tồn cùng sông núi.

Đã từng một thời, trầm tích văn hóa của vùng đất Khánh Thượng bên bờ sông Đà đẹp đẽ và oai linh. Nhưng giờ đây dấu tích của một thời dựng nước cũng đã phôi pha theo những lò vôi hàng chục năm qua. Núi Chẹ bên bờ Đà giang vòi vọi vươn lên sừng sững giữa trời cao cùng với ghềnh Bợ một thời từng là thắng cảnh; chốn non thiêng hữu tình sơn thủy đã từng được người Pháp ví von là nhà thờ Đức Bà ở trời Nam nay chẳng còn được nguyên vẹn hình hài như thủa khai sinh. Dấu xưa của mấy ngàn năm lịch sử trị thủy của tổ tiên ở nơi cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô Hà Nội đã không còn những hàm rồng hay hang động ẩn mình trong trái núi. Bầy đàn muông thú cùng chim chóc, cây cối cũng đã bị truy tìm, tận diệt. Núi Chẹ còn đấy nhưng cô đơn, trơ trụi bên dòng sông với thân mình nham nhở bởi mìn nổ đá tung. Khúc sông huyền thoại của dòng Thủy tổ (sông Đà cùng với sông Hồng từng được suy tôn là Thủy tổ và một trong tam tổ của người Việt: Địa tổ ở Phú Thọ, Sơn tổ là núi Ba Vì) dường như cũng đang rớm máu bởi nạn khai thác cát khiến không ít nơi bên đôi bờ đang lún sụt, xói lở.

Ngắm nhìn trái núi, dòng sông và đôi bờ trong buổi chiều buông tĩnh mịch sao ta ao ước một trong trẻo tiếng chim, thèm một màn sương giăng lãng đãng trên đỉnh non cao. Ước và ước... những dấu xưa của tổ tiên bốn ngàn năm để lại sao cho vẫn còn hiện hữu cùng muôn đời con cháu. Khánh Thượng ơi hãy làm đi. Hãy làm đi... bây giờ vẫn đang còn chưa muộn!

Phan Anh
Bạn đang đọc bài viết ""Khánh Thượng - Một khúc sông Đà huyền sử" - Du ký của Phan Anh" tại chuyên mục Bản sắc vùng miền. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.