Sáng ngày 18/7/2025, tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm, Đường Sách TP.HCM đã công bố kết quả hoạt động với tổng doanh thu đạt hơn 31,3 tỉ đồng, tăng 8,63% so với cùng kỳ năm 2024. Đây không chỉ là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, mà còn là minh chứng rõ nét cho sức sống bền bỉ của một mô hình không gian đọc mở, thân thiện, gần gũi và giàu giá trị nhân văn giữa lòng thành phố.

Với định hướng trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục cộng đồng, Đường Sách TP.HCM không ngừng đổi mới cách tiếp cận độc giả. Sáu tháng qua, nơi đây đã tổ chức hàng loạt chương trình mang tính chiều sâu và lan tỏa. Từ 4 lễ hội gắn liền với các sự kiện chính trị, văn hóa trọng đại của đất nước, đến hơn 27 chương trình triển lãm ảnh, mỹ thuật, tư liệu và trưng bày sách – tất cả đều nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Bên cạnh đó là chuỗi 49 buổi giao lưu, tọa đàm văn hóa nghệ thuật, 56 chương trình workshop, 47 hoạt động biểu diễn, thị phạm nghệ thuật, cùng 19 chương trình phát triển văn hóa đọc dành cho học sinh như: Tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường, Du hành vui cùng sách, Ngày hội vui học cùng sách... Những hoạt động ấy không chỉ đưa sách đến gần hơn với bạn đọc trẻ, mà còn khơi gợi tình yêu sách từ những trang đời đầu tiên của các em.
Tuy doanh thu vẫn tăng trưởng, một thực tế đáng lưu tâm là sức mua và số lượt mua sách trực tiếp đang có xu hướng giảm, ngay cả khi số lượng sự kiện tổ chức vẫn được duy trì đều đặn. Sự dịch chuyển này phản ánh rõ nét một thay đổi trong hành vi tiêu dùng văn hóa: người dân, đặc biệt là giới trẻ, không còn chỉ đến Đường Sách để “mua sách”, mà họ tìm kiếm “trải nghiệm”, “sự kết nối”, và những giá trị cảm xúc đi kèm sản phẩm.
Điều này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy tổ chức sự kiện, thiết kế không gian và cách thức tương tác với độc giả. Những buổi workshop sáng tạo, những sân chơi nghệ thuật tương tác, hay thậm chí cả những “góc sống ảo” được chăm chút thẩm mỹ cũng dần trở thành yếu tố then chốt thu hút người tham gia. Từ đó, sách không chỉ là vật phẩm, mà trở thành “một phần của trải nghiệm văn hóa sống động”.
Trong dòng chảy thị trường ngày một khốc liệt, nơi công nghệ số chi phối từng hành vi lựa chọn sản phẩm, việc duy trì một không gian văn hóa đọc công cộng với hàng trăm sự kiện thường niên là điều không dễ dàng. Vẫn còn đó những nỗi lo: lượng người tham gia chưa đều đặn, thói quen đọc sách in có phần giảm sút, và nhu cầu tiêu dùng ngày càng phức tạp.
Thế nhưng, vượt lên trên những khó khăn ấy, Đường Sách TP.HCM vẫn là điểm sáng. Đây không chỉ là nơi trưng bày tri thức, mà còn là chốn hội tụ của những tâm hồn yêu văn hóa – là “phố đi bộ” của sách, nơi khơi nguồn sáng tạo và kết nối cộng đồng một cách tự nhiên, gần gũi.
Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM - ông Lê Hoàng đã nhấn mạnh trong buổi sơ kết: “Những tháng cuối năm 2025, Đường Sách sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các chương trình chủ điểm hấp dẫn, kết hợp chỉnh trang không gian, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường hoạt động sự kiện vào ban đêm để mở rộng đối tượng bạn đọc, tạo thêm sức sống cho không gian vào buổi tối – một khung giờ đầy tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.”
Không gian văn hóa đọc công cộng sẽ không thể giữ vững nếu chỉ dừng lại ở việc trưng bày sách. Muốn tồn tại và phát triển, Đường Sách TP.HCM cần tiếp tục đổi mới trong cách tiếp cận, lắng nghe xu hướng, và quan trọng nhất là giữ được bản sắc văn hóa cốt lõi: tri thức, kết nối, cộng đồng.
Thực tế chứng minh, không gian này vẫn là “ngôi nhà chung” cho các nhà xuất bản, tác giả, độc giả và nghệ sĩ. Ở đó, một buổi ra mắt sách có thể đi kèm trình diễn âm nhạc; một cuộc tọa đàm văn học có thể kết nối với nghệ thuật thị giác hay triển lãm mỹ thuật. Những kết hợp tưởng chừng “ngẫu nhiên” ấy lại tạo nên sức hấp dẫn mới, đa tầng, đa chiều – đúng với tinh thần sáng tạo của thời đại số.
Trong dòng chảy đô thị hiện đại, Đường Sách TP.Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là một dãy gian hàng sách, đó là một thiết chế văn hóa cộng đồng, nơi tri thức, nghệ thuật và con người hòa quyện vào nhau để cùng viết nên một bản sắc đô thị mới: năng động, sáng tạo nhưng vẫn đầy bản lĩnh gìn giữ truyền thống. Chính tại nơi này, mỗi bước chân tản bộ giữa hàng cây và sách cũng là một hành trình kết nối với tri thức, với con người và với chính bản thân mình.