Khám phá ngôi chùa cổ Yên Lạc ở Hà Tĩnh

16/08/2017 15:34

Theo dõi trên

Chùa cổ Yên Lạc – di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên được nhiều người biết đến, nơi đang lưu giữ hệ thống tượng pháp và một số hiện vật mang giá trị nguyên bản cách thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khoảng 15km về phía Đông.



Chùa đã được đầu tư và giữ nguyên trạng kiến trúc cổ

Sau một số lần trùng tu và tôn tạo, đến nay chùa Yên Lạc về cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng một số công trình kiến trúc cổ cho người đời về sau hành hương phật giáo tại chùa có thể chiêm ngưỡng. Di tích chùa Yên Lạc với ý niệm tôn giáo - phật giáo của người Việt cổ đã đóng vai trò quan trọng cấu thành của lịch sử Việt. Trong kiến trúc xây dựng biết lợi dụng thiên nhiên, cải tạo ra một kiểu kiến trúc chùa đơn giản mà đẹp, chắc chắn. Chùa Yên Lạc được tạo dựng lên từ đức tin, về sự độ trì của đấng Thích Ca mâu ni, tin về tâm nguyện và hướng thiện của con người cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Đức tin ấy tiếp thêm nguồn lực để người dân Cẩm Nhượng có cuộc sống yên ổn bao đời nay.

Việc bảo tồn giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Yên Lạc có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Với những gì đóng góp trong quá khứ và hiện tại, chùa  Yên Lạc đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
 
 




Chuông đồng và pho tượng bằng đồng có niên đại từ thế kỷ 18

Điểm nhấn di tích chùa Yên Lạc mang đậm đặc điểm kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê. Chùa bao gồm Tam quan, Hạ điện, Trung điện và Thượng Điện được bố trí thẳng hàng theo một trục chính, nền cao dần về phía sau, chính giữa là mặt nguyệt lồng ba chữ Yên Lạc Tự, gian bên phải treo chuông đồng nặng hơn 80kg, ở đỉnh chuông đúc bốn chữ yên lạc tự chung có niên hiệu Cảnh Thịnh. Gian bên trái treo khánh đồng đối xứng với chuông bên phải. Trung điện đặt tượng A di đà ngồi thiền trên đài sen bằng gỗ mít. Bốn pho tượng phỗng trong ngôi chùa cổ nổi tiếng này ở tư thế quỳ hướng về phật A di đà được chạm khắc theo đặc điểm nghệ thuật chàm. Thêm hình ảnh 9 con rồng kết vào nhau tạo thành vòng bảo vệ và phun nước tắm tượng A di đà tọa lạc trên đài sen.

Theo dòng thời gian, mái ngói phủ đầy rêu xanh, chùa Yên Lạc được trùng tu, tôn tạo nhiều lần ngày một khang trang. Hệ thống hiện vật, pháp khí đều được bảo lưu còn nguyên vẹn, những pho tượng bằng gỗ quý với niên đại mấy trăm năm, chuông đồng, khánh đá ghi niên hiệu Cảnh Thịnh triều Tây Sơn cũng đã hơn 200 năm.
 




Chùa Yên Lạc đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần ngày một khang trang 

Tìm về chốn tịnh tâm để con người rũ bớt bụi trần tạo cho mình tâm thế an yên, cho tâm hồn trong sáng, giá trị tín ngưỡng của người dân Cẩm Nhượng được gửi vào nơi ngôi chùa cổ kính Yên Lạc tự u tịch rợp bóng cây xanh.

Trong tiếng mõ thiền kinh, người dân Cẩm Nhượng cũng như người khắp vùng miền vẫn luôn thành kính nơi cửa phật. Đó cũng chính là nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân ven biển, cầu mong trời yên biển lặng sóng nhẹ gió êm. Người dân Cẩm Nhượng luôn tự hào về làng quê có di tích cấp quốc gia ngày một đổi mới, những giá trị cao đẹp đang được nâng niu trân trọng.
 
Diệp Thuần

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá ngôi chùa cổ Yên Lạc ở Hà Tĩnh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.