Ích Hậu, vùng đất sinh ra danh nhân Nguyễn Văn Giai

06/09/2017 10:39

Theo dõi trên

Ích Hậu luôn tự hào là quê hương của thái phó Nguyễn Văn Giai (SN 1554) là công thần khai quốc thời Lê Trung Hưng nổi tiếng chính trực và biết giữ nguyên pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê - Trịnh.



Đền thờ Nguyễn Văn Giai

Cuộc đời và sự nghiệp

Tiến sĩ Thái phó Nguyễn Văn Giai (SN 1554) xã Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An thời Lê Trung Hưng (nay thuộc xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ông là con cháu dòng họ Nguyễn Văn, một “danh gia vọng tộc” giàu truyền thống hiếu học và nổi tiếng khoa bảng.

Quê hương, gia đình Nguyễn Văn Giai rất nghèo, thân phụ ông là Nguyễn Văn Cùng, một nho sinh nghèo sa cơ lỡ vận công danh khoa bảng đã dồn sức tìm thầy nuôi dạy Nguyễn Văn Giai ăn học với khát vọng vẻ vang đề danh bảng vàng bia đá, rạng rỡ quê hương.


Theo sử sách ghi chép lại thì Nguyễn Văn Giai là người đặc biệt thông tuệ, 5 tuổi đã biết chữ nghĩa, 9 tuổi biết làm văn, 15 tuổi viết bài phú. Năm 16 tuổi ông được gia đình ra Thăng Long tìm thầy giỏi rèn dũa kinh sử để sau này có cơ hội giúp nước yên dân. Năm 1579, niên hiệu Quang Hưng thứ 2, triều Lê Thế Tông, ông đã về trấn Nghệ An dự thi hương và đỗ giải nguyên. Tháng 8 năm Canh Thìn (1580) triều đình Lê - Trịnh lập khoa thi Hội đầu tiên ở hành cung An Trường, sách Vạn Lại, lấy Nguyễn Văn Giai đỗ tiến sĩ xuất thân.

Sau đó ông được triều đình Lê - Trịnh bổ dụng chức quan Hàn lâm viện. Là bậc tài trí hơn người, ông được Tiết chế Trịnh Tùng trọng dụng luôn giữ bên cạnh để bàn mưu định kế đánh dẹp nhà Mạc. Năm 1581, Mạc Đôn Nhượng đưa quân vượt biển đánh phá huyện Quảng Xương, đóng quân ở núi Đường Nang, ông bàn với Tiết chế Trịnh Tùng chia quân làm 3 đạo đánh mạnh vào chổ hiểm yếu làm quân Mạc đại bại, tan vỡ tháo chạy về kinh ấp. Từ đó về sau quân Mạc không dám vượt biển vào dòm ngó, cướp bóc Thanh Hóa, Nghệ An nữa. Khi thưởng công trận Đường Nang, Nguyễn Văn Giai được thăng chức đề hình giám sát ngự sử. Cũng từ đây quân Lê - Trịnh nhiều lần tiến ra bắc quấy rối làm quân Mạc suy yếu dần. Tháng 12 năm 1591, Tiết chế Trịnh Tùng tiến ra Bắc đánh chiếm các huyện Yên Sơn, Thạch Thất… đóng quân ở Tốt Lâm. Quân Trịnh đánh nhau với quân Mạc ở xã Phấn Thượng. Trong trận này quân Mạc bị tổn thất nặng nề, Khuông Định công và Tấn quận công bị chém tại trận, 1 vạn quân Mạc bị giết, vua Mạc Mậu Hợp trốn xuống thuyền tháo chạy. Tiết chế Trịnh Tùng tiến đến đóng tại chợ Hoàng Xá và sai đại tướng Nguyễn Hữu Liêu tiến quân đến cầu Cao mé Tây - Bắc thành Thăng Long bắn súng phóng lửa làm hiệu, đốt cháy nhà cửa làm Mạc Mậu Hợp bỏ thành chạy trốn.

Tháng giêng năm 1592, quân đội Lê - Trịnh chiếm được thành Thăng Long, danh tướng Nguyễn Quyện của nhà Mạc bị bắt. Quân Mạc tháo chạy về chiếm giữ vùng Đông - Bắc cầm cự rồi bị tiêu diệt, quân đội Lê - Trịnh thu hồi Thăng Long.

Cần bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích


Nguyễn Văn Giai có khí chất cương trực, thẳng thắn, phóng túng, có tiết tháo, không sợ quyền uy, thanh liêm, mẫn cán, thận trọng được vua chúa tin dùng, đồng liêu kính phục, nhân dân yêu mến, sử sách khen ngợi. Làm quan trải 3 đời vua 2 đời chúa, đại diện tiêu biểu của trí thức đất núi Hồng sông Lam trung thành với nhà Lê. Nguyễn Văn Giai lập được nhiều công lao giúp nhà Lê khôi phục triều đình đã mất từ tay họ Mạc.

Tại nơi đây, đã từng có một chiếc sắc phong hơn 400 năm chưa bao giờ mở ra. Cho đến năm 1995 khi đền thờ danh thần Nguyễn Văn Giai của dòng họ được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2009, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Di sản Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Bảo tàng Hà Tĩnh đã khảo sát di tích đền thờ Nguyễn Văn Giai ở xã Hậu Lộc. “Báu vật” dòng họ bất ngờ được nhận định là sắc phong bằng lụa dài nhất Việt Nam.

Sắc phong dài 4,5m, rộng 0,5m, màu vàng, không có hoa văn, gồm 318 chữ, bố cục theo 63 hàng dọc, 5 hàng ngang, được viết trực tiếp lên lụa, nét chữ viết rất mảnh, thẳng hàng, rõ và đẹp. Qua nghiên cứu, mặc dù phần ghi niên hiệu của đạo sắc nằm ở cuối khổ vải đã bị rách, chỉ còn nửa phần ấn dấu của nhà vua nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được đạo sắc này có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông.

Ích Hậu với những danh nhân và các giá trị văn hóa lịch sử có giá trị đã góp phần to lớn trong việc xây dựng quê hương Lộc Hà ngày một phát triển. Theo người dân nơi đây, cứ rằm tháng Giêng, tháng 7 hàng năm Đền thờ danh nhân Nguyễn Văn Giai đều tổ chức dâng lễ như những nhà thờ dòng họ khác.

Một thành viên họ Nguyễn Văn chia sẻ, mỗi năm dòng họ tổ chức hai lần rước sắc phong vào rằm tháng giêng và rằm tháng bảy. Đoàn rước gồm hai kiệu, một để đựng hộp sắc phong, một để rước tượng ngài Nguyễn Văn Giai. Ngoài ra còn có hàng chục người vác cờ và chiêng trống.

Lễ rước bắt đầu từ nhà tộc trưởng, sau đó lên mộ phần của ông nội đến mộ cha mẹ ngài Nguyễn Văn Giai, cuối cùng đến đền thờ của ngài. Năm nào lễ cũng thu hút hàng nghìn con cháu trong dòng họ ở khắp nơi về tham dự. Trong lễ rước, hộp sắc phong được giữ nguyên đặt lên bàn thờ, không ai dám mở ra.

Đến thăm Đền thờ danh nhân Nguyễn Văn Giai, vừa hay phóng viên Phương Nam Plus gặp được ông Nguyễn Xuân Quân cùng một số cán bộ đoàn xã, đang xem xét, định hướng xây dựng một số hạng mục nhỏ trước cửa Đền thờ. Trước mắt, vấn đề xây dựng đang được dự định và lên kế hoạch nên ông chưa có gì để nói thêm.

Để khai thác, phát huy hiệu quả di tích trong giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Hà nói chung, Ích Hậu nói riêng cần tiếp tục trùng tu, tôn tạo Đền thờ ngày càng khang trang xứng tầm của một di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
 
Diệp Thuần

Bạn đang đọc bài viết " Ích Hậu, vùng đất sinh ra danh nhân Nguyễn Văn Giai" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.