Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức series Chương trình với tiêu đề: “Tiếng hát át Covid”

30/08/2021 21:37

Theo dõi trên

Cứ mỗi dịp thu về, trong hòa âm cùng cả nước chào đón kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, giới âm nhạc cả nước cũng tổ chức nhiều hoạt động hướng tới ngày Âm nhạc Việt Nam, ngày mùng 3 tháng 9 hàng năm.

Năm nay, dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn thế giới với nhiều biến chủng đa dạng và đã để lại những hậu quả khôn lường. Ở Việt Nam, trong đợt dịch lần thứ tư này, cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh phía Nam đã phải gánh chịu đợt bùng phát khủng khiếp trong gần 4 tháng qua với nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội cũng như sự bất an trong đời sống.

image5-1-1630318348-1630334024.jpeg
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho biết: “Âm nhạc luôn là vũ khí sắc bén và nhanh nhạy, luôn đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường xây dựng đất nước. Trong đại dịch Covid-19  giới nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục đồng hành với các hoạt động của Đảng, của nhân dân để mang tiếng nói tinh thần bằng âm nhạc, nhằm góp phần phòng chống đẩy lùi đại dịch. Cuối tháng 7/2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các nhạc sĩ của Hội cũng như các nhạc sĩ trên toàn quốc đã hưởng ứng sáng tác nhiều ca khúc mới để đóng góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch.

Có được một chương trình như hôm nay, chính là sự chung sức, đồng lòng của các nhạc sĩ đã nhiệt tình, tích cực sáng tạo, dàn dựng, thu thanh để có được những MV có giá trị tinh thần, cũng như thể hiện được tình cảm đối với nhân dân, đồng bào các vùng đang phải chịu ảnh hưởng của đại dịch như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… và các tỉnh phía Nam và cả nước. Thông qua các tác phẩm âm nhạc, chúng ta góp thêm tiếng nói quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng Covid-19”.

Từng là một người lính, nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng đã góp tiếng nói của mình bằng âm nhạc thông qua tác phẩm: “Cùng nhau vượt qua mùa đại dịch”. Nhạc sĩ Ngọc Khuê tâm sự: “Nhận thức được rằng dịch đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Có lẽ trong chúng ta chưa lúc nào hết suy nghĩ và hành động cùng nhau đoàn kết chống dịch một cách triệt để nhất, không ai đứng ngoài dòng chảy ấy “hãy ở nhà vì chúng ta”, “ai ở đâu, ở yên đấy”… bảo vệ tính mạng, hy vọng ngày vui rất gần khống chế được dịch, chúng ta sẽ ôm nhau vỡ òa trên chiến thắng. Đó chính là tâm niệm của tôi khi sáng tác ca khúc này”.

image3-1630319482-1630334091.jpeg
Nhạc sĩ Võ Thiên Lan - Thành phố Hồ Chí Minh

Từ tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, cảm nhận được sự mất mát, hy sinh thầm lặng của lực lượng trên tuyến đầu và cả sự vật vả vượt qua đại dịch của người dân thành phố; với trách nhiệm của một công dân - Nhạc sĩ Võ Thiên Lan đã viết: “Thành phố tôi quyết thắng đại dịch”. Chị tâm sự: “Thành phố Hồ Chí Minh là mảnh đất nghĩa tình bao dung ôm trọn cả những người dân xa xứ đến sinh sống, khi mà đại dịch Corona bùng lên ở thành phố, tất cả các lực lượng tuyến đầu như bác sĩ, quân đội, cùng chung tay không ngại gian khổ đi vào tâm dịch để giúp cho những bệnh nhân, những hình ảnh mà chúng ta thường theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và chính đó cũng là những chất xúc tác để chúng ta viết lên những ca khúc, góp phần chiến thắng đại dịch. Tôi tin rằng với sự đoàn kết chung tay cùng nhân dân trong thành phố, thành phố nhất định sẽ thắng đại dịch Corona, và bình yên sẽ trở lại trên thành phố chúng tôi”.

Có lẽ, với trách nhiệm của một công dân -  nhạc sĩ, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chẳng ai có thể đứng ngoài cuộc khi đất nước nguy nan. Chính vì thế, mỗi người một góc nhìn, một cách cảm đã góp những tiếng nói của riêng mình nhằm ngăn chặn và đẩy lùi Covid. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cho rằng: “Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động và nghĩa tình. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo Thành phố cũng rất quan tâm đến việc chăm lo đến đời sống của người dân từ việc đi chợ, ăn uống, bảo vệ sức khỏe cho công dân của thanh phố. Lúc này đây, cả nước đều hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có hàng ngàn bộ đội, sinh viên, y bác sĩ đã đến thành phố cùng giúp sức chống dịch, điều đó tạo cảm xúc cho tôi khi đọc bài thơ của tác giả Lê Văn Nuôi - cựu cán bộ Đoàn của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, mang đến nhiều cảm xúc âm nhạc để “Sài Gòn ơi! Trái tim ta đó!” ra đời, thể hiện tấm lòng của tôi, thay cho lời cảm ơn với các sinh viên, y bác sĩ từ các vùng miền trên cả nước đến giúp Thành phố trong công cuộc phòng chống đại dịch”.

Từ vùng dịch Bắc Ninh, nhạc sĩ Trọng Tĩnh - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh đã có tới 5 tác phẩm viết ở nhiều góc nhìn khác nhau về các lực lượng trên tuyến đầu. Song, với “Khúc ca chiến sĩ biên phòng” anh tâm đắc hơn cả. Nhạc sĩ Trọng Tĩnh tâm sự: “Khúc ca chiến sĩ biên phòng, là cảm xúc của tôi trước những vất vả, hy sinh của những chiến sĩ biên phòng để bảo vệ biên cương tổ quốc. Công việc hàng ngày vỗn đã vất vả, nhưng khi dịch Covid tràn qua, các chiến sĩ còn vất vả hơn thế, bởi ngày đêm trực chốt, chăm lo đưa đón người dân, thậm chí người thân mất đi cũng không thể về nhà chịu tang mà chỉ vái vọng từ xa. Những hình ảnh ấy đã gợi trong tôi nhiều nghĩ suy và tôi đã viết như một lời tri ân những tấm gương, những con người đã tận tụy hy sinh trong cả chiến tranh và trong cả thời bình, nhất là thời gian đại dịch diễn biến phực tạp này”.

Minh Anh
Bạn đang đọc bài viết "Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức series Chương trình với tiêu đề: “Tiếng hát át Covid”" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.