Hậu Giang: Trao 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 19.000 tỷ đồng

18/07/2022 08:51

Theo dõi trên

Ngày 16/7, tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.

anh-01-1-1-1658019296-1658108889.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022.

“Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, theo định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang xác định công tác thu hút đầu tư vào 4 trụ cột Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị và Du lịch theo Nghị quyết 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Hậu Giang là một trong những giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế  - xã hội cho tỉnh Hậu Giang.

“Với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Hậu Giang. Qua Hội nghị này, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hậu Giang mong muốn lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó có những hỗ trợ kịp thời, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án hiệu quả” - ông Đồng Văn Thanh chia sẻ.

anh-02-1-1-1658019299-1658108935.jpg
Thủ tướng tham quan khu trưng bày các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2022 tỉnh kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến 30.265 ha, với tổng mức đầu tư 48.175 tỷ đồng. Cụ thể, Hậu Giang kêu gọi đầu tư 9 dự án vào khu công nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng; 7 dự án vào cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng; 21 dự án nông nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng; 31 dự án đô thị với tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng và 8 dự án du lịch với tổng mức đầu tư 761 tỷ đồng. 

Hậu Giang xác định mục tiêu đến năm 2025 là cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế; cải thiện thu ngân sách; phấn đấu mỗi năm thu ngân sách nội địa tăng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 8-10% và thu ngân sách khoảng 13.000 - 15.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời trở thành 1 trong 3 địa phương có môi trường cạnh tranh tốt nhất tại ĐBSCL.

Biến tiềm lực thành nguồn lực… góp phần cho người dân ấm no, hạnh phúc

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, chúng tôi thống nhất cao về các chủ trương của tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế tạo, chế biến, điện tử, năng lượng sạch, sản xuất hàng xuất khẩu và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, logistics... Tuy nhiên, bên cạnh những lĩnh vực này, Bộ Công Thương cho rằng những dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm có quy mô lớn, có tính liên kết vùng cũng cần được chú trọng khuyến khích, thu hút đầu tư vào tỉnh để tận dụng, phát huy những lợi thế riêng có của địa phương.

anh-04-1-1658019299-1658108980.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Hậu Giang đã duy trì tăng trưởng kinh tế dương cùng với sự cải thiện mạnh mẽ, thông thoáng môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. 

Trong tương lai gần tỉnh Hậu Giang có các lợi thế rất lớn bởi tỉnh có điểm giao nhau của 3 tuyến cao tốc sắp hình thành: Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Khi các tuyến đường cao tốc được hình thành thì Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Nam sông Hậu, là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh nam sông Hậu với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho Hậu Giang, đặc biệt liên quan đến phát triển công nghiệp, đô thị và logistics.

Khu vực ĐBSCL đang được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, hết sức quan tâm. Cùng với đó, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ các nước đổ vào Việt Nam; ở trong nước có sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn phía Nam về các tỉnh, thành ĐBSCL. Như vậy, ĐBSCL vừa được quan tâm đầu tư, vừa đón sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất nên tỉnh Hậu Giang đang có điều kiện phát triển tốt, từ đó sẽ tạo cho Hậu Giang một lợi thế cạnh tranh vượt trội khi nằm ở vị trí trung tâm của vùng Nam Sông Hậu. Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 2/4/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định “Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gần với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở Thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang”.

anh-05-1-1658019299-1658109022.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Hậu Giang phải biến các tiềm lực thành nguồn lực để phát triển, phải biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả. “Hậu Giang phải biến tiềm lực thành nguồn lực, chứ không phải chỉ là nhìn tiềm lực, tự hào về tiềm lực rồi để tiềm lực ngủ quên. Tiềm lực phải thành nguồn lực vật chất để phát triển. Tiềm lực phải trở thành nguồn lực, vật chất của cải, góp phần cho người dân Hậu Giang ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày càng được nâng lên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

“Các nhà đầu tư cam kết thì phải làm. Cam kết 10.000 tỷ, 20.000 tỷ nhưng cuối cùng không được tỷ nào là không được. Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi các nhà đầu tư đến tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư đã hứa thì có làm không. Ai hứa mà không làm thì phải có cách xử lý. Ai làm tốt phải khen thưởng động viên, ai không làm tốt phải xử lý” - Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 Quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư với tổng số tiền gần 19.000 tỷ đồng; ký kết 8 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, đầu tư với tổng vốn đầu tư 204.649 tỷ đồng, ký kết hợp tác với 02 đơn vị, tổ chức.

anh-08-1658019296-1658109068.jfif
Hậu Giang còn ký kết 8 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, đầu tư với tổng vốn đầu tư 204.649 tỷ đồng, ký kết hợp tác với 02 đơn vị, tổ chức.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng 16/7, tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang.

Trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ, trong không khí trang nghiêm, thành kính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm và dâng hoa, hương tưởng nhớ những người con của quê hương, đất nước đã hiến trọn tuổi thanh xuân, chiến đấu và ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Các đại biểu đã đến thắp hương từng phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang. Toàn tỉnh Hậu Giang có gần 36.000 người có công với cách mạng, hơn 12.500 liệt sĩ, trong đó có hơn 3.600 liệt sĩ an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

* Trước đó, chiều ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.800 ha, gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu hành chính phục vụ và khu phục hồi sinh thái. Đây là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên, đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Lung Ngọc Hoàng đang tồn tại trên 330 loài thực vật (trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm, đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới). Đây là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của khu vực ĐBSCL.

Văn Dương - Hồng Ân
Bạn đang đọc bài viết "Hậu Giang: Trao 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 19.000 tỷ đồng" tại chuyên mục Thời cuộc. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.