Hàng trăm ngàn người dân và du khách thập phương đã về với Đền Hùng để hành hương, chiêm bái

14/04/2024 22:13

Theo dõi trên

Mặc dù chưa đến ngày chính hội của lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nhưng đến thời điểm này hàng trăm ngàn người dân và du khách thập phương đã về với Đền Hùng để hành hương, chiêm bái.

dt1ahv1-1713076439-1713107412.jpg
Tại cổng đường lên Đền Thượng

Năm 2024 tỉnh Phú Thọ mở cửa và đón đông đảo du khách thập phương về với Khu di tích lịch sử đền Hùng ngay từ những ngày đầu tháng 3 Âm lịch, nên lượng khách đổ về đền Hùng ngày một đông.

dt2hv-at-1713076569-1713107450.jpg
Biển người đang đổ về Lễ hội

Theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày đầu tiên của tháng 3 Âm lịch, hàng nghìn người thập phương đã hành hương về Khu di tích lịch sử đền Hùng để dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương là lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc được tổ chức theo nghi thức quốc gia và đã trở thành điểm hẹn của mỗi người dân nước Việt hướng về nguồn cội "Con Lạc cháu Hồng".

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam. Ngày xa xưa vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng. Phía đông với các dãy núi non trung điệp. Vùng đất này có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù xa của ba con sông bồi đắp, vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ hay rút lui khi xảy ra các cuộc xung đột bộ lạc.

Hiện nay dấu vết cư trú của dân cư thời đại các vua Hùng còn để lại trong hàng chục di chỉ khảo cổ học, được phân bố dày đặc từ huyện Lâm Thao tới ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì. Những di chỉ khảo cổ học đo là minh chứng một thời đại, với nghề luyện kim đồng thau và trồng lúa nước của một nền văn minh nông nghiệp, đã từng tồn tại trược công nguyên hàng nghìn năm.

dt3hv3-1713076633-1713107481.jpg
Các tình nguyện viên giúp người dân về với lễ hội

Đền Hùng là trung tâm, là tiêu điểm về thời đại các vua Hùng, các ngôi đền thờ vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Cả theo địa phương hay các tên khác: núi Hùng, núi Hy Cương), có độ cao 175 mét so với mặt nước biển. Trước kia khu vực này là cánh rừng già nhiệt đới. Ngày nay núi Hùng vẫn giữ dáng vẻ của rừng tự nhiên với nhiều thế hệ cây tầng khác nhau, gồm 150 loài thảo mộc, thuộc 35 họ, trong đó còn lại một số cây đại thụ lớn như: đa, thông, thiên tuế, trò v.v...

denhung-bpt-1618792703-15285119042021-1713107725.jpg
Ảnh tư liệu

Núi Hùng trông xa giống như đầu của một con rồng lớn hướng về Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ, phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà tạo ra một vùng nước lớn mênh mông, từ đó có những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên trầu về Nghĩa Lĩnh. Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại. Sát núi Hùng còn có những quả đồi như phượng cặp như (Tiên Kiên), hổ phục (Khang Phụ - Chu Hoá). Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội. Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh ta có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp của sơn thuỷ hữu tình. Tương truyền vua Hùng đã đi khắp mọi miền, về đây chọn làm đất đóng đô.

Đình Thơm
Bạn đang đọc bài viết "Hàng trăm ngàn người dân và du khách thập phương đã về với Đền Hùng để hành hương, chiêm bái" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.