Hà Tĩnh: Đền thờ Phạm Tôn Tuyển đón nhận Bằng xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia

18/02/2024 12:17

Theo dõi trên

Sáng nay (18/02) chính quyền và dòng họ Phạm Bá (thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã long trọng đón nhận Bằng di tích Lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Phạm Tôn Tuyển.

2-1708186838.jpg
Đền thờ Phạm Tôn Tuyển tọa lạc tại thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ (Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo huyện Lộc Hà; đại diện chính quyền xã Mai Phụ cùng con cháu dòng họ Phạm Bá.

Phạm Tôn Tuyển (1695 - ?) có tên húy là Miến, tên chữ Phạm Tôn, sinh ra tại làng Vĩnh Luật nay là thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ (Lộc Hà), thuộc đời thứ 6 dòng họ Phạm Bá. Ông là người có nhiều đóng góp cho dân tộc gia đoạn lịch sử thời Lê - Trịnh. Ông mất vào ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch (không rõ năm mất). Để ca ngợi công đức của ông đối với đất nước, thời nhà Nguyễn vua Khải Định đã 2 lần truy phong ban sắc tặng cho ông.      

Năm Quý Tỵ (1713), Phạm Tôn Tuyển gia nhập quân đội nhà Lê - Trịnh, con đường binh nghiệp ban đầu của ông là theo Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc tham gia chiến trận từ Bắc đạo, Hưng Hóa đến Sơn Nam, lập được công lao góp phần ổn định triều chính nên vua Lê Hiển Tông đã ban sắc phong cho ông chức Đội trưởng đội Tiệp Hậu. Sau một thời gian chinh chiến ngoài biên ải, Phạm Tôn Tuyển được tiến cử vào làm việc trong Phủ Liêu (phủ Chúa Trịnh), đây là một đặc ân đối với ông, bởi Phạm Tôn Tuyển được biết đến là có người có tài trí và kinh nghiệm quản lý binh lương trong quân đội. Phạm Tôn Tuyển giữ chức Câu kê - một chức văn quan trong Lục Phiên ở phủ Chúa, nhưng ông được tặng thưởng hàm Chánh nhất phẩm bên ngạch võ là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, cùng tước phong là Thần Thọ bá (thuộc Ngũ đẳng đứng sau tước Công, Hầu và trên tước Tử, tước Nam). Qua chức vụ và phẩm hàm cho biết Phạm Tôn Tuyển phải là người lập được công lao trong chiến trận và có nhiều đóng góp nên mới được ban thưởng Tước và Hàm cao như vậy. Tại đền thờ đang lưu giữ bài vị thờ Phạm Tôn Tuyển có nội dung: "Tiên tổ khảo tiền Lê triều, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Khâm thụ Câu kê, Thần thọ Bá, Phạm tướng công gia phong Dực bảo trung hưng Thượng đẳng tôn thần".

z5169872393744-0f0ff7e919ebffe3792de7f7576e5f04-1708232014.jpg
Ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia cho đại diện dòng họ.

Qua tư liệu đã phác họa những nét chính về thân thế và sự nghiệp của Phạm Tôn Tuyển, tuy chưa thực sự nổi bật về tất cả các lĩnh vực, song những nội dung trên đã phản ánh hành trạng của một võ quan triều đình cầm quân xông pha nơi chiến trận và một vị quan văn mẫn cán với công việc trong Phủ Chúa. Dù ở vị trí nào trong triều hay ngoài trấn, cuộc đời sự nghiệp của Phạm Tôn Tuyển luôn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tận trung, tận hiếu phục vụ triều đình và đất nước, xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận.

Sau khi về quê trí sĩ, Phạm Tôn Tuyển là người đã góp công giúp dân khai khẩn đất đai, đắp đê ngăn mặn, mở rộng ruộng đất canh tác góp phần tạo thuận tiện cho dân cư trong vùng giao thương buôn bán với các vùng khác, xoá bỏ sự ngăn cách sông nước tồn tại lâu đời ở vùng bãi Ngang. Do đó, để tri ân, tưởng nhớ công đức của Phạm Tôn Tuyển đối với quê hương, nhân dân Mai Phụ đã thờ ông tại đình làng Vĩnh Phúc, hàng năm tổ chức tế lễ rất chu đáo, trọng thể theo nghi thức thờ thành Hoàng làng. Ngoài ra, Phạm Tôn Tuyển còn được thờ tại miếu Nhà Quan được xây dựng để thờ phụng các vị quan võ người làng Mai Phụ có công với đất nước. Trong miếu Nhà quan trước đây có nhiều đồ tế khí, long ngai, bài vị của Đặc tiến phụ quốc tướng quân Phạm Tôn Tuyển và Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Nguyễn Xứng được dân làng cung tiến và thờ chung.

z5169872391503-518ccfa4aa357ee067be83243153ae1b-1708232014.jpg
Con cháu dòng họ tổ chức lễ rước bằng về Đền thờ.

Dưới thời nhà Nguyễn, ghi nhận công lao của Phạm Tôn Tuyển với đất nước và những ảnh hưởng của ông trong đời sống văn hóa tinh thần đối với nhân dân địa phương, vua Khải Định đã ban hai đạo sắc gia phong vào các năm 1917 và 1924 cho Phạm Tôn Tuyển thăng thưởng từ Quang ý Trung đẳng thần lên Trác vĩ Thượng đẳng tôn thần và giao cho dân làng thờ phụng theo điển lệ quốc tế. Qua nội dung hai đạo sắc phong do triều Nguyễn phong thần cho Phạm Tôn Tuyển - một nhân vật lịch sử thuộc triều Lê, cho thấy đó là sự ghi nhận, đánh giá rất cao vai trò, công trạng của ông đối với đất nước, quê hương. Một chỉ dụ năm Gia Long thứ 3 (1804) quy định việc ban sắc phong cho các nhân thần thuộc triều đại trước như sau: “Các nhân thần đời Lê trở về trước, lúc sinh thời giữ lòng trung làm việc nghĩa, có công đức rõ rệt, sau khi mất đi, trừ tai ngăn nạn vẫn nổi tiếng thiêng liêng, đã có sắc tặng của triều Lê thì ban tặng mỹ tự các hạng Thượng, Trung, Hạ đẳng thần”.

Phạm Tôn Tuyển là nhân vật lịch sử có công tích được triều Lê ban sắc, nhân dân lập đền thờ và tôn làm phúc thần của làng, điều đó cho thấy với sự tôn kính, trọng thị và vai trò, ảnh hưởng của ông trong đời sống tinh thần đối với nhân dân địa phương từ xưa đến nay rất sâu sắc. Điều đó đúng như nội dung khắc trên câu đối treo tại đình làng Vĩnh Phúc xưa: “Sinh vi tướng, tử vi thần cốt cách người họ Phạm/ Trung với vua, giúp nước dưới thời Hậu Lê”.

Hiện nay, Đền thờ Phạm Tôn Tuyển tọa lạc trên một khuôn viên rộng đẹp, phía Đông tựa dãy Nam Giới, phía Bắc tựa dãy Bằng Sơn, phía Nam gần sông Hạ Vàng, phía Tây nhìn dãy Trường Sơn hùng vĩ: "Bắc Hướng Bằng Sơn Sơn Án Đại/Nam Phương Hải Thủy Thủy Lưu Trường".

z5169872392016-d0eab8b7e801101369acc7fc9176e68e-1708232014.jpg

Đền thờ gồm 3 tòa: Thượng Điện là nơi thờ phụng linh thiêng có các ban thờ sơn son thiếp vàng, ở đó thờ phụng ông với pho tượng uy nghi mà nhân từ cùng với 2 đạo sắc, thẻ bài, 2 thanh binh đao dài 2,7 mét cùng với các đồ thờ cổ kính, hoành phi, câu đối. Tiếp đến là phần Mái Đính là nơi ông tiếp đón các bậc Thánh Nhân thiên địa, hai bên là tả vu, hữu vu được bố trí hài hòa và đối xứng, phía trước Mái Đính là Ban thờ cộng đồng- nơi Tổ Binh, Quân Thần của ông tham dự, trước đó là Hương Án và lư hương chung để cháu con thuận tiện trong việc 4 hương khói phụng thờ. Tòa thứ 3 là Bái Đường - nơi mà Ban Lễ dòng họ tiến hành các nghi lễ cung tiến lên ông. Nơi đây có các bức hoành phi, câu đối và trưng bày 1 bộ Kiệu rước mà trước đây ông cha đã vào rước Đạo sắc của ông từ Cung Đình Huế. Phía trước Bái Đường là Tắc Môn và 2 cột nanh mang những linh vật uy nghi và linh thiêng. Phía bên phải là nhà bia khắc ghi công trạng to lớn của ông, bên trái là nhà bia tưởng niệm ghi danh Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng và 13 liệt sỹ - những người con của dòng họ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu quốc. Phía trước là cổng Tam Quan với nét thiết kế cổ kính mà hiện đại với các câu đối giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và định vị địa danh Ngôi Đền.

Đền thờ Phạm Tôn Tuyển là một công trình có giá trị văn hoá – lịch sử được con cháu dòng họ và địa phương lưu giữ, bảo tồn, thể hiện giá trị tâm linh rất quan trọng của di tích trong đời sống nhân dân địa phương cũng như con cháu dòng họ.

Với những giá trị về lịch sử văn hóa cũng như công lao to lớn đó, ngày 29/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4243/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Đền thờ Phạm Tôn Tuyển là di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Hà Tĩnh: Đền thờ Phạm Tôn Tuyển đón nhận Bằng xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.