Hà Tĩnh cần quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa

13/09/2017 14:01

Theo dõi trên

Từ điểm đầu cực Bắc Nghi Xuân đến phía Nam vùng biên ải Đèo Ngang, dải đất hồng Lam mang trong mình một hệ thống di tích lịch sử văn hóa vô giá. Đó chính là vốn di sản văn hóa quý báu có giá trị rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Theo thăng trầm thời gian với nhiều lý do khách quan, hiện nay, nhiều di tích đã bị xuống cấp trầm trọng cần được quản lý, trùng tu, tôn tạo và khai thác hiệu quả.



Chùa Thiên Tượng – một di tích danh thắng có tiếng ở Hà Tĩnh

Báu vật ông cha

Hà Tĩnh là một địa bàn tụ cư của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước với huyền thoại “Cố đô ngàn Hống” và những chứng tích khoa học mà các nhà khảo cổ đã khẳng định với nhiều di chỉ có niên đại trên 4 ngàn năm như Phôi Phối – Bãi Cọt, Thạch Lạc… Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn có một bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với những làng xã, dòng họ, nhân vật, sự kiện, nổi tiếng khắp cả nước. “Cơ địa” đó đã tạo nên cho mảnh đất này một tài nguyên vô giá là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa với nhiều loại hình, phân bố ở hầu khắp các địa phương, là một tỉnh được xếp trong tốp 15 tỉnh dẫn đầu về “gia sản văn hóa” mà cha ông để lại.

Trải qua sự tàn phá khốc liệt của thời gian, thiên tai, địch họa, dù bị mất mát nhiều nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn còn 552 di tích được xếp hạng, trong đó có có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 77 di tích quốc gia, 433 di tích cấp tỉnh với đủ loại hình đặc trưng. Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến có Ngã Ba Nghèn, Ngã Ba Đồng lộc, Làng K130, Chỉ huy sở 559… Di tích danh thắng có Chùa Hương Tích, Chùa và Hồ Thiên Tượng… Di tích danh nhân văn hóa có Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… Di tích danh nhân cách mạng có Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập… Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Ca Trù, Chèo Kiều ở Nghi Xuân; hát sắc bùa ở Kỳ Anh, ví phường vải ở Can Lộc, hát giặm ở Thạch Hà, ví đò đưa ở Đức thọ… Trên địa bàn có 69 lễ hội, trong đó có 1 lễ hội cấp quốc gia và 13 lễ hội quy mô lớn. Lễ hội cầu Ngư ở Cẩm Xuyên; lễ hội đua thuyền ở xã Trung Lương, Hương Khê, Cẩm Nhượng; lễ hội chùa Hương Tích ở Can Lộc, lễ hội đền Chiêu Trưng…

Có thể nói, Hà Tĩnh là đất “giang sơn tụ khí” không chỉ theo nghĩa địa lý phong thủy mà xét về trầm tích văn hóa giống nòi qua các thời đại ở từng vùng, miền. Tuy nhiên, hệ thống di tích ở Hà Tĩnh hiện đang phải đối mặt với sự xuống cấp, thậm chí nhiều di tích đã đổ nát thành phế tích, nhiều di tích chỉ còn tồn tại trong các thư tịch, tài liệu như trấn lỵ Dinh Cầu ở Kỳ Anh, đền Nen ở Thạch Hà, phố cổ Phù Thạch ở Đức Thọ, chùa Nghèn ở Can Lộc, đền thờ Tổ sư Giáo phường Cổ Đạm… Nhiều di sản văn hóa phi vật thể như truyền thuyết, giai thoại, truyện cười dân gian,… bị rơi rụng theo trí nhớ và tuổi tác của nghệ nhân…
 


Đền thờ cụ Phan Đình Phùng được phục dựng lại sau nhiều năm lưu tán

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản

Kho tàng di sản văn hóa là báu vật của cha ông để lại. Là minh chứng hùng hồn, khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa, đạo lý nhân văn, là niềm tự hào về trang sử truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Do đó, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, khai thác di sản văn hóa phải được chú trọng đặc biệt, đảm bảo tính khoa học, tôn trọng đặc điểm di tích gốc và tôn trọng quá khứ. Theo đó, hoạt động khai thác di sản văn hóa phải phát huy được giá trị truyền thống, phù hợp với nguyện vọng đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân. Đó là nền tảng tinh thần rất cần thiết để người Hà Tĩnh vững tin tới tương lai.

Nhận thức đúng đắn ý nghĩa nhân văn của việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhiều năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Nhiều di tích lịch sử văn hóa được lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều công trình di sản văn hóa như đền, chùa, miếu mạo liên quan đến đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân được trùng tu, tôn tạo nguyên trạng, được bảo vệ, khai thác hiệu quả.

Công tác quản lý nhà nước về di sản cũng được tăng cường. Hầu hết việc tổ chức lễ hội ở các di tích đều được ngành văn hóa cấp phép và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức theo quy chế Bộ ban hành. Ngành cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn hoạt động tại các di tích, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, lệch lạc, nhất là trong việc trùng tu, tôn tạo, trong quản lý thu và sử dụng tiền công đức, hoạt động các dịch vụ…

Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh thì công tác quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống các di sản văn hóa hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Khá nhiều di tích được tôn tạo trong thời gian qua mới chỉ đảm bảo được việc chống xuống cấp vì kinh phí quá ít. Thiếu quy hoạch tổng thể, chưa đầu tư đúng mức nên nhiều di tích chưa trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Một số di tích gắn với lễ hội, tín ngưỡng đang có xu thế bị thương mại hóa hoặc nặng nề về hoạt động mê tín dị đoan. Tình trạng đất đai bị lấn chiếm, xây dựng tùy tiện các hạng mục vẫn chưa được hạn chế. Mô hình quản lý di tích còn thiếu thống nhất, có nơi còn khoán trắng cho tư nhân, nguồn thu từ di tích bị sử dụng sai mục đích, không đầu tư trở lại để bảo tồn, phát triển…

Ngoài việc khắc phục những hạn chế trên, những năm tới Hà Tĩnh sẽ phải tiến hành một số công việc trọng tâm để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đầu tiên là xây dựng quy hoạch bảo tồn hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh. Hai là xây dựng và huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo di tích, đặc biệt là nguồn xã hội hóa. Ba là tư liệu hóa để xếp hạng di tích – một công việc hết sức bức thiết nhưng đòi hỏi sự công phu, cẩn trọng. Bốn là, đánh thức được tiềm năng và lợi thế của hệ thống di tích, khai thác tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch. Đây là mối quan hệ tương hỗ, tỷ lệ thuận với nhau. Đồng thời tăng cường và đổi mới công tác quản lý di tích…

Có thể nói, hệ thống các di sản văn hóa thực sự là một nguồn tài nguyên vô giá mà các thế hệ trước đã để lại cho chúng ta. “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Làm thế nào để bảo vệ và phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này phục vụ cho đời sống văn hóa hiện tại và tương lai – thiết nghĩ, đó không chỉ thuần túy là trách nhiệm mà cao hơn, còn là lương tâm, tình cảm của mỗi người, mọi tổ chức, cộng đồng, xã hội.

Minh Thụ

Bạn đang đọc bài viết "Hà Tĩnh cần quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.