Giữ hồn nhạc lễ cổ truyền

23/12/2015 08:16

Theo dõi trên

Theo sự phát triển của xã hội, nhạc lễ cổ truyền cũng dần lui về quá khứ. Vốn là loại hình âm nhạc truyền thống được hình thành trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, nhạc lễ đang rất cần thế hệ tiếp nối để không rơi vào mai một.

Nhạc lễ trong quá khứ
 
Không biết tự bao giờ, nhạc lễ trở thành bộ phận quan trọng trong hoạt động tín ngưỡng của người Việt. Từ thuở khai sơ mở đất, dưới những mái ngói rêu phong, tiếng nhạc lễ đã vọng vang trong mỗi dịp cúng đình. Theo nhu cầu cộng đồng, nhạc lễ cũng bước vào các hoạt động lễ tế, đám tiệc của người dân. Bởi thế, tuy không phát triển mạnh mẽ như đờn ca tài tử hay sân khấu cải lương, nhạc lễ vẫn có “đất sống” khá rộng trong vài thập niên trước.
 
Đã có hơn 40 năm gắn bó cùng nhạc lễ cổ truyền, ông Nguyễn Văn Nghiệp (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) cho biết: “Tôi là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống nhạc lễ. Gắn bó với tiếng đờn, tiếng mõ từ lúc thiếu thời nên tôi xem nhạc lễ là cuộc sống của mình. Ngày trước, nhạc lễ được sử dụng rộng rãi, nhất là các dịp cúng tế của người dân. Bởi thế, ông nội và cha tôi đi phục vụ liên tục”.
 
Về kết cấu, nhạc lễ cổ truyền có đầy đủ các bộ nhạc cụ, gồm: Bộ gõ, bộ vỗ, bộ hơi, bộ kéo và cả bộ gảy... Dần dần, các nhạc cụ này được tinh gọn cho phù hợp với điều kiện thực tế. Người ta chỉ sử dụng các nhạc cụ gảy, gõ và dây kéo vĩ, không dùng các loại trống, kèn như trước nữa. Bên cạnh, nhạc cụ đóng vai trò “chủ đạo” trong dàn nhạc lễ cũng khá đặc biệt. “Đờn ca tài tử lấy đờn kìm làm chánh để giữ nhịp cho cả dàn nhạc, trong khi nhạc lễ lại dụng cây đờn cò. Bài bản được sử dụng thường xuyên nhất trong lễ cúng đình là 3 bài nam cò, gồm: Bài hạ, bài đảo và bài xuân. Nếu là đám tang, người ta không sử dụng bài xuân, mà thay bằng lớp nam ai và bài xuân nữ với âm điệu ai oán nhằm thể hiện cảm xúc buồn đau” - ông Nghiệp giải thích.
 
Nhờ khả năng diễn tấu đa dạng, nhạc lễ đã thể hiện cung bậc cảm xúc của đời sống cộng đồng khá phong phú. Do đó, tiếng nhạc lễ vẫn cứ vang vọng thường xuyên, trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng của người dân Nam Bộ trong những thập niên trước.
 



Các thế hệ đam mê nhạc lễ trong gia đình ông Nghiệp
Về đâu nhạc lễ cổ truyền ?
 
Dù đã có thời kỳ phát triển mạnh nhưng nhạc lễ cũng đang rơi vào giai đoạn thoái trào. “Hiện nay, muốn duy trì nhạc lễ cổ truyền rất khó khăn. Ngày trước, mỗi ngôi đình làng đều có ban nhạc lễ riêng với nhạc cụ đầy đủ. Bây giờ, từ xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc) đến thị trấn Nhà Bàng và xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) chỉ có 2 ban nhạc nhưng cũng hoạt động cầm chừng” - ông Nghiệp tiếp lời.
 
Theo ông Nghiệp, cái khó hiện nay của nhạc lễ cổ truyền chính là không tìm được đội ngũ kế thừa và sự quay lưng của xã hội. Khi giới trẻ chỉ đam mê các loại hình nghệ thuật hiện đại thì tất yếu nhạc lễ trở nên xa lạ với họ. Hiện, ông Nghiệp đang là “chủ bầu” của ban nhạc lễ cổ truyền với hơn 10 thành viên và phải đi lưu diễn ở những nơi khá xa, có khi xuống tới TP. Long Xuyên và huyện Chợ Mới, Thoại Sơn mới có thể đảm bảo thu nhập cho nhạc công. Anh Nguyễn Văn Cốm, thành viên của ban nhạc lễ xã Vĩnh Tế, chia sẻ: “Người dân bây giờ chủ yếu chuộng dàn nhạc “sống”, chứ mấy ai quan tâm đến nhạc lễ. Chúng tôi chỉ còn trông vào những đám cúng đình, đám tang nhưng đôi lúc vẫn đang bị cạnh tranh gay gắt. Vì đây là truyền thống gia đình nên tôi cũng cố gắng gắn bó với nó”.
 
Để duy trì “cái nghiệp” đã tồn tại hơn 3 đời của gia đình, ông Nghiệp đang tích cực truyền dạy ngón đờn cho mấy đứa cháu nội, với hy vọng chúng sẽ nối tiếp những âm thanh trầm bổng đã trải dài suốt cuộc đời mình. “Tôi chỉ có một mong ước là truyền thống nhạc lễ của gia đình sẽ không bị mai một. Ngày nào đôi tai còn tỏ, đôi mắt còn tinh là tôi cố gắng truyền dạy tình yêu nhạc lễ cổ truyền đến lớp cháu con ngày nấy” - ông Nghiệp trải lòng.
 
Theo Thanh Tiến (TTMT)

Bạn đang đọc bài viết "Giữ hồn nhạc lễ cổ truyền" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.