Gìn giữ di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu

27/11/2014 07:43

Theo dõi trên

Liên hoan văn hóa Tín ngưỡng Thờ Mẫu năm 2014 lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội từ 15/10 - 17/11/2014. Sự tham gia với số lượng vượt trội 250 thanh đồng cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản này.

Tuy nhiên, còn đó những băn khoăn là làm sao để hạn chế sự chệch hướng, biến tướng của di sản, để Chầu Văn - nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của Đạo Mẫu xứng đáng trở thành Di sản văn hóa đại diện của nhân loại mà Việt Nam đã đệ trình UNESCO công nhận vào năm 2016.

Di sản đứng trước những biến tướng

Tín ngưỡng thờ Mẫu hay Đạo Mẫu là một trong những tín ngưỡng lớn ở Việt Nam. Với 36 giá đồng, Mẫu đã hoá thân, cầu cho nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thoát khỏi những tai ương trong cuộc sống, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, no ấm, hòa bình hơn. Đạo Mẫu luôn ca ngợi, tôn vinh công đức của những danh nhân, những người có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giúp đỡ nhân dân.

Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, Đạo Mẫu cũng là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng, thu hút nhiều người, nhất là các bà, các mẹ tham gia.

Trong quá trình hình thành, phát triển của Đạo Mẫu có hàng trăm bài văn chầu được dân gian sáng tác. Các bài văn chầu được ví như những truyền thuyết bằng thơ, thường có hàng trăm câu với nội dung mô tả cảnh tình, ca ngợi công đức, răn dạy người đời.

Thực tế hiện nay, nghi thức Chầu văn đang đứng trước nguy cơ biến tướng. GS.TS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thừa nhận: “Nghi thức Chầu văn hiện đầy rẫy trục lợi, toan tính. Tôi thường nói với các thanh đồng (người đứng giá đồng) Đạo Mẫu là ngôi nhà đẹp, nhiều ý nghĩa nhưng cũng đầy “rác rưởi”. Giờ là lúc tất cả cùng bắt tay nhau lại để “dọn dẹp”, trả lại ý nghĩa cho ngôi nhà đó”.

GS.TS. Ngô Đức Thịnh cũng khẳng định: “10 vị thanh đồng thì có đến 9,5 người không hiểu bản chất của di sản này. Đó là thực tế, họ là những người làm chủ tín ngưỡng mà không hiểu gì, nguy hại là họ lại có ảnh hưởng và hướng dẫn sai cho nhiều người khác. Các thanh đồng hiện không có ai kìm chế, định hướng mà mạnh ai nấy làm, vấn đề là làm sao để họ tự nhận thức được cái hay, cái dở để điều chỉnh hành vi của mình, hạn chế thấp nhất những trục lợi trong nghi lễ này. Trong cuộc sống, cũng có không ít nhà quản lý, nhà khoa học chưa hiểu về nghi lễ. Tôi rất muốn mọi người đến xem hầu đồng để thấy nó tốt chỗ nào, xấu chỗ nào, sau đó có những nhận xét đúng, sai cũng như nhìn nhận nhu cầu của xã hội một cách cởi mở”.

Còn theo TS. Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long thì: “Nghi lễ hầu đồng tại nhiều nơi thể hiện rõ tính thương mại và vụ lợi thông qua các hình thức ban phát lộc, cung cách cầu xin của con nhang, đệ tử... Bên cạnh những thanh đồng chân chính, thì vẫn còn những người lợi dụng bóng Thánh để kiếm lợi. Đáng lo ngại là những người này xuất hiện ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do hiểu biết chung của một số thanh đồng về sứ mệnh của mình còn mù mờ. Chính sự lệch lạc trong tu hành, có người tin quá thành cuồng tín, có người không tín cũng ra hầu nên thành “đồng đua - đồng đú”. Ngay cả hát Văn cũng nhiều vấn đề đáng bàn, bởi hiện tượng đua đòi trong hành nghề của một số cung văn trẻ làm biến dạng loại hình này. Một số cung văn chạy theo lợi nhuận, học hát một cách vội vã, bắt chước mỗi nơi, mỗi người một ít rồi mua đàn, mua phách, hát văn nghêu ngao, cốt là lợi dụng để xin lộc. Ngoài ra, nhiều thanh đồng không biết những điệu hát cổ, đưa lời mới vào hát Văn làm biến tướng di sản”.

Gạn đục khơi trong

Năm 2013, sau Liên hoan văn hóa Tín ngưỡng Thờ Mẫu lần thứ nhất, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận cho các thanh đồng đoạt giải và có các tiết mục biểu diễn chất lượng cao. Đây có thể coi là “chứng chỉ hành nghề” nhằm sàng lọc những đối tượng lợi dụng cơ hội để trục lợi từ nghi lễ này.

Để hạn chế những biến tướng, theo TS. Lưu Minh Trị, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có văn bản hướng dẫn thực hành nghi lễ hầu đồng ở các đền, điện, phủ trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn cho các ban quản lý, thủ nhang, đồng đền thực hiện và tự quản, phối hợp cùng chính quyền xã, phường, kiểm tra để phát huy đúng giá trị quý của nghi lễ chầu văn.

Còn theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh, quan trọng là phải hướng các thanh đồng ý thức được giá trị của di sản. Ông khẳng định: “Trong Đạo Mẫu, mọi người thích chơi trội, ngay như chuyện đua nhau đốt vàng mã cũng là một vấn đề, rồi sự trục lợi, toan tính... Nhưng đó là khi chúng ta chưa tập hợp được các thanh đồng, giúp họ định hướng trên nguyên tắc họ là chủ thể của di sản. Sắp tới, chúng ta sẽ tổ chức theo cách thức này và giáo dục các thanh đồng, hướng họ vào một quỹ đạo. Tôi tin rằng, khi đã hiểu được tín ngưỡng mà mình theo đuổi, các thanh đồng sẽ có ý thức giữ gìn, đắp bồi thêm vẻ đẹp của hầu đồng”…

Việc thường xuyên tổ chức Liên hoan cùng với những quy định cụ thể, rõ ràng, góp phần tôn vinh những thanh đồng có chất lượng, giữ đúng giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những cách để gìn giữ, phát huy giá trị của di sản này, góp phần làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam.

Theo Làng Việt Online
Bạn đang đọc bài viết "Gìn giữ di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.