Giải mã di tích 5 "Ông Thẻ" ở An Giang (Kỳ I)

01/10/2021 16:45

Theo dõi trên

Từ rất lâu, người dân ở khu vực miền Tây Nam bộ lập miếu thờ 5 “Ông Thẻ” ở 5 địa chỉ khác nhau thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên (Gồm 1 phần của 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ). “Ông Thẻ” là cách gọi tôn kính của người dân địa phương dành cho 5 cột gỗ mà nhà sư Đoàn Minh Huyên – Giáo chủ hệ phái Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương - đóng trấn yểm địa huyệt từ nửa cuối thế kỷ 18.

01-1633062545.jpg
“Dinh Quan Thẻ” ở ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Dinh Quan Thẻ Số Một

Tại ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có một ngôi miếu tồn tại hơn 150 năm. Trên chiếc cổng xây năm 1999, có tấm biển ghi: “Dinh Quan Thẻ, số 1”. Trước ngôi miếu, có một hồ sơn thủy có tượng “Song long chầu vị”.

Vào khoảng đầu thế kỷ 20, một nông phu ở kênh xáng Xà No (Cần Thơ), tên là Trần Văn Đính chèo thuyền ngược lên thượng nguồn Hậu Giang tìm đất khai hoang. Khi xuôi đến Cần Đăng, thấy đất xanh tươi, ông cắm neo, lên bờ hạ trại và bắt đầu khai dở đất.

Khi khai dở đất hoang, ông Đính phát hiện một trụ gỗ lũa có hình thù kỳ lạ được chôn đứng dưới đất. Cây gỗ dài khoảng 1,5 mét, đường kính khoảng 35cm, phần ngọn nhú trên mặt đất được chạm hình búp sen.

Lúc đầu, ông không quan tâm đó là vật gì nhưng sau đó, cây trụ gỗ phát sinh nhiều chuyện lạ. Cứ hễ ai chạm tay vào trụ đều bị đau bệnh phải khấn cúng mới hết. Thỉnh thoảng, những đêm tịch mịch, người trong làng lại nghe tiếng trống thúc quân thì thùng vang lên từ hướng cây trụ gỗ nhưng đến gần thì tiếng trống mất tăm.

Thấy trụ gỗ linh thiêng, ông Đính cất một cái miếu nhỏ dơn sơ bằng gỗ gáo, lợp lá che nắng mưa rồi đốt nhang khấn nguyện hàng ngày. Kể từ đó, không ai còn nghe thấy tiếng trống nữa. Trong làng, ai bị đau bệnh đến trước trụ gỗ thành tâm khấn nguyện là hết. Mãi đến mấy chục năm sau, có một vị tu sĩ đến làng giảng đạo, nghe dân làng kể về cây trụ gỗ mầu nhiệm đã đến xem xét. Sau khi xem xét, vị tu sỹ cho biết đó là thẻ bài trấn yểm địa huyệt của Đức Phật Thầy Tây An, tức nhà sư Đoàn Minh Huyên – Người sáng lập hệ phái Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Vị tu sỹ đề nghị dân làng đào bới trụ gỗ lên thì quả nhiên trên thân trụ có khắc dòng chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Sợ phạm úy, ông Đính chôn lại trụ gỗ sâu xuống đất, bên trên xây một cái hồ sơn thủy để bảo vệ rồi tôn tạo ngôi miếu thờ “Quan Thẻ” khang trang hơn. Từ đó, dân chúng các nơi đến nhang đèn thờ cúng, cầu xin tài lộc ngày càng đông.

Sau khi ông Đính qua đời, các thế hệ con cháu của ông nối tiếp việc thờ phụng “Quan Thẻ”. Hiện nay, ông Trần Văn Chinh (thường được gọi là ông Tám) cháu nội đích tôn của ông Đính là người quản lý dinh.       

02-1633063547.jpg
Phần còn lại của “Ông Thẻ” được bảo quản tại chùa Bồng Lai nằm sát mép kênh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế thuộc thị xã Châu Đốc, An Giang.

Dinh Ông Thẻ Bài Bài

Địa điểm thứ hai có di tích “Ông Thẻ” là ngôi chùa Bồng Lai (còn có tên gọi khác là chùa Bài Bài hoặc Bà Bài) nằm sát mép kênh Vĩnh Tế, phường Vĩnh Tế thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chùa Bồng Lai đã được tỉnh An Giang chứng nhận là dí tích lịch sử kháng chiến của tỉnh từ năm 2004. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, chùa Bồng Lai là nơi trú ngụ bí mật của lực lượng kháng chiến địa phương.

Bên trong ngôi chùa, ngoài cách bày trí thờ phượng giống như cách bày trí ở “Dinh Quan Thẻ”. Bên cạnh chùa, sát mép kênh Vĩnh Tế còn có một ngôi miếu ghi biển: “Dinh Ông Thẻ”. Bên trong ngôi miếu thờ một lõi gỗ phủ vải đỏ. Đó là “Ông Thẻ”.

Ngôi chùa này được do ông Đạo Lập - là một trong 12 đại đệ tử của Phật Thầy Tây An - xây dưng để bảo vệ, gìn giữ cây “thẻ” trấn yểm.

03-1633063635.jpg
Tấm bia được cho là Pháp sư Cao Biền trấn yếm bị Đoàn Minh Huyên phá yếm. Tấm bia này vẫn còn lưu giữ ở chùa Bồng Lai.

Theo đạo sử Phật giáo Hòa Hảo, ông Đạo Lập có tên thật là Phạm Thái Chung, pháp danh là Sùng Đức Võ Tiên Sanh, quê quán ở Cồn Tiên, thuộc làng Đa phước (nay thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang). Vì có công tạo lập ngôi chùa Bài Bài nên cư dân địa phương gọi ông là Đạo Lập. Tuy nhiên, trong bài vị đặt trên bàn hương án ở chùa Bài Bài lại ghi pháp danh là Bồng Lai La Hồng Tiên Sanh. Còn chư tang ở chùa gọi ông là Đức Tiên Sanh.

Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo truyền tụng nhiều giai thoại ly kỳ liên quan đến ông Đạo Lập. Những giai thoại này kể rằng ông Đạo Lập có nhiều phép thần thông, có thể dùng nón lá làm thuyền vượt sông, dùng sợi chỉ thay thế xích sắt kéo dựng cây gỗ làm cột xây chùa, dùng phù chú trị bệnh… Trong số những giai thoại huyễn hoặc đó, có 1 câu chuyện gắn với tấm bia đá trấn yểm đang được lưu giữ tại ngôi miếu nhỏ bên ngoài chánh điện chùa Bài Bài.

Tấm bia bằng đá có khắc hàng chữ Hán nơi viền mép: “Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thụ, cốc đán”. Câu này được diễn giải là: “Mùa thu, tháng 8, năm Càn Long, nhà Thanh thứ 57”. Ở giữa tấm bia đá không có dòng chữ nào. Người ta tin rằng, ở giữa tấm bia đã từng có chữ bùa nhưng đã bị ông Đạo Lập đục bỏ để giải ếm.

Người ta đồn đoán rằng, có thể thuộc hạ của Mạc Cửu chôn tấm bia này nào vào năm 1740 ở núi Nước để trấn yếm. Sau khi lập chùa Bài Bài, ông Đạo Lập đã phát hiện tấm bia đã cho đệ tử đào lên, đục bỏ các chữ bùa rồi mang về chùa giải yếm.

Hiện nay, cây gỗ Ông Thẻ vẫn còn được lưu giữ, bảo quản và thờ phụng tại chùa Bài Bài mặc dù đã hao mòn vì… niềm tin thần bí của người dân.

chua-ba-bai-2-1633063897.jpg
Chùa Bồng Lai - nơi lưu giữ và thờ tự Ông Thẻ số 2 

Trước đây, mỗi khi mắc bệnh hiểm nghèo, người ta đã đến chùa khấn nguyện rồi mài Ông Thẻ lấy bột Người ta tin rằng, uống bột Ông Thẻ sẽ trị được tất cả các loại bệnh hiểm nghèo. Hồi năm 1950, nhân lúc chiến tranh, chùa hoang vắng, một ông thầy lang đã lẻn vào chùa cưa lấy 1 khúc đem về nhà mài bột làm thuốc chữa bá bệnh bán cho người dân lấy tiền.

Người ta đồn rằng, vì lẽ đó mà ông thầy lang bỗng dung lăn đùng ra chết. Trong cơn giẩy chết, ông ta đã thét gào: “Xin Ông Thẻ tha mạng! Xin Ông Thẻ tha mang!”. Hoảng sợ, bà vợ đem 2 miếng gỗ còn lại trả cho chùa. Đến nay, 2 miếng gỗ vẫn còn trên bàn thờ ông Đạo Lập trong chùa Bồng Lai./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Giải mã di tích 5 "Ông Thẻ" ở An Giang (Kỳ I)" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.