Là nhà giáo, lại là hậu duệ nhà Nguyễn, ông Bảo Hiến rất am hiểu về lịch sử 13 vị vua. Giới thiệu từng bức ảnh trên tường, ông kể chúng tôi nghe nhiều giai thoại thú vị về triều Nguyễn, về các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân… hầu như ít phổ biến rộng rãi trên sách báo. Ông nói: “Những gì tôi biết, chủ yếu là nghe ba tôi kể lại, rồi sau này tìm hiểu thêm. Chỉ tiếc khi ba tôi mất, tôi còn nhỏ quá! Trước đây, ở Huế có Nguyễn Phước Bảo Hiền (anh em nhà chú bác với tôi) chăm lo việc hương khói và nắm giữ nhiều tài liệu về dòng tộc vua Thành Thái nay đã qua đời, giao lại công việc nàycho hai cha con Bảo Khôi và Quý Hưng, chứ tôi không phải là người biết nhiều”.
Ông Bảo Hiến và ông Bảo Khôi tại lễ hiệp kỵ 3 vua
Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên, sau lần đầu tiên gặp ông Bảo Hiến, về đối chiếu lại các trang web giới thiệu Gia phả hậu duệ vua Minh Mạng, Phả hệ tộc Nguyễn Phước, Phả hệ vua Thành Thái… thì chúng tôi nhận thấy, trong số các hoàng tử của vua Thành Thái, không thấy nhắc đến Hoàng Nhứt tử Vĩnh Hy (trong khi Hoàng trưởng tử Vĩnh Diệm được nhắc đến đầu tiên). Gặp lại ông Bảo Hiến, bày tỏ sự thắc mắc này, thì ông cho biết: “trước kia có lẽ một vài người nào đó khi biên soạn Gia phả không có điều kiện thu thập, tham khảo kỹ, nên trong các tài liệu đó thường bỏ sót, với lời chú thích: “Vua Thành Thái có rất nhiều con, chưa được khảo sát đầy đủ. Tên các hoàng tử và công chúa do các tài liệu ghi lại còn nhiều mâu thuẫn”. Do đó, về sau Hoàng tộc có họp lại và bổ sung đầy đủ hơn khi thực hiện quyển Phả hệ mới. Cụ thể, ông Bảo Hiến cho tôi xem quyển Phả hệ Nguyễn Phước tộc đệ tứ chánh hệ (năm 2003) ghi rõ danh sáchgia đình của từng chi hệ. Ông Bảo Hiển cũng giải thích, Hoàng tử Vĩnh Hy thân phụ của ông là con trai đầu của Hoàng phi thứ nhất được gọi là Hoàng Nhứt Tử, còn Hoàng tử Vĩnh Diệm là con trai đầu của Hoàng phi thứ hai được gọi là Hoàng trưởng tử, vỉ cả hai sinh cùng năm (1895). Sau này, Hoàng trưởng tử Vĩnh Diệm mất sớm, nên Phả hệ thể hiện Chi 1 rồi đến Chi 3, mà không có Chi 2… , Hoàng ngũ tử Vĩnh San (tức vua Duy Tân) thuộc Chi 5.Sau khi về nước, vào năm 1953, vua Thành Thái trở lại thăm Huế đã tập trung đông đủ con cháu tại đây để thăm hỏi. Lúc đó gia đình ông Bảo Hiến còn ở Huế, nên đã được tham dự cuộc sum họp này. Đến 1957, ba ông chuyển vào Nha Trang làm đốc sự ở Tòa hành chính cho đến khi qua đời vào năm 1966.
Liên lạc với gia đình ông Nguyễn Phước Bảo Khôi (nay đã 90 tuổi, con trai Hoàng thập lục tử Vĩnh Lưu) tại Huế, con trai của ông Khôi là Qúy Hưng cũng cho hay, đúng là trước kia, không hiểu vì lý do sao đó mấy quyển Gia phả trước kia ghi sót rất nhiều người. Ngay cả ông tôi Hoảng tử Vĩnh Lưu cũng không có tên. Nay đã bổ sung đầy đủ. Hiện nay mỗi dịp kỵ giỗ ba vua (Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân) tại Huế, bà con trong dòng tộc vua Thành Thái về tham dự rất đông.Những năm gần đây, có hoàng tử Goeorge Vĩnh San (con vua Duy Tân) cùng những người trong tộc họ trước kia sinh ra ở đảo La Réunion; gia đình anh Nguyễn Phước Bảo Tài (con của hoàng tử Vĩnh Giu)… Mùa Xuân năm ngoái, bác Bảo Hiến từ Nha Trang có về đứng ra làm lễ.
Ông Bảo Hiến bên cạnh di ảnh vua Thành Thái
Vua Thành Thái, tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, sinh ngày 4/3/1879, mất ngày 20/3/1954. Trị vì 19 năm (từ 1989) trong hoàn cảnh Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, Ngài đã có tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi lại nền độc lập cho dân tộc. Tuy lên ngôi còn tuổi thiếu niên (10 tuổi), nhưng Ngài đã có tính khí cương nghị và đầy lòng yêu nước. Vì vậy, dù ở ngôi Vua không bao giờ Ngài lấy làm vui sướng, mà luôn luôn suy tư với vận nước. Ngài đã tự giả dạng mất trí, che mắt thực dân Pháp và các hạng mãi quốc cầu vinh, để được tiếp cận dân chúng và các sĩ phu yêu nước mưu đồ đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho xứ sở.
VHVN