Đưa ví, giặm về miền nắng ấm

06/04/2015 08:35

Theo dõi trên

Ngày 10-4, tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), một đêm nhạc có tên gọi “Ân tình ví, giặm” sẽ được ra mắt. Đây là một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh, lan tỏa ví, giặm sau khi loại hình dân ca đặc biệt này được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời cũng để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lan tỏa ví, giặm

Chương trình do nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu làm tổng đạo diễn. Khán giả thành phố mang tên Bác sẽ có dịp thưởng thức và hiểu hơn các làn điệu ví, giặm cổ Nghệ Tĩnh qua giọng ca của NSND Hồng Lựu với Phụ tử tình thâm, các màn diễn xướng Duyên phường cấy, Đêm trăng Phường vải, Tình quê nón lá, hoạt cảnh mang đậm chất hài xứ Nghệ Bần hát ghẹo… của các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

Đặc biệt, đêm diễn có sự góp mặt của nghệ nhân ví giặm Trần Khánh Cẩm 80 tuổi - người có hơn 60 năm hát dân ca Nghệ Tĩnh đến từ Câu lạc bộ dân ca Kỳ Bắc (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) với bài Ô lục soạn, nghệ nhân nhí đầy triển vọng Thanh Xuân đến từ Câu lạc bộ dân ca Ngọc Sơn (Thanh Chương - Nghệ An) với Công cha nghĩa mẹ ơn thầy. Đêm hội còn là sự lên ngôi của các nhạc phẩm đương đại mang âm hưởng dân ca như Ai vô xứ Nghệ, Neo đậu bến quê và đặc biệt là nhạc phẩm Quê hương là núi Hồng, sông Lam - một sáng tác của cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ca ngợi vẻ đẹp quê hương, tình yêu đôi lứa mà ở đó ghi dấu rõ chất dân ca Nghệ Tĩnh. Chương trình phát vé miễn phí dành tặng cho những ai yêu ví, giặm và hy vọng sẽ đem đến cho khán giả sự hấp dẫn bởi sự đan xen, hòa quyện giữa các làn điệu ví, giặm cổ với các bài hát đương đại mang âm hưởng dân ca.

Chương trình trên nằm trong chuỗi giao lưu nghệ thuật ví, giặm, được thực hiện dưới sự kết nối của các cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, những người con xứ Nghệ và những tâm hồn mê đắm loại hình dân ca đặc biệt của Nghệ An, Hà Tĩnh trên khắp mọi miền đất nước. Đưa ví, giặm rời từng làng quê, đồng ruộng, sân đình về với các sân khấu thị thành, để nhiều người hiểu hơn, yêu hơn câu ví, giặm, đó là mong muốn của những cựu học sinh trường Phan. Trước đó, đêm giao lưu “Về miền ví, giặm” đượm ân tình đã được tổ chức tại khuôn viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thành phố Vinh (Nghệ An). Tham gia biểu diễn tại đây, NSND Hồng Lựu chia sẻ: Để bảo tồn và phát triển dân ca, rất cần sự góp mặt của đội ngũ trí thức. Với sự tham gia của những trường học có bề dày thành tích như Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tôi tin tưởng về một sức sống lâu bền của dân ca. Mỗi người dân xứ Nghệ là một thực thể sống của dân ca nên thế hệ sau hãy tiếp thế hệ trước để chủ động hơn nữa, tiếp cận nhiều hơn nữa, như vậy thì thực thể sống dân ca sẽ ngày càng phát triển.

Còn tại đêm nhạc “Ân tình ví, giặm” tổ chức ở Hà Nội mới đây, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi tâm sự: Tôi mong muốn những đêm diễn đầy ý nghĩa như thế này sẽ được tiếp tục tổ chức tại các vùng miền trên cả nước. Với vẻ đẹp của dân ca ví, giặm, tôi thấy không chỉ bằng các đêm diễn mà dân ca phải đi vào đời sống cộng đồng một cách tự nhiên. Để có được điều đó cần thiết nuôi dưỡng các câu lạc bộ dân ca ở 2 địa phương bằng sự quan tâm của các cấp chính quyền, của công tác xã hội hóa. Sở Giáo dục và Đào tạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nên nghiên cứu hướng đưa dạy hát dân ca vào trường học để các thế hệ sau này đều hiểu và yêu dân ca hơn.

Ví, giặm và đất xứ Nghệ

Ví, giặm là hai thể hát dân ca đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ. Từ lâu, ví, giặm đã được biết đến như một “thổ sản”, một sản phẩm văn hóa đại diện, tiêu biểu của vùng đất Nghệ Tĩnh, chỉ tồn tại, phát triển trong cộng đồng cư dân người Việt thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Điều mà mỗi người xứ Nghệ luôn tự hào là sự đặc sắc, đậm “cá tính Nghệ Tĩnh” trong những câu dân ca ví, giặm.

Ở góc độ văn học và âm nhạc, ví, giặm đã thể hiện tài năng sáng tạo của nhân dân lao động bằng một kho tàng đồ sộ những câu thơ độc đáo, sâu sắc về nội dung, điêu luyện về nghệ thuật; những giai điệu âm nhạc mộc mạc, mang đậm âm hưởng của cuộc sống lao động, đặc thù của âm sắc giọng nói xứ Nghệ nhưng vẫn có sức hấp dẫn, lôi cuốn kỳ lạ. Dân ca ví, giặm đã cho chúng ta hiểu hơn về mảnh đất và con người Nghệ Tĩnh: vùng đất đầy nắng gió khắc nghiệt nhưng bình dị và ấm áp nghĩa tình; con người xứ Nghệ cần cù, chịu khó, trong vất vả, cực nhọc vẫn cứng cỏi, lạc quan, yêu đời.

Về lịch sử, nguồn gốc ra đời của ví, giặm có nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, song có thể thấy từ thế kỷ 17 - 18 thì hát ví, giặm đã phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến của cộng đồng với sự tham gia của nhiều tầng lớp, từ người lao động đến văn nhân, nho sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Quýnh... Từ giữa thế kỷ XX đến nay, ví, giặm xứ Nghệ đã có những thay đổi về môi trường diễn xướng, về hình thức thể hiện, về đề tài phù hợp với sự thay đổi của hình thái kinh tế xã hội và nhu cầu của công chúng. Ví, giặm được bảo tồn, phát triển trong cộng đồng bằng hình thức văn nghệ quần chúng, thông qua hoạt động câu lạc bộ, được đưa lên sân khấu, đưa vào trường học và các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo sggp.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Đưa ví, giặm về miền nắng ấm" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.