Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm các cấp, các ngành và cộng đồng trong thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các di sản mang giá trị tiêu biểu quốc gia, ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa trên địa bàntỉnh, góp phần xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và hệ tri thức Việt số hóa; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực di sản văn hóa nhằm phục vụ công tác quản lý và tuyên truyền dữ liệu số đến khách tham quan theo xu thế hội nhập.
Theo đó, Kế hoạch có nhiệm vụ triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các Đề án, Chương trình của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Triển khai đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại; từng bước khôi phục các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về di sản văn hóa đồng bộ với quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản văn hóa.
Khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh,... Gắn phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch như sau:
1. Công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: Triển khai lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã xếp hạng theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ và phù hợp với quy định pháp luật. - Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.
2. Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng: Đầu tư, tôn tạo, tu bổ chống xuống cấp các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh nhằm chống xuống cấp (dự kiến: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 07 di tích cấp quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh). Tiến hành khảo sát, tổ chức khai quật khảo cổ di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp để phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới.
3. Nâng cấp hệ thống bảo tàng và nhà trưng bày tại các di tích: Xây dựng và triển khai Dự án “bảo tồn và phát huy giá trị Bảo tàng Tỉnh thành điểm du lịch”: Trong đó bao gồm việc quy hoạch và mở rộng không gian Bảo tàng và chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Tỉnh; chỉnh trang nội dung phòng trưng bày – kết hợp nhà làm việc Khu di tích Xẻo Quít; Nhà trưng bày Xứ ủy Nam bộ - Văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp; Phòng trưng bày Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy; hệ thống phòng trưng bày tại một số di tích đã xếp hạng đáp ứng yêu cầu bảo quản và trưng bày phục vụ du khách và Nhân dân.
4. Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu: Nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di tích văn hóa Óc Eo ở di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền để ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, lựa chọn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản quốc gia và có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị. Tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; hỗ trợ các nghệ nhân trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống. Bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống tiêu biểu để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch. Bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
5. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin số hóa di sản văn hóa: Thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể (trưng bày, thuyết minh, bảo quản, tu bổ, phục chế, thực hành, trao truyền …).Tư liệu hóa, số hóa phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; phát triển các ứng dụng, công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng nền tảng kỹ thuật số, dữ liệu số về di sản văn hóa Phấn đấu 100% di tích lịch sử văn hóa được công nhận xếp hạng trên địa bàn Tỉnh; nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng, Ban quản lý di tích được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.
6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực di sản văn hóa: Triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng (ngắn hạn và dài hạn), tập huấn nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng chuyển đổi số cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản văn hóa.
7. Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa: Triển khai các hoạt động gắn với việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tại Bảo tàng và di tích nhằm thực hiện tốt việc phối hợp thực hiện công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương ngoài nhà trường. Trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Tỉnh và một số di tích tiêu biểu phục vụ tốt nhu cầu khách tham quan; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh. + Tích cực tham gia các liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể, các cuộc thi sáng tác, triển lãm về di sản văn hóa. Xây dựng các ấn phẩm khoa học chuyên môn, quà lưu niệm nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa đến với công chúng.