Đọc cuốn sách của TS. Phạm Việt Long giúp tôi cảm nhận sâu sắc rằng tín ngưỡng dân gian là một trong những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam và luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Với quan niệm “vạn vật hữu linh” và niềm tin vào mối quan hệ bền chặt giữa thế giới của những người sống với tổ tiên/thế giới những người đã khuất, người Việt Nam có thiên hướng “thiêng hóa” các sự vật, hiện tượng tự nhiên cũng như các nhân vật lịch sử mà theo họ, có khả năng siêu việt, sẵn sàng bảo hộ và mang lại lợi ích thiết thực cho họ trong các hoạt động đời sống hàng ngày. Họ đã nhân cách hóa, lịch sử hóa các lực lượng tự nhiên và huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử/những người có công với dân với nước, tất cả được thăng hoa thành các vị thần linh, biểu tượng văn hóa – tâm linh mà mọi người thành tâm kính ngưỡng, nể sợ cũng như cầu cúng với ước mong được “phù hộ, độ trì”, ban phát niềm vui, hạnh phúc và cuộc sống no đủ nơi trần gian.
Tôi nghĩ, Phạm Việt Long đã thực hiện đến tận cùng tâm nguyện của mình như điều mà ông đã viết trong lời mở đầu cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu – Từ góc nhìn văn hóa”: “Từ góc nhìn văn hóa, nghiên cứu này tìm hiểu sâu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, bao gồm khái niệm, nguồn gốc, đặc điểm, hình thức, nội dung, ý nghĩa và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội, văn hóa tâm linh và nhận thức của cộng đồng. Nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp để bảo vệ, phát huy và lan truyền tín ngưỡng thờ Mẫu trong thời đại hiện nay”.
Điều tôi thấy tâm đắc là, qua các trang viết, Phạm Việt Long đã khắc họa tín ngưỡng thờ Mẫu như là một nét đặc sắc, độc đáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Tác giả đã diễn giải một cách thuyết phục rằng, văn hóa thờ Nữ thần Mẫu Liễu Hạnh trong tín ngưỡng thờ Tam phủ/Tứ phủ là biểu hiện đặc trưng về “bà mẹ xứ sở và tình yêu thương” góp phần làm nên diện mạo Tứ bất tử/Bốn vị thánh thiêng với quyền năng vượt trội nhất trong hệ thống thần điện Việt Nam. Trong văn hóa Việt, nhân tố nữ/nữ thần/nhân thần cũng chiếm tỷ lệ hình tượng không nhỏ như hình tượng Hai Bà Trưng, Lê Chân, Bà Triệu cùng vô vàn anh hùng liệt nữ được nhiều thế hệ người Việt Nam sùng kính và tôn thờ. Điều đó có nghĩa là, các “Nữ thần” – “Mẫu thần” – “Thánh mẫu” vừa có nguồn gốc thiên thần, vừa có nguồn gốc nhân thần được “thăng hoa” từ nền tảng thờ Nữ thần vốn đã rất phổ biến từ thời tiền/sơ sử ở Việt Nam và hiện đang được tiếp nối trong thời đại của chúng ta. Sự sùng tín với “Cô Sáu/Chị Sáu” ở nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) và “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” (Hà Tĩnh) có lẽ là hiện tượng văn hóa đặc sắc chỉ có ở Việt Nam. Các vị liệt nữ này đã có vị trí rất đặc biệt trong tâm thức và đời sống tâm linh của người Việt, vì theo quan niệm dân gian, những cô gái trẻ tuổi mất sớm khi còn trong trắng, đặc biệt là những ai đã tận hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước, đều được cộng đồng tôn vinh như những vị thần linh, được thờ cúng tại các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, và các thiết chế như thế sẽ trở nên thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng nếu nhiều người tìm thấy ở đó sự trải nghiệm cá nhân và sự “linh ứng”. Do đó có thể khẳng định, văn hóa thờ Nữ thần/Tín ngưỡng thờ Mẫu là nhân tố thể hiện bản sắc văn hóa Việt.
Phạm Việt Long đã giúp tôi cảm nhận rõ tôn giáo, tín ngưỡng và khoa học như là hai mặt của đời sống con người, và tôn giáo, tín ngưỡng như là một tất yếu của đời sống. Đối với chúng ta, Mẫu không có thực về mặt vật chất, Mẫu chỉ có thực về mặt tinh thần. Và do đó Mẫu cũng là sản phẩm của sáng tạo về tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Vẫn biết, khoa học là tối cần thiết cho con người, bởi thành tựu khoa học giúp cho đời sống vật chất của con người không ngừng được cải thiện theo chiều hướng ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, khoa học lại không có khả năng làm cho con người tốt hơn về mặt tinh thần/đạo đức theo hướng ngày càng nhân đạo hơn với nhau và thân thiện hơn với môi trường tự nhiên. Khoa học phát triển luôn đi kèm theo nó là hiện tượng khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đồng thời những thành tựu khoa học luôn bị lợi dụng để phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp chiến tranh – yếu tố đe dọa sự hủy diệt đối với toàn nhân loại. Do đó, văn hóa, trong đó có khía cạnh văn hóa đạo đức của tôn giáo, tín ngưỡng giúp con người có sự cân bằng, hài hòa giữa hai mặt đời sống vật chất và tinh thần, có sự an bình thực sự trong nội tâm mỗi con người. Qua đây, có thể khẳng định, tôn giáo, tín ngưỡng sẽ là hành trang lâu dài cùng con người bước vào tương lai. Do đó, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng sẽ là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng xã hội.
Từ góc nhìn văn hóa, TS. Phạm Việt Long đã chú tâm tiếp cận cộng đồng chủ thể văn hóa – những người đang nắm giữ các giá trị di sản và đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống xã hội. Bằng kiến thức văn hóa sâu rộng và qua tiếp xúc trực tiếp với các nghệ nhân, các thanh đồng hay đồng thầy thực thụ, tác giả đã kiến giải toàn diện, nhiều chiều và hiểu thấu đáo các giá trị còn ẩn chứa trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Và theo ông, nghi lễ hầu đồng là nhân tố cốt lõi làm nên sức sống lâu bền và sức hấp dẫn của Đạo Mẫu Việt Nam. Từ nghi lễ hầu đồng sản sinh ra các giá đồng và nghệ thuật hát chầu văn - một hình thức diễn xướng dân gian thuần Việt – loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nghi thức hầu đồng có các lớp diễn xướng mô tả hành trạng của các vị thánh, có các làn điệu dân ca kết hợp âm nhạc và các điệu dân vũ. Ở đó, ta thấy sự hiện diện kho tàng di sản văn hóa đa dạng và sống động, hấp dẫn như huyền thoại, truyền thuyết, các thể loại văn học truyền miệng và ngợi tấm gương đạo đức sáng ngời của danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc cũng như các vị thần linh tối thượng trên đất Việt.
Theo tôi biết, TS. Frank Proschan, học giả người Mỹ, chuyên viên cao cấp về di sản văn hóa của UNESCO, đã có nhận xét xác đáng về hiện tượng lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông viết: “Lên đồng là một dạng trình diễn văn hóa đặc biệt mang tính tổng hợp: nghi lễ kết hợp với sân khấu, âm nhạc và lời hát, trang phục và phong tục, nhảy múa và nhập thần, hay “thăng hoa về tâm lý”. Lên đồng thể hiện trạng thái ngây ngất, hay nhập hồn mà trong đó người lên đồng có thể bị chiếm lĩnh, lấn lướt bởi vị thần trong điện Mẫu.” Từ nhận xét tinh tế, sắc bén của TS. Frank Proschan, có thể khẳng định rằng tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là hiện tượng lên đồng, phải được bảo tồn như “bộ phận kho tàng sống” về di sản văn hóa tâm linh ở Việt Nam.
Thấm nhuần tinh thần văn hóa học, TS. Phạm Việt Long luôn đặt con người vào trọng tâm của quá trình nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu; ông cũng đánh giá cao vai trò của cộng đồng chủ thể của tín ngưỡng – người nắm giữ, người thực hành, người truyền dạy và người hưởng thụ các giá trị văn hóa. Quan điểm, nhận thức, nhu cầu và sự tự ý thức của cộng đồng cũng là đối tượng nghiên cứu trong công trình khoa học của Phạm Việt Long. Những con người tự ý thức về giá trị di sản do mình nắm giữ và thực hành tín ngưỡng có tên tuổi, địa chỉ cụ thể mà người đọc có thể tiếp xúc và cảm nhận trực tiếp nhờ công nghệ thông tin (Quét MÃ QR) với các video clip cực kỳ sinh động. Tôi nghĩ rằng, đây là nét mới trong phương pháp nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu rất đáng được hoan nghênh và ủng hộ.
Điều tâm đắc nữa là, TS. Phạm Việt Long đã tiếp cận việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở cả hai mặt tích cực và hạn chế để từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ và phát huy giá trị mang tính độc đáo và thiết thực trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở giai đoạn hiện nay. Ông đã kiến nghị một mô hình hợp tác giữa các bên có liên quan từ các khía cạnh: Quyền, lợi ích và trách nhiệm liên đới. Chỉ khi nào huy động được các nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội: Nhà nước, các nhà khoa học, các cộng đồng chủ thể và doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có liên quan tham gia tự nguyện, thành tâm và không vụ lợi thì chúng ta mới bảo vệ và phát huy có hiệu quả các mặt giá trị đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, trong khuôn khổ một công trình nghiên cứu mà TS. Phạm Việt Long đã xác định chính xác nội dung, đối tượng, phương pháp tiếp cận và mục tiêu nghiên cứu, đồng thời xử lý vấn đề theo đúng yêu cầu của chuyên ngành văn hóa học, nhất là đặt ra những vấn đề thiết thực đối với cộng đồng chủ thể văn hóa, là một thành công lớn, thật đáng khích lệ!
Hy vọng cuốn sách này sẽ được đón nhận nhiệt tình của đông đảo bạn đọc trên cả nước.