Theo đó, quan điểm của Đề án là đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu (sau đây gọi tắt là Khu di tích Bà Triệu) đảm bảo phù hợp với Luật Di sản Văn hóa, Luật Du lịch và quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan; Đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch gắn với tăng cường liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp trong công tác quản lý điểm đến, doanh thu, kết nối các tour, tuyến du lịch…; đảm bảo sự tham gia chặt chẽ và phân chia lợi ích hài hòa giữa Ban quản lý Di tích, doanh nghiệp và người dân; góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân địa phương và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong huyện, trong tỉnh. Đồng thời khai thác, phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, đảm bảo tính nguyên gốc của Khu di tích Bà Triệu; tuân thủ các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tại khu vực núi Gai, núi Tùng Sơn.
Đề án chia làm 2 giai đoạn, trong đó mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025: Nghiên cứu, rà soát, trình lập quy hoạch Khu di tích Bà Triệu phù hợp với quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; lập các dự án phát triển du lịch và thực hiện kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư, khai thác giá trị di tích. Phấn đấu đến năm 2025, Khu di tích Bà Triệu đón khoảng 71.150 lượt khách du lịch, trong đó có 650 lượt khách quốc tế và 70.500 lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt 7.170 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng từ khách quốc tế và 7.100 triệu đồng từ khách nội địa.
Giai đoạn 2026 - 2030: Thành lập Ban quản lý Khu di tích; bổ sung, hoàn thiện bộ máy cán bộ, viên chức của Ban theo hướng chuyên nghiệp; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án đầu tư, đưa vào khai thác, phục vụ phát triển du lịch tại Khu di tích Bà Triệu; Xây dựng hệ thống các sản phẩm và dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn và thu hút khách du lịch. Phấn đấu đến năm 2030, Khu di tích Bà Triệu đón khoảng 177.000 lượt khách du lịch, trong đó có 1.600 lượt khách quốc tế và 175.400 lượt khách nội địa; doanh thu từ du lịch đạt 27.350 triệu đồng, trong đó 250 triệu đồng từ khách quốc tế và 27.100 triệu đồng từ khách nội địa.
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đưa ra gồm: Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa Khu di tích Bà Triệu và khu vực lân cận; Tổ chức quy hoạch không gian, khai thác tài nguyên du lịch; Đổi mới hệ thống tổ chức quản lý Khu di tích Bà Triệu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển thị trường khách du lịch; Tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; Đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch; Xây dựng cơ chế, chính sách; đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên các nguồn lực cho phát triển du lịch tại Khu di tích; Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Bảo tồn, tôn tạo di tích và bảo vệ môi trường du lịch.
Đền Bà Triệu thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh - người có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô (Trung Quốc) vào giữa TK III. Đình được nhân dân làng Phú Điền xây dựng thô sơ bằng tranh tre, nứa ở sườn núi Gai năm 248. Sau chiến thắng giặc phương Bắc, Lý Nam Đế đã dừng chân ở đền Bà Triệu tạ ơn vong linh vị nữ tướng và cấp kinh phí xây dựng đền thờ này.
Di tích đền Bà Triệu có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng cư dân Thanh Hóa cũng như thu hút nhiều du khách đến viếng thăm trong các dịp lễ hội. Với những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đó, quần thể tưởng niệm Bà Triệu đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1979. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích đền Bà Triệu là Di tích quốc gia đặc biệt.